Đại biểu Quốc hội sẽ giám sát tới cùng những cam kết của Bộ trưởng
Các Bộ trưởng đều đã ra những cam kết và các đại biểu Quốc hội sẽ giám sát tới cùng những cam kết đó.
Chiều 7/11, Quốc hội kết thúc chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 về Nội vụ. Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ rõ ràng, giải tỏa băn khăn của đại biểu, đáp ứng cơ bản nguyện vọng của cử tri.
Bộ trưởng rất cầu thị
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nhóm vấn đề chất vấn trưởng ngành Nội vụ rất rộng, đặc biệt là chế độ chính sách của cán bộ công chức, viên chức, về công tác cán bộ, về thi nâng ngạch, bổ nhiệm; tách, hợp nhất các sở ngành… đây là lĩnh vực rất nhạy cảm trong tình hình hiện nay, liên quan đến quyền lợi của công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện của ngành cũng bộc lộ những tồn tại, bất cập, thiếu sót mà các đại biểu đã đặt vấn đề. Song theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, Bộ trưởng “rất cầu thị, thấy rõ những hạn chế, thiết sót của ngành, trách nhiệm của Bộ trưởng trong thời gian qua”. Bộ trưởng cũng đã nhận khuyết điểm trước Quốc hội, cử tri cả nước và đưa ra những giải pháp rất căn cơ.
Theo đại biểu, để thực hiện được những giải pháp mà Bộ trưởng đã nêu ngoài việc phân cấp quản lý ở từng địa phương, phân cấp quản lý các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành thì vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ cũng phải thanh kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhở những vấn đề đặt ra.
Cùng chung nhận định, đại biểu Trần Kim Yến, đoàn TP.HCM đánh giá, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã thẳng thắn nhận trách nhiệm của Bộ khi chưa tham mưu được cho Chính phủ về những quy định cụ thể. “Bộ trưởng nắm vấn đề khá vững, trả lời cơ bản làm hài lòng đại biểu chất vấn”.
Theo bà, hiện nay vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm đó là làm sao đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thực hiện đúng tinh thần phục vụ nhân dân. Theo đó, ở đâu có người học thì ở đó có người dạy, ở đâu có người bệnh thì ở đó có y bác sĩ chăm sóc, cho nên không thể tinh giản biên chế bộ máy theo kiểu cào bằng mà phải đảm bảo tiêu chí phục vụ của người dân ngày càng tốt hơn. Bà mong vấn đề này sẽ được Bộ sớm có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đánh giá phiên chất vấn 2 Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân và Trần Tuấn Anh diễn ra sôi nổi, dân chủ, đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng) chia sẻ: “Các Bộ trưởng đều đã ra những cam kết và các đại biểu sẽ giám sát xem các Bộ trưởng thực hiện lời cam kết đó như thế nào”.
Bộ trưởng dẫn chứng rõ ràng, đưa ra giải pháp cụ thể
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Quốc hội đã kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 về Công thương. Tại phiên chất vấn đã có 45 đại biểu đặt câu hỏi và 9 đại biểu tranh luận. Các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi liên quan đến công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; Phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nhận định, phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ. Trong quá trình trả lời, Bộ trưởng có dẫn chứng và đưa ra một số giải pháp cụ thể, đồng thời thông tin thêm để đại biểu hiểu rõ. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chất vấn. Tuy nhiên, do là lĩnh vực rộng, nhiều vấn đề lớn nên được nhiều đại biểu quan tâm tranh luận để làm rõ vấn đề.
Tại phiên chất vấn, vấn đề hàng nước ngoài đội lốt xuất xứ hàng Việt Nam cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi. Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, đây không phải là vấn đề mới nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Thời gian qua, nhiều lô hàng giả mạo xuất xứ đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ. Điều này chứng tỏ việc kiểm soát chưa hiệu quả và còn lỗ hổng về pháp luật.
Nhấn mạnh việc giả mạo xuất xứ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến nền sản xuất trong nước, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, Bộ Công Thương cần đưa ra các giải pháp cấp bách để xử lý tình trạng này. Theo đó, Bộ cần đưa ra quy định, tiêu chí rõ ràng để người tiêu dùng nhận biết được hàng hóa nào xuất xứ Việt Nam, hàng hóa nào là giả mạo. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các cá nhân có trách nhiệm, các doanh nghiệp vi phạm.
Kim Anh/ VOV