Đại dịch Corona đang phá vỡ giấc mộng Trung Hoa của ông Tập
Mẹ của Ngô Thần phải chờ tám tiếng đồng hồ ở bệnh viện mới được bác sĩ thăm khám. Chỉ tám ngày sau, bà mất.
99% là bà bị chứng bệnh bí ẩn giống như viêm phổi đang càn quét qua thành phố Vũ Hán bữa giờ, người bác sĩ nói với Ngô Thần như thế, nhưng ông ta không có bộ dụng cụ xét nghiệm để chứng minh điều đó. Dù bà cụ 64 tuổi sốt cao và tuột ô xy đến mức nguy kịch, bệnh viện vẫn không kiếm nổi giường cho bà. Ngô Thần đưa mẹ đi thêm hai bệnh viện nữa, nhưng chỗ nào cũng cũng quá tải như thế. Đến ngày 25/1, mẹ của cô phải nằm trên sàn của phòng cấp cứu, thở hổn hển, nửa tỉnh nửa mê.
“Chúng tôi không muốn nhìn thấy mẹ chết trên sàn nhà bệnh viện nên đã đưa bà về nhà,” cô gái 30 tuổi nói. “Qua hôm sau, mẹ mất”.
Ngô Thần là một cái tên giả. Không muốn đi tù vì bất đồng chính kiến, cũng như đang rất đau buồn vì cái chết của mẹ, cô đã yêu cầu TIME dùng bí danh khi kể lại câu chuyện của mình. Đấy là một yêu cầu hợp lý. Một lần nữa, ta thấy mỗi cái chết vì virus Corona có ý nghĩa với TQ ra sao.
Tính đến ngày 4/2, chủng virus mới, đặt đặt tên là 2019-nCoV, đã đe dọa hơn 24.000 người bị nhiễm và giết chết 492 người. Nó cũng phủ một áng mây u ám lên dự án trẻ hóa quốc gia của Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình. Hệ lụy nặng nề của dịch bệnh làm người ta hoài nghi về những quy tắc ấu trĩ từ trên xuống dưới, hoài nghi cả lời hứa sẽ giữ cho nhân dân mình an toàn từ Chính phủ. Từ khi Trung Quốc thừa nhận mức độ nghiêm trọng của đại dịch, mọi cơ quan của chính phủ đều mở hết tốc lực để thực thi một kế hoạch kiểm dịch chưa từng có, với 50 triệu người ở 15 thành phố khác nhau.
Chính phủ Trung Quốc đã rút từ ngân sách ra một tỷ nhân dân tệ (142 triệu USD) để chống lại sự bùng phát của virus, đồng thời quay cuồng xây dựng bệnh viện dã chiến 1.000 giường chỉ trong 10 ngày. Thời gian để tìm hiểu căn bệnh do virus Corona gây ra quá ngắn, trong khi tốc độ lây lan của nó quá nhanh, nên ta có thể cảm thông cho việc mẹ của Ngô Thần không có giường nằm. Nhưng làm sao có thể cảm thông cho một Chính phủ từ chối đồng cảm với nỗi đau của một người con gái đã mang mẹ về nhà, vì không nỡ nhìn thấy bà chết trên sàn bệnh viện?
Sự minh bạch có ý nghĩa thiết yếu đến sức khỏe cộng đồng. Nhưng tại Trung Quốc, những bác sĩ thông báo về hiểm họa bùng phát dịch bệnh bị bắt vì “gieo rắc tin đồn thất thiệt”. Quan chức bị bắt gặp lấy vật dụng dành cho y bác sĩ tuyến đầu làm của riêng, khiến họ phải chế văn phòng phẩm thành mặt nạ giải phẫu. Trong khi đó, Trung Quốc (TQ) lại nhanh chóng tận dụng cuộc khủng hoảng cho mục đích tuyên truyền, bằng việc tán dương những cán bộ có nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
Scott W. Harold, chuyên gia về Đông Á tại Viện chính sách Rand Corp (Mỹ), phát biểu: “Cơn khủng hoảng có lớn cách mấy, thì họ vẫn có cách tuyên truyền cho đảng, bằng cách thao thúng thông tin”.
Mùa thu 2017, ông Tập Cận Bình bước lên Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh để tuyên bố: chế độ độc đảng của Trung Quốc là lựa chọn cho “những quốc gia vừa muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển quốc gia, đồng thời bảo vệ được nền độc lập”. Ông nói: nền dân chủ phương tây lộn xộn và quá nhiều sai sót. Kể từ sau phát biểu ấy, Trung Quốc đã ngày một ngạo mạn hơn, sự ngạo mạn ấy càng được nuôi dưỡng bởi nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump và sự tan rã của trật tự thế giới đa phương. Nhưng cuộc khủng hoảng virus Corona đang đe dọa phá hỏng nội bộ Trung Quốc. Một số cán bộ hàng đầu của TQ đã phải thừa nhận hôm 3/2: “Đây là một thử thách lớn với hệ thống chính trị lẫn năng lực quản trị”.
Virus Corona đang lây nhiễm thêm 2.000 người mỗi ngày tại Trung Quốc và đã lan san ít nhất 25 quốc gia khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Nhưng nỗi sợ hãi đâu chỉ giới hạn ở vấn đề sức khỏe. Nền thương mại toàn cầu đang xoay quanh nền kinh tế trị giá 14,55 nghìn tỷ đô la của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình trở thành nhân vật lãnh đạo quyền lực bật nhất Trung Hoa kể từ sau Mao Trạch Đông. Ông đã tận dụng sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh để đạt được những tham vọng trong nước và quốc tế, nhưng cũng đồng thời phải đối mặt với những thách thức khủng khiếp mà không một người tiền nhiệm nào gặp phải.
“Từ lúc ông Tập lên cầm quyền, không biết đã có bao nhiêu vấn đề đã xảy ra và dường như ông ta không biết cách xử lý chúng sao hiệu quả”. Jude Blanchette, chuyên gia phân tích Trung Hoa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đặt trụ sở tại Washington cho biết. Những vấn đề ấy bao gồm tình trạng bất ổn ở Hong Kong, cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và bây giờ là cuộc khủng hoảng y tế.
Suốt nhiều thập kỷ, với sự vượt trội của hệ thống chính trị khi đối diện với những khủng hoảng ngắn hạn và thách thức dài hạn. Quốc gia này đã xây dựng hàng nghìn cây số đường sắt cao tốc và kéo hàng trăm triệu người thoát nghèo. Đến năm 2022, McKinsey dự báo 550 triệu người Trung Quốc có thể xem mình thuộc tầng lớp trung lưu, tức cao gấp rưỡi dân số toàn Hoa Kỳ hiện tại. Nhưng viễn cảnh tươi đẹp ấy đang xấu dần đi dưới thời của ông Tập. Và bây giờ, con virus Corona có thể làm suy yếu ước mơ biến Trung Quốc thành quốc gia của thế kỷ mới, như Mỹ đã từng làm được ở thế kỷ vừa qua.
Năm 2019, Trung Quốc đã vượt qua Nga để trở thành quốc gia cộng sản lâu đời nhất. Bảy thập kỷ tuổi thọ của ĐCS Trung Quốc có được là nhờ đã từ bỏ một phần lớn của học thuyết Mác-Lênin. Thay vì quy hoạch tập trung và đặt mục tiêu từ trên xuống, Trung Quốc đã đi vào kinh tế thị trường, trao quyền lực đáng kể cho những khu vực và thành phố lớn. Cán bộ lãnh đạo địa phương được khuyến khích đưa ra những quyết định táo bạo để thúc đẩy nền kinh tế tại chỗ, việc xây dựng hạ tầng sản xuất được trợ cấp rất nhiều.
Kết quả là, Trung Quốc phát triển nhảy vọt, nhưng cũng tạo ra mạng lưới của những sứ quân. Họ nắm quyền ở địa phương và tạo ra những trung tâm quyền lực nhỏ, từ đó phát sinh đấu đá tranh giành ảnh hưởng và tham nhũng. Lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình nhìn ra: tham nhũng là mối đe dọa cho sự tồn vong của đảng. Với ông, chỉ có một cách cứu TQ không đi vào vết xe đổ của Liên Xô: phục hưng ý thức hệ cùng một cuộc thập tự chinh chống tham nhũng.
Là một người nổi tiếng ôn hòa, ông Tập Cận Bình đã khởi đầu sự nghiệp chính trị ở vị trí của một cán bộ cấp tỉnh, cuối cùng trở thành một ứng cử viên dung hòa cho vị trí lãnh đạo tối cao của TQ. Việc ông Tập không có vây cánh quyền lực khiến những cán bộ lớn tuổi trong đảng tin là mình có thể uốn nắn và kiểm soát ông được. Còn lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới hy vọng ông có thể thúc đẩy những đổi mới về kinh tế và xã hội mà toàn cầu đã chờ đợi từ lâu.
Nhưng tất cả đều đã lầm. Ngay sau khi thâu tóm quyền lực, ông Tập Cận Bình lập tức tuyên bố về “Giấc mộng Trung Hoa”, tức trẻ hóa quốc gia và đưa Trung Quốc trở lại vị trí “trung tâm của thế giới”. Thay vì chấp nhận cải cách thị trường theo kiểu phương Tây, ông Tập bắt đầu thắt chặt kiểm soát với nền kinh tế, cơ cầu vào đó những kẻ xu nịnh, luôn biết vâng lời. Ngày nay, lòng trung thành với đảng thấm vào da thịt của xã hội Trung Quốc. Lãnh đạo Cục Điện ảnh quốc gia Trung Quốc hạ lệnh: tất cả phim ảnh “phải có một điểm mấu chốt về ý thức hệ rõ ràng và không được thách thức hệ thống chính trị”. Làng báo Trung Quốc được hướng dẫn để tuân theo “những giá trị mới của chủ nghĩa Mác”. Nghệ sĩ chỉ được phép sáng tác “phục vụ nhân dân và chủ nghĩa xã hội”. Một lời kêu gọi hiến tinh trùng ghi rõ: người nộp đơn hiến tặng phải từ 20-45 tuổi, có “ý thức hệ tuyệt vời”, biết “yêu tổ quốc” và “trung thành” với “sứ mệnh” của đảng.
Ông Mao Trạch Đông có Mao Tuyển, nhưng ông Tập Cận Bình có cả một ứng dụng công nghệ, phân phối tới điện thoại của 90 triệu đảng viên, với một thư mục gồm những bài phát biểu và những câu đố về cuộc đời và tư tưởng chính trị của ông.
Ông Tập tự đặt ra sứ mệnh cho mình: rèn giũa nên một bản sắc Trung Hoa thống nhất để đưa người Hán vào giai đoạn hoàng kim, trên lời thề trung thành với đảng. “Ông Tập Cận Bình về cơ bản là một người Hán theo chủ nghĩa Sô Vanh với một sứ mệnh lịch sử: giúp cho Trung Hoa, chính xác là Trung Hoa của người Hán vĩ đại lần nữa” – giáo sư Steve Tsang, giám đốc viện SOAS Trung Hoa tại Đại Học London, phát biểu.
Và ông ta sẵn sàng đi rất xa để đạt được điều đó. Theo Liên hiệp quốc, tại Tân Cương bướng bỉnh, một chiến dịch cưỡng chế tập thể có hệ thống đã biến vùng đất này thành một khu bụi bặm với đầy những trại tù. Đó là nơi giam giữ ngoại tụng hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác. Chiến dịch chống lại nạn Hồi giáo cực đoan ban đầu dần trở thành một dự án vĩ đại về nhồi nhét ý thức hệ. Trên những tuyến đường xưa kia là Con đường Tơ lụa, một bộ máy giám sát tinh vi được tiết lập. Toàn bộ cư dân trong không gian rộng lớn này đều bị theo dõi bởi một máy ghi hình tầm rộng, được điều khiển bởi trí thông minh nhân tạo. Mọi hành đồng đều bị theo dõi, ghi lại và đánh giá thông qua thuật toán.
Những người phạm lỗi sẽ được cho đi học tập. Nurlan Kokeubai, 56 tuổi, không bao giờ biết mình phạm tội gì. Nhưng từ tháng 8/2017 đến tháng 4/2018, ông bị giam trong một trại cải tạo gần thành phố Ili của Tân Cương. Mỗi buổi sáng, Kokeubai cho biết ông và các bạn tù đều phải bỏ ra bốn giờ đồng hồ để ngồi xem video ghi cảnh Tập Cận Bình ăn uống và trò chuyện với giới lãnh đạo hoặc giám sát các cuộc tập trận quân sự. Họ cũng bị yêu cầu phải ghi nhớ “tư tưởng chính trị” của ông Tập và các tài liệu từ Đại hội Đảng lần thứ 19. Ở đó, ông Tập Cần Bình xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch để có thể cầm quyền đến trọn đời. Những ai chống lại sẽ bị đánh đập hoặc bị cột vào ghế kim loại để thẩm vấn.
Kokeubai nói với TIME ở Almaty, Kazakhstan sau khi chạy trốn tới đây: “Họ không kiểm tra kiến thức hay lòng trung thành. Họ chỉ nhồi nhét chúng tôi với những lời lẽ tuyên truyền’”.
Tổng Thống Trump hoàn toàn không hé môi về những trại tù ở Tân Cương khi ông đàm phán một thỏa thuận ngưng chiến thương mại. Nhưng đến khi dịch Corona bùng phát, các thành viên chính phủ của ông đã chịu hết nổi. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trên TV hôm 30/1: “Tôi không muốn nói về một chiến thắng nào ở đây, giữa dịch bệnh đáng tiếc và ác tính này. Nhưng thực tế là sự kiện này mang lại cho doanh nghiệp một điều nữa cần phải đánh giá khi họ xem xét lại chuỗi cung ứng của mình… Vì vậy, tôi nghĩ rằng nó sẽ giúp đẩy nhanh việc công ăn việc làm quay trở lại Bắc Mỹ”
Bốn mươi năm sau khi Bắc Kinh và Washington bình thường hóa quan hệ, hai nước đang bắt đầu nhìn theo những hướng khác nhau. Dưới thời tt Trump, Hoa Kỳ đã tháo gỡ những công ty của mình và, đúng vậy, cả chuỗi cung ứng từ Trung Quốc thông qua thuế, chính sách xuất nhập khẩu và những kềm chế đầu tư khắc nghiệt. Giới đầu tư phương tây cũng gặp phải những rào cản về ý thức hệ và phải đi tìm thị trường ở những nơi khác, bởi vì rõ ràng thị trường Trung Quốc hiện đang tinh vi, bão hòa và khó khai thác.
Washington đã cấm Huawei, công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, cài đặt vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, đồng thời kêu gọi các đồng minh làm điều tương tự. Tại các trường đại học Hoa Kỳ, những nhà nghiên cứu người Trung Quốc bị thanh trừng khởi giới hàn lâm vì nỗi lo gián điệp. Sự lạc quan đầy kiên nhẫn từng tô hồng cho chính phủ của George W. Bush and Obama đã hoàn toàn bốc hơi.
Nhưng sẽ là một sai lầm nếu bỏ qua tác động của riêng ông Tập Cận Bình trong tiến trình này. Tsang nói: “(Năm ngoái) là một bước ngoặt trong sự thay đổi về cách mà Hoa Kỳ nhìn nhận về mối quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tách rời này không phải Donald Trump khởi xướng.
Bởi Tập Cận Bình đã chuẩn bị từ trước”.
Mọi chính sách kinh tế đặc trưng của ông Tập đều hướng tới việc làm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Hoa Kỳ để có thể tạo dựng đế chế cho riêng mình. Sáng kiến “Vành đai và con đường” trị giá một nghìn tỷ USD nối liền khắp Âu Á và châu Phi. Chiến dịch “Made in China 2025” nhằm thúc đẩy Trung Quốc đi đầu trong cách ngành công nghiệp chiến lược đang bị thống trị bởi Thung lũng Silicon như chất bán dẫn, hàng không vũ trụ, AI và robot. Chính phủ Trung Quốc thậm chí đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan nhà nước phải loại bỏ hết máy tính do nước ngoài sản xuất trong vòng 3 năm.
Ông Tập không đơn độc, dù vây quanh ông nhiều khách hàng hơn bằng hữu. Trung Quốc hiện đang liên kết với Nga chặt chẽ chưa từng thấy kể từ sau khi chủ tịch Mao và Nikita Khrushchev nghỉ chơi vào năm 1956. Sáng kiến kiến “Vành đai và con đường” cố đưa các quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu và Trung Đông vào quỹ đạo của Bắc Kinh (và thường trở thành con nợ của Trung Quốc). Hoa Kỳ đã yêu cầu 61 quốc gia cạch mặt Huawei, nhưng đến nay chỉ có ba quốc gia làm theo là Nhật Bản, Australia và New Zealand. Cục diện của một thập kỷ tới sẽ không được định đoạt bởi bức màn sắt mà giữa hai khối luôn luôn cố tranh giành ảnh hưởng với những quốc gia hiện vẫn chưa rõ mình nên đi theo dân chủ tự do hay độc tài chuyên chế. Và, trong một chừng mực nào đó, virus Corona bỗng mang đến cơ hội cho một bên. Khi được hỏi có chấm dứt thuế nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc vì khủng hoảng dịch bệnh hay không, cố vấn thương mại của Nhà Trắng là Peter Navarro bác bỏ: “Hãy nhớ vì sao chúng ta lại quyết đánh thuế ngay từ đầu”.
Đối đầu với đại dịch cần nhiều thứ hơn là xây bệnh viện trong vài ngày. Nó đòi hỏi rất nhiều niềm tin. Nhưng ngay từ đầu, phản ứng của Trung Quốc với con virus đã làm cho người ta nghi ngại. Ngay cả các tổ chức đa quốc gia như WHO cũng cảm thấy điều này khi dịch ngày một tồi tệ hơn. WHO đã không thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng của 2019-nCoV sau cuộc họp đầu tiên vào ngày 22/1, chủ yếu là vì sự cản trở của Bắc Kinh. (WHO gọi đó là “những quan điểm khác nhau”). Đáng chú ý là mặc dù WHO khẳng định việc cấm du lịch đến Trung Quốc là chưa cần thiết, hàng chục quốc gia vẫn đưa ra lệnh cắm nghiêm ngặt gồm Hoa Kỳ, Australia và Bắc Triều Tiên. Nếu tin vào số liệu chính thức của Trung Quốc, rằng tỷ lệ tử vong của 2019-nCoV chỉ là 2%, tức giống như cúm thường và kém xa so với tỷ lệ 50% của Ebola hay 10% của SARS, câu hỏi đặt ra là: tại sao Trung Quốc đã đặt toàn bộ các thành phố của mình trong tình trạng báo động, cách ly hàng chục triệu người và huy động cả quân đội vào cuộc?
Đó chính là nhược điểm của hệ thống kiểm soát từ trên xuống của ông Tập. Bởi vì không một ai dám hành động trước khi nhận lệnh của cấp cao nhất, để rồi sau đó tất cả phản ứng dữ dội để làm hài lòng lãnh đạo. Chứng cứ rõ ràng ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bắt đầu. Ban đầu là chần chừ che đậy, sau là phản ứng thái quá khi ông Tập đã thừa nhận khủng hoảng.
Jude Blanchette nói: “Toàn thể bộ máy ĐCS Trung Quốc đã không chịu hành động trong việc giải quyết dịch Corona cho đến khi ông Tập đưa ý kiến về vấn đề này.”
Đáng chú ý, chính Chủ tịch Tập Cận Bình cũng lặn mất tăm kể từ khi dịch bệnh bùng nổ. Người ta không còn thấy ông ra mặt kể từ sau Tết Nguyên Đán. Đến nay đã hơn 10 ngày.
Bây giờ, trên khắp Trung Hoa, nỗi sợ hãi đang tăng dần cùng với cơn thịnh nộ. Ở tỉnh Hồ Bắc, người Vũ Hán bị kỳ thị, tẩy chay. Còn ở các tỉnh khác, bất kỳ ai đến từ Hồ Bắc đều bị xa lánh. Những video trên mạng xã hội cho thấy quần chúng rất cảnh giác trong việc bảo vệ làng mạc. Trong một đoạn video, một người đàn ông mặc áo khoác màu tối và đội mũ rộng vành giữ cầu với một khẩu súng lục. Ở một video khác, một người đàn ông mặc áo khoác màu cam ngồi trên một cái bàn chắn trước cổng làng, trên tay là một thanh gươm lớn. Tất cả các video đều có những bảng hiệu với một chủ đề: người lạ cấm vào!
Ngay cả ở Bắc Kinh, những người gác chung cư cũng yêu cầu xem căn cước của tất cả những người ra vào. Họ cấm tiệt những người thuê nhà trả tiền nếu họ đến từ Hồ Bắc. Nhiều video cho thấy dân Hồ Bắc xô xát với những nhân viên bơm xăng vì từ chối phục vụ. Ẩu đã cũng nổ ra khi một người Hồ Bắc cố vượt quaững trướng ngại vật trên đường.
Một ngươi viết trên Weibo: “Đừng trách chúng tôi thô bạo nếu quý vị từ Vũ Hán và không tự cách ly.”
Một người khác viết: “Cứ bắn họ cho rồi vì họ đang giết chúng ta!”
Sự hồi sinh của ý thức hệ đằng sau “Giấc mộng Trung Hoa” có thể đã khiến hệ thống chính trị trở nên quyết đoán hơn nhưng cũng dễ phạm sai lầm hơn. Dưới thời Chủ tịch Mao, cán bộ lãnh đạo địa phương cũng ngần ngại hành động đến khi họ có những chỉ thị từ cấp trên. Thay vì đánh giá các vấn đề thuần túy qua lăng kính quản lý, bộ máy quan liêu của Trung Quốc buộc phải cân bằng cả mối quan tâm kỹ trị và chính trị. Trong khi đó, chủ nghĩa cục bộ địa phương và kỳ thị vùng miền giờ lây lan nhanh như virus.
Một số câu hỏi – chẳng hạn như liệu virus có thể trở thành đại dịch (hoặc đến mức độ dịch bệnh ở hai châu lục), có bao nhiêu người bị nhiễm và bao nhiêu người phải chết – vẫn bị che giấu trong hoang mang. Nhưng cuộc khủng hoảng đã chứng minh việc tập trung quyền lực chính trị dưới thời ông Tập Cận Bình đã khiến xã hội Trung Quốc trở nên mong manh. Câu hỏi là nó sẽ chịu đựng được thêm bao lâu trước khi rạn nứt.
Mẹ của Ngô Thần đã được hỏa táng ngay trong đêm mà bà qua đời. Một chiếc xe container móp méo đến lúc chín giờ đêm, mang xác bà đi cùng với vô số những người khác. Thay vì 2019-nCoV, giấy chứng tử của bà chỉ ghi là “viêm phổi do virus”. Ngô Thần ký giấy hỏa táng, nhưng người ta thông báo tro cốt của mẹ cô chỉ được trả lại sau khi cuộc khủng hoảng chấm dứt.
“Họ nói có hơn 300 người chết, nhưng tôi nghĩ phải nhiều hơn thế nhiều”.
Thật đáng tiếc, sự mất niềm tin hóa ra cũng lây lan, nhanh như virus!
Lược dịch từ bài: “The Coronavirus Outbreak Could Derail Xi Jinping’s Dreams of a Chinese Century” trên trang bìa của tờ Time số mới nhất.