+
Aa
-
like
comment

Đại biểu Quốc hội trốn họp, đi đâu?

20/07/2019 14:29

Chưa khi nào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của họp Quốc hội như Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Đó là tình trạng các “ông nghị, bà nghị” trốn họp quá nhiều.

FEDB3A5A-F7DC-49E7-A8E5-0A113542DFBD
Sáng 16/7 vừa qua, tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về tổng kết kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Trình bày báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 7, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định nội dung kỳ họp nhìn chung đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, giảm đáng kể việc đóng dấu mật một số tài liệu không thực sự cần thiết.

Công tác điều hành linh hoạt, sáng tạo, có sự bao quát toàn diện, bảo đảm đại diện các đoàn được phát biểu ý kiến, tranh luận, tạo được không khí sôi nổi nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc, kỷ luật, hiệu quả.

Tuy vậy, các báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm tồn tại cũng như nêu các đề xuất để nâng cao hơn nữa chất lượng Kỳ họp tới. Đặc biệt là tình trạng đại biểu Quốc hội trốn họp.

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh chưa có kỳ nào đại biểu vắng nhiều như tại kỳ họp thứ 7. “Mỗi ngày vắng không dưới 30 người, có ngày 100 người, có đoàn vắng 50%, đoàn 7 đại biểu thì vắng 4, 5 thì vắng 3”, bà Ngân thông tin.

Theo bà Ngân, ở nước ngoài không họp như chúng ta nhưng khi biểu quyết thì đại biểu đều tìm cách có mặt. “Họ rất nghiêm túc vì đó là quyền biểu quyết. Còn ta vắng cả khi biểu quyết, do đó cần rút kinh nghiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng thẳng thắn nói về tình trạng đại biểu Quốc hội bỏ họp. Theo bà Nga, có những buổi, báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội cho thấy có Đoàn đại biểu Quốc hội vắng tới 13 đại biểu.

“Tại sao có thể như vậy? Cử tri nhìn vào sẽ rất khó coi, cho rằng đại biểu họp không nghiêm túc. Có thể đồng chí Bí thư hay một vài đồng chí Thường vụ về họp chứ làm sao cả 13 đồng chí về họp được. Có thời điểm biểu quyết vắng hàng chục đại biểu. Điều này phải chấn chỉnh”, bà Nga thẳng thắn.

Qua theo dõi nhiều kỳ họp Quốc hội, bà Lê Thị Nga chỉ ra khi tổ chức họp tại tổ, có một số tổ chất lượng thảo luận tốt, một số tổ thảo luận chưa tốt mà thường nghỉ sớm. Những tổ có đông phóng viên theo dõi, đưa tin thì thảo luận sôi nổi hơn.

“Tôi đề nghị không nên bố trí quá nhiều nội dung vào một buổi thảo luận tổ, đề nghị các tổ thảo luận thực chất, không nghỉ sớm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng điều đầu tiên cử tri quan tâm là số đại biểu vắng mặt quá nhiều. Do đó, Quốc hội nên xem ai vắng có lý do chính đáng, rõ ràng chứ không phải lấy quyền đại biểu rồi quên đi nghĩa vụ của mình.

“Có vấn đề rất lớn nhưng khi lấy ý kiến thì phiếu thu về quá ít. Gần 500 đại biểu mà thu về có hơn 300 là thế nào? Thế là không ổn, vì ý kiến tham khảo rất quan trọng, quyết định đến điều chỉnh trong quá trình diễn ra kỳ họp”, ông Nguyễn Văn Giàu gay gắt.

Có lẽ chưa khi nào việc đại biểu Quốc hội trốn họp lại được nêu ra thẳng thắn như kỳ họp thứ 7 vừa qua. Việc đại biểu – với trọng trách của mình – được cử tri cả nước kỳ vọng – thì việc họ trốn họp không những khiến cử tri nhìn vào sẽ “rất khó coi” như lời bà Lê Thị Nga nói nữa mà nếu cứ tiếp tục diễn ra tại các kỳ họp tới sẽ khiến cử tri dần mất đi niềm tin. Làm sao cử tri có thể tin khi họ gửi gắm niềm tin vào các đại biểu Quốc hội, thì đến khi họp, họ lại trốn?

Tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội Khóa I, Bác Hồ đã khẳng định: “Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí, thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta”. Lời tuyên bố ấy của Bác Hồ, trong tình hình nước ta hiện nay, vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa I, Bác Hồ cũng nhấn mạnh: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu như đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình… Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ, đó là do tính chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả các lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên… Nhà nước chẳng những công nhận những quyền lợi của công dân mà còn bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để cho công dân thật sự được hưởng các quyền lợi đó”.

Ngày nay nghiêm túc kiểm điểm lại, chúng ta đã thực sự làm đúng được như những lời căn dặn rất sâu sắc mà Bác Hồ đã khẳng định từ cách đây tới nửa thế kỷ hay chưa? Tự thân các đại biểu có thấy mình thật sự xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân hay chưa?

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có chế tài để loại bỏ những đại biểu trốn họp, bỏ họp, vắng họp. Vì hơn lúc nào hết, việc đại biểu trốn họp đã tự mình đánh mất đi hình ảnh, làm cử tri thêm mất niềm tin vào họ!

(Theo Nhà đầu tư)

Bài mới
Đọc nhiều