Đại biểu Quốc hội tranh luận “chuyển cơ quan điều tra” về sai sót sách giáo khoa lớp 1
Vấn đề sai sót trong sách giáo khoa lớp 1 được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm và tranh luận sôi nổi tại phiên thảo luận.
Ngày 4-11, tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế – xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10, đại biểu (ĐB) Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đã đăng ký tranh luận lại ý kiến của ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) về vấn đề sách giáo khoa (SGK) lớp 1.
Trước đó tại phiên thảo luận chiều 3-11, ĐB Đặng Thị Phương Thảo đã phát biểu tại hội trường một số nội dung liên quan đến SGK lớp 1. Theo ĐB Thảo, SGK lớp 1 đã có một số điểm thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic và chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam dẫn tới giáo viên phải vừa dạy và vừa điều chỉnh.
Chính vì vậy, ĐB Đặng Thị Phương Thảo đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng từng khâu để làm rõ mức độ sai sót. Pháp luật đã có đầy đủ các quy định tạo căn cứ để có thể tiến hành xử lý hay kỷ luật các cá nhân có trách nhiệm khi có dấu hiệu sai phạm. Mặt khác, thu hồi SGK để chỉnh sửa là việc làm có phạm vi lớn, không còn là nội bộ trong ngành giáo dục, nó có đối tượng chịu tác động rất rộng từ học sinh, giáo viên, phụ huynh tới nhà trường, các địa phương và kéo theo cả sự vào cuộc của nhiều cơ quan. Để khắc phục, dự kiến sẽ tốn kém về tiền của, gây ảnh hưởng tới việc sử dụng tài sản cá nhân, tổ chức tới tài sản của nhà nước. Vì vậy, để tránh làm tăng bức xúc cho nhân dân, ĐB đề nghị cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra.
“Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử để truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, về quyền xuất bản của từng bộ sách”- ĐB Thảo nói.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ĐB Bùi Văn Phương đã dùng quyền tranh luận với ĐB Thảo về các phát biểu nêu trên. “Việc biên soạn SGK, tôi nghĩ đây là vấn đề rất lớn. Có thể nói, ngành giáo dục đã hết sức cố gắng nhưng có thể nói có một số thiếu sót không thể tránh khỏi. Nhưng đây không phải là sai sót ở mức độ nghiêm trọng. Tôi nói SGK có một số thiếu sót đó chỉ là ở dạng một số ngữ liệu phục vụ cho học âm, học vần, bài đọc của các cháu là chưa thật phù hợp, không phải sai sót tới mức nghiêm trọng và cũng không phải sai sót đến mức như đại biểu nói là phải chuyển cơ quan điều tra hoặc hình sự hóa việc sai sót này”- ĐB Bùi Văn Phương nói.
Tiếp tục tranh luận, vị ĐB tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh đây là nói trước diễn đàn Quốc hội, chúng ta phải hết sức cẩn trọng, nếu không có thể gây tâm lý, có thể là hoài nghi, hoang mang trong nhân dân và cử tri. “Cho nên tôi xin nhắc lại là những thiếu sót ở trong SGK chỉ là dạng chưa thật sự phù hợp và những việc này có thể điều chỉnh và sửa được ở trong lần tái bản tiếp theo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã (GD-ĐT) có văn bản gửi các địa phương là khi các cô giáo triển khai giảng những bài có liên quan đến ngữ liệu này thì cần điều chỉnh cho phù hợp. Chúng ta không nên hiểu là vấn đề sai phạm gì mà phải chuyển đến cơ quan điều tra thì có thể nhân dân suy nghĩ và băn khoăn đến mức có thể không tốt cho nền giáo dục”- ĐB Phương bày tỏ quan điểm.
Đến phiên làm việc sáng nay 4-11, ĐB Đặng Thị Phương Thảo đã dùng quyền tranh luận để phản hồi lại ý kiến của ĐB Bùi Văn Phương. ĐB Thảo cho biết bà là “con đẻ” của ngành giáo dục, thừa hưởng sự giáo dục của ngành giáo dục Việt Nam và bà đang công tác trong ngành giáo dục.
“2/3 trong bài phát biểu của tôi là tập trung vào đề xuất giải pháp để cho ngành của mình được tốt hơn, tức là tôi đã phát biểu với tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào vấn đề. Thứ 2, về SGK lớp 1, thực tế cử tri địa phương đã phản ánh với ĐBQH, với tư cách là ĐBQH, tôi cho rằng chúng ta phải làm tròn trách nhiệm với cử tri, với nhân dân” – ĐB Thảo nói và cho rằng, bà đã phát biểu với sự phản ánh trung thực của cử tri địa phương, không phải riêng cá nhân.
Về sai phạm phải kiến nghị chuyển cơ quan điều tra, ĐB Đặng Thị Phương Thảo cho biết thực chất bà phát biểu cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử để truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả SGK, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, về quyền xuất bản của từng bộ sách.
“Kiến nghị này xuất phát từ thực tế tình trạng sách lậu tồn tại trong nhiều năm qua, trong đó có cả SGK, sách tham khảo. Từ đó tôi đề xuất truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi in ấn trái phép, làm giả sách SGK. Tôi là người có đủ hành vi năng lực dân sự, tôi chịu trách nhiệm về phát biểu của mình trước cử tri”- vị ĐB tỉnh Nam Định nhấn mạnh.
Về đề xuất cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh, ĐB Thảo cho rằng cử tri ở địa phương này có thể không phản ánh như vậy, nhưng cử tri địa phương khác lại bức xúc đề xuất. Theo bà Thảo, đây là vấn đề góc nhìn của mỗi cá nhân cử tri và đại biểu. “Mà việc điều tra cũng có thể là trả lại sự trong sạch cho cá nhân và tổ chức” – nữ ĐB nêu quan điểm.
Ngay sau đó, ĐB Bùi Văn Phương lại bấm nút đăng ký tranh luận lại ý kiến trên của ĐB Thảo. Được chủ tọa phiên thảo luận mời tranh luận, ĐB Phương cho rằng ông có nhiều năm là ĐBQH, đã chứng kiến nhiều cuộc trao đổi, tranh luận tại nghị trường để đi đến một thống nhất chung, điều này là bình thường.
“Nói ở đây không phải là để bênh Bộ GD-ĐT, mà chúng ta cần có cái nhìn khách quan. SGK Tiếng việt lớp 1, có lỗi, có sạn, nhưng việc đó không đến mức độ nghiêm trọng như một số ý kiến. Sai sót là vấn đề khó tránh khỏi khi một chương trình mới bắt đầu”- ĐB Phương tranh luận.
ĐB Phương đồng tình với ĐB Thảo về việc điều tra các hành vi in ấn trái phép, làm giả SGK, sách tham khảo. Nhưng đối với các sai sót của SGK lớp 1, để chuyển cơ quan điều tra truy trách nhiệm hội đồng biên soạn, hội đồng thẩm định… ĐB Phương cho rằng “có gì đó hơi quá mức”.
Nếu chấp nhận sẽ là thái độ thỏa hiệp rất nguy hại
ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng không phải tự nhiên mà phần lớn dư luận xã hội bức xúc và giận dữ khi nhắc về các bộ sách giáo khoa lớp 1 trong thời gian gần đây.
Theo ĐB, giá trị một bộ sách giáo khoa khác hoàn toàn với một sản phẩm hàng hóa thông thường. Nếu chấp nhận các bộ sách như một lốp xe đầy những mảnh chắp vá để tiếp tục vận hành, thì đó là một thái độ thỏa hiệp rất nguy hại, là sự xem nhẹ giá trị nhân văn, trong sáng của tiếng Việt rất cần được truyền dạy một cách thấu hiểu, cẩn trọng, tận tâm và tận tụy đối với từng đứa trẻ vừa bước qua tuổi mầm non.
ĐB Phạm Thị MInh Hiền cho biết nhiều chuyên gia đã nhận định chúng ta học tập tham khảo rất nhiều nước và áp dụng mỗi nơi một ít vào chương trình giáo dục đổi mới, và vì vậy, sách giáo khoa khi biên soạn cũng bị gọt đẽo theo một hệ thống không hoàn thiện.
Muốn biên soạn bộ hoàn chỉnh thì trước hết phải có sẵn hoặc xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh nhưng chúng ta lại làm theo kiểu cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ phá vỡ chỗ kia.
Điều đó càng bộc lộ rõ hơn về một quy trình, thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng đến khó tin. Cách đùn đẩy trách nhiệm như một trận đấu bóng không có trọng tài điều khiển khi xảy ra sự cố cũng thật là khó hiểu.
Đọc báo cáo và lắng nghe giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bộ sách giáo khoa, nữ đại biểu tỉnh Phú Yên khẳng định: “Người lớn đã sai rồi, sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược”. Bởi chẳng có ở đâu làm sách cho trẻ nhưng lại mang ý chí và tham vọng đạt được của người lớn nhiều toan tính.
Học tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, mà bài học đầu đời đã khiến các con rất sợ học thì có khác gì một sự ngược đãi với tâm hồn trẻ thơ không?
Có Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cấp quốc gia nào mà thẩm quyền còn thua giáo viên? Và chẳng có ở đâu lại cho phép giáo viên thay ngữ liệu khác phù hợp hơn so với sách giáo khoa.
Một đội ngũ có trình độ, có bề dày nghiên cứu khoa học, học hàm học vị được nhà nước đào tạo bài bản, mà biên soạn sách còn sai lên sai xuống, Hội đồng thẩm định yêu cầu thay vẫn bảo vệ đến cùng, thì với trình độ bằng cấp thấp hơn, giáo viên nào tự tin nói rằng tôi sẽ dùng ngữ liệu đúng hơn các giáo sư, tiến sĩ? Sách giáo khoa là nền tảng xây dựng tri thức, có nơi nào lại xem sách là tài liệu thể hiện chương trình giáo dục như ở ta không?
Với những phân tích nêu trên, ĐB Hiền kiến nghị Chính phủ và các bên liên quan cần phải có trách nhiệm trong việc bày tỏ thái độ, quan điểm đúng đắn, đứng về phía quyền lợi của người học, nhất là với trẻ em, đảm bảo rằng các quyền của trẻ em thông qua giảng dạy văn hóa cần phải được bảo vệ và thực thi nghiêm túc.
Và với tất cả niềm tin vào một Chính phủ kiến tạo, ĐB rất mong các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm cần dũng cảm nhìn thẳng sự thật, cho dừng sử dụng những bộ sách giáo khoa chất lượng thấp. Cần thiết thì nên lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục mới để hoàn thiện chặt chẽ.
Từ những ý kiến nêu trên, ĐB Hiền mong Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm trong sự cố về sách giáo khoa lớp 1. Đặc biệt, lỗi sai về trách nhiệm cần phải được giải quyết, xử lý thật nghiêm minh ở từng cấp, từng bộ phận, không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm.
Tham gia giải trình thêm tại phiên thảo luận về các vấn đề liên quan đến SGK lớp 1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định SGK lớp 1 có sai, có sạn, tùy theo cách nói. Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã lắng nghe các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của người dân, các nhà khoa học để có một bộ SGK tốt nhất.
Phó Thủ tướng cho biết ngành giáo dục đã tiếp thu các ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị, cởi mở và có trao đổi cụ thể. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã nhận trách nhiệm về các sai sót trong SGK lớp 1. Đồng thời, nghiêm túc, nghiêm khắc rút kinh nghiệm để quá trình biên soạn, thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 sắp tới tránh được các sai sót.
Minh Chiến – Văn Duẩn/NLD