+
Aa
-
like
comment

Đại đa số người bị nhiễm Covid-19 đều tự khỏi, tại sao vẫn cứ phải phòng chống dịch?

24/02/2020 11:48

Vào nhà vệ sinh, rửa tay bằng xà bông. Một ông khách, có vẻ đã có “hơi men” đi vô. Nhìn thấy tôi đang rửa tay, ông ta cười khẩy: “Chống sạc đấy”, rồi ngật ngưỡng đi vô chỗ bồn tiểu. Ông ta lầm bầm: “À, cô vi, cô vít chứ”. Thì ra, không phải ai cũng ý thức về việc phòng chống dịch.

Nhân viên nhà tang lễ chuẩn bị đưa thi thể một người tử vong bị nghi nhiễm nCoV khỏi chung cư ở Vũ Hán ngày 2.2

Có ý kiến của một số người trên facebook, cho rằng tại sao nói người nhiễm Covid-19 có thể tự khỏi bệnh, rồi tỉ lệ khỏi bệnh 98%, mà vẫn cứ phải tích cực chống dịch?

Còn nhớ trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, có đoạn Âu Dương Phong đầu độc một con cá mập, rồi sau đó giết chết nó. Những con cá mập khác đến ăn thịt con cá mập chết, rồi nhiễm độc, rồi chết, rồi trở thành mồi, và con khác lại ăn những con chết, rồi lại chết… Chẳng mấy chốc, biển hết cá mập. Bây giờ, khi thông tin về vụ dịch viêm phổi Covid-19 tràn ngập, mới thấy chuyện này chẳng có gì mới cả. Nó đã có từ thời Âu Dương Phong rồi.

Thật ra thì khả năng lây lan của con Covid-19 này có vẻ khá dữ dội. Nếu không áp dụng biện pháp phòng ngừa nào, rất có thể nó sẽ lây cho toàn bộ dân số. Cứ thử tưởng tượng, tất cả đều sốt, ho, khó thở, thì xã hội này sẽ ra sao? Hoặc cứ cho tỉ lệ tử vong là 2% đi, thì 90 triệu người nhiễm bệnh, sẽ có bao nhiêu người chết? 1 triệu 8 trăm ngàn người. Đáng kể đấy chứ phải không? Đấy là chưa nói đến chuyện 1,8 triệu người ấy chết trong một khoảng thời gian ngắn, thì nội cái việc mai táng thôi, là chuyện cực lớn rồi.

Vậy thì, việc phòng chống Covid-19 lây lan là rất quan trọng. Trong câu chuyện của Kim Dung kể trên, thì cuối cùng vẫn còn 1 con cá mập sống. Trước đó, Chu Bá Thông đã cột miệng con cá đó lại, rồi “cưỡi” nó đi chơi. Vì vậy, nó không ăn được xác những con bị nhiễm độc chết, nên nó còn sống. Công tác phòng dịch nôm na thì cũng như vậy.

Hiện nay có 2 xu hướng không tốt liên quan đến dịch bệnh, một là cường điệu quá mức gây hoảng loạn, và hai là coi nhẹ quá mức dẫn đến chủ quan. Cả hai xu hướng này đều không tốt cả.

Một điều quan trọng là chúng ta không biết ai là người đã nhiễm Covid-19, ngay cả bản thân mình. Còn nhớ có lần ở Ann Arbor, tôi nhìn thấy một cô gái có nhiều nét giống người Việt, lại có một con tôm đan bằng lá dừa treo tòng teng trên ba lô, tôi nói rằng cô ấy là người Việt. Bạn tôi, một giáo sư Mỹ, khẳng định cô ấy là người Mỹ.

Khi vào quán cà phê, rất tình cờ, cô ấy lại đến ngay bàn bên cạnh chúng tôi ngồi. Tôi đánh bạo hỏi cô ấy từ đâu tới. Cô ấy sững lại một chút, và trả lời là từ Detroit. Anh bạn tôi phải xin lỗi cô ấy vì sự đường đột của tôi. Rất may là cô ấy vui vẻ, hỏi lí do. Sau khi tôi nói lại lí do, thì cô ấy cho biết, cô ấy gốc Philipin, sinh ra ở Mỹ, còn con tôm thì cô ấy mua ở Mexico.

Việc xác định yếu tố dịch tễ, có đến Trung quốc hay không, có tiếp xúc với người đến từ Trung quốc, hoặc Vũ Hán hay không, đều chỉ có tính chất tương đối. Trong những người mà chúng ta gặp trong siêu thị, trên xe buýt, ở sân bay… chúng ta sẽ chẳng biết ai đến từ đâu. Chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng chống lây lan khi có tiếp xúc gần với người khác.

Tình hình bệnh do virus corona gây ra ở Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp

Việc mang khẩu trang, đã được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm cho người mang nó nếu mang đúng cách. Vậy thì, việc quan trọng là hướng dẫn cho người ta mang đúng cách, chứ không phải viện lí do mang không đúng cách mà bỏ, không mang. Ngoài ra, dù mang khẩu trang đúng cách hay không thì chúng ta cũng giúp chống lây lan cho người khác từ bản thân chúng ta. Chúng ta chẳng biết mình đã bị nhiễm hay chưa mà.

Cho nên, tránh tập trung đông người, thường xuyên rửa tay với xà bông đủ thời gian, đúng qui trình, vệ sinh các bề mặt, mang khẩu trang ở chỗ đông người, đặc biệt tại các cơ sở y tế, địa điểm công cộng, phương tiện giao thông công cộng… là việc cần phải làm.

Bác Sĩ Võ Xuân Sơn

Bài mới
Đọc nhiều