‘Đại biểu Quốc hội xếp hàng gì trong hệ thống cán bộ?’
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đặt vấn đề về tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện nay.
Chiều 9-6, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Cần có tiêu chuẩn riêng cho đại biểu Quốc hội
Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách Đoàn ĐBQH Ninh Bình Bùi Văn Phương so sánh ở nước ngoài, nghị sĩ quốc hội là chính khách và yêu cầu tiêu chuẩn chắc chắn phải cao. Còn ở Việt Nam, ĐBQH chưa xếp vào hàng nào trong hệ thống cán bộ.
Theo ông Phương, tất cả cán bộ, từ cấp cao nhất đến chức thấp nhất bên dưới là thôn, xóm, tổ dân phố, vì là cán bộ nên đều có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để chủ động bố trí nguồn khi cần thiết nhưng ĐBQH thì không.
Ông Phương cho rằng Luật hiện hành mới chỉ quy định tiêu chuẩn chung của ĐBQH, chưa có tiêu chuẩn riêng, mà như vậy thì “soi vào đâu cũng thấy ĐBQH”.
“Nếu dễ như thế thì chất lượng ĐBQH sẽ ra sao, trong khi QH là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, quyết định mọi vấn đề của đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi các ĐBQH phải có am hiểu tương đối toàn diện về các lĩnh vực. ĐBQH không thể nói việc này em không học, không làm nên không biết, không tham gia được” – ông Phương nói.
ĐB Ninh Bình sau đó đề xuất ngoài năm tiêu chuẩn chung đã quy định, luật cần bổ sung quy định yêu cầu ĐBQH phải có am hiểu tương đối toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội; có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy phản biện, có kỹ năng diễn đạt …
Mở rộng thành phần tham gia ứng cử ĐBQH
Cũng tại phiên thảo luận, các ý kiến phát biểu đều đồng tình đề nghị nâng tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách chiếm ít nhất 40% tổng số ĐB (quy định hiện hành là 35%).
ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) đề nghị cần nghiên cứu cơ chế dành tỉ lệ nhất định (từ 3-5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có đủ điều kiện sức khoẻ và năng lực, đáp ứng yêu cầu công tác… tham gia làm ĐBQH chuyên trách.
Những người này không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan QH để đáp ứng yêu cầu hoạt động ngày càng chuyên nghiệp của QH.
“Để nâng cao chất lượng ĐB, đề nghị thiết kế thêm một điều chuẩn bị để ĐB tham gia ứng cử”- ông Nhường nói. Cụ thể, ĐB này đề nghị nâng tỉ lệ ứng cử trên trúng cử, mở rộng thành phần tham gia ứng cử cho cử tri lựa chọn, đồng thời tăng tính tranh luận trong chương trình hành động của ĐB để cử tri lựa chọn.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng Quốc hội cần có những người ưu tú, hiểu biết, tận tâm, tận lực và quan trọng là họ có đủ thời gian để thực thi quyền lực đó.
“Sẽ rất khó cho những ĐBQH, dù giỏi đến mấy nhưng vừa ngồi họp vừa phải nghĩ đến những công việc quan trọng khác mà họ đang là người phải gánh vác”- ĐB Hà Nội nêu quan điểm và cho rằng để làm tròn vai của một ĐBQH không hề dễ.
“Ngoài cơ cấu đại diện cho cân đối, hợp lý cũng phải chú ý đến việc đề xuất người có đủ năng lực, trình độ, điều kiện và đặc biệt là có đủ thời gian để làm ĐBQH. Cạnh đó, khi một người được đề nghị tham gia QH thì cần lượng sức mình, lượng định thời gian của mình. Nếu thấy không đáp ứng được thì nên mạnh dạn từ chối”- ĐB Trí tiếp lời.
Một ĐB khác của Hà Nội, bà Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), đề nghị giảm hơn nữa số lượng ĐB kiêm nhiệm hoạt động trong các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp và ĐB tại các cơ quan tư pháp ở cấp trung ương.
“Các cơ quan này thuộc đối tượng giám sát của Quốc hội. Nếu còn những cơ cấu này trong QH thì hoạt động giám sát tối cao của QH rất khó thực hiện”- bà Khánh nêu lý do.
ĐBQH chuyên trách: Tăng lượng nhưng không tăng chất là sự lãng phí
“Chủ trương để tăng lượng số lượng đại biểu chuyên trách là một chủ trương đúng nhưng nếu chỉ tăng số lượng đại biểu chuyên trách mà không tăng thêm chất lượng thì thực sự là lãng phí, từ điều kiện làm việc cho đến xe cộ…”- Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nói.
Ông Cương cũng chỉ ra thực tế có những ĐB chuyên trách nhưng không đóng góp gì được nhiều, có khi cả một khóa chẳng đóng góp được bao nhiêu.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh ĐBQH là những người tiêu biểu, ưu tú, đại diện cho các giai tầng, các cơ quan trong hệ thống tổ chức, trong hệ thống chính trị. Vì vậy, không thể đưa hết tiêu chuẩn riêng của từng khối, từng giai tầng vào quy định của Luật được.
Cũng theo ông Lưu, Luật chỉ quy định tiêu chuẩn chung, sau này, chúng ta phải áp dụng các văn bản quy định của Đảng, Đề án bầu cử ĐBQH, tiêu chuẩn riêng đối với từng khối, từng cơ quan để lựa chọn ra những người tiêu biểu, ưu tú nhất để vào làm ĐBQH.
Vị Phó chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định không thể quy định riêng tiêu chuẩn cho ĐBQH hoạt động chuyên trách.
Xử lý kỷ luật ĐBQH phải bãi nhiệm
Tại phiên thảo luận, ĐB Trần Thị Quốc KHánh (Hà Nội) cho rằng việc xem xét, xử lý kỷ luật một ĐBQH là cả một vấn đề rất khó khăn và phức tạp.
“Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi có yêu cầu phải kỷ luật một đại biểu nào đó là cả một vấn đề đau xót. Tuy nhiên đến khi đưa sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì lại xử lý cho thôi làm đại biểu vì lý do sức khỏe”-bà Khánh nhận xét.
Cho rằng quy định như dự thảo chưa hợp lý, bà Khánh đề nghị sửa quy định tại Điều 54 về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm đúng tính chất kỷ luật thì phải bãi nhiệm.
ĐỨC MINH- CHÂN LUẬN/PL