+
Aa
-
like
comment

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân: “Sự tồn tại của nhà 8B Lê Trực thách thức dư luận, thể chế”

27/11/2019 20:53

“Sự tồn tại của các công trình như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm cùng nhiều khu nhà thương mại, chung cư cao tầng trong nội đô Hà Nội thách thức dư luận và thể chế” – đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng sáng 27/11.

1.400 quy hoạch bị tăng chiều cao, diện tích, cắt đất cây xanh, hạ tầng

Sự tồn tại của nhà 8B Lê Trực thách thức dư luận, thể chế - 1
Đại biểu Phạm Trọng Nhân yêu cầu đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc quản lý trật tự xây dựng.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận xét, dự thảo luật đưa ra hướng sửa đổi bổ sung Điều 4 (các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng) và Điều 12 (các hành vi bị nghiêm cấm) giúp cho ra đời một đạo luật lớn, được đánh giá phức tạp về kỹ thuật, kín kẽ, chặt chẽ về quy trình từ khâu đầu minh định về trách nhiệm của các đối tượng liên quan, đặc biệt là các chế định ở khâu thẩm định giám sát thanh tra, được kỳ vọng sẽ lập lại trật tự trong hoạt động đầu tư xây dựng nói chung.

Đại biểu đề cập những bất cập hiện tại đã được chỉ ra trong hoạt động xây dựng hiện nay. Đó là sự tồn tại thách thức dư luận và thể chế của các công trình như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm cùng nhiều khu nhà thương mại, chung cư cao tầng mọc trên nền của một số cơ quan, tổ chức sau khi di dời khỏi nội đô Hà Nội.

Tại kỳ họp này, báo cáo giám sát phòng cháy chữa cháy cũng nêu những thực trạng hàng ngày công trình có nguy cơ về cháy nổ đã được đưa vào khái thác, sử dụng. Đại biểu đặt vấn đề, nếu thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản trong quá trình xây dựng, không vi phạm điều cấm trong hoạt động xây dựng, sao sai phạm vẫn xảy ra phổ biến như vậy?

Theo ông, những nguyên tắc cơ bản là đảm bảo đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thiết kế trong trường hợp này đã không được tuân thủ nghiêm túc. Thực tế, gần 1.400 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1-6 lần, từ việc tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn tới chuyện chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình, hạ tầng kỹ thuật… Điều đó cho thấy các quy định của không chỉ luật Xây dựng hiện hành mà rát nhiều đạo luật khác như luật Thủ đô, luật Quy hoạch, luật Quy hoạch đô thị… đã bị xem thường.

Mới đây nhất, sau vụ xe container kéo sập cầu đường bộ hành ở TPHCM người dân mới vỡ lẽ dự án này không có hồ sơ thiết kế. Đại biểu băn khoăn, khi thẩm định dự án, cán bộ, công chức có trách nhiệm đã thẩm định thế nào và thẩm định nội dung gì khi không có hồ sơ?

Ông Nhân nhận định, tõ ràng thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng. Như thế, điều đáng nói ở đây là các điều khoản quy định về trách nhiệm cần phải gắn cho con người cụ thể.

Sự tồn tại của nhà 8B Lê Trực thách thức dư luận, thể chế - 2
Đại biểu Hoàng Văn Cường muốn phân định rõ ràng trách nhiệm của UBND địa phương với thanh tra xây dựng trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thì đánh giá rất cao về mục tiêu của Ban soạn thảo đưa ra trong lần sửa đổi Luật Xây dựng lần này, đơn giản hóa những thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và hoàn thiện thêm các khuôn khổ pháp lý để cải thiện cái môi trường kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Làm được những việc như mục tiêu đề ra sẽ giúp tháo được một nút thắt rất lớn đối với các dự án đầu tư có cấu phần xây dựng đang triển khai rất chậm trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, luật sẽ mang lại ý nghĩa lớn về mặt kinh tế.

Đề cập tới quy định thời hạn cấp giấy phép xây dựng sẽ giảm từ 60-70 ngày xuống còn tối đa 20ngày, ông Cường nhận định, cơ quan soạn thảo luật đã nhìn thấy những mâu thuẫn trong thủ tục hiện tại khi vừa thẩm định thiết kế xong lại phải chuyển cho mội cơ quan nhà nước khác, cũng quản lý về xây dựng để xin cấp phép, sau đó lại “vòng” qua các cơ quan thẩm định về phòng cháy chữa cháy… Việc gộp thủ tục thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng như đề xuất sẽ giúp gỡ những chồng chéo, gây phiền hà không cần thiết này.

Cũng đề cập vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý trật tự xây dựng, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ băn khoăn với đại biểu Phạm Trọng Nhân là quy định về xây dựng hiện nay rất chặt nhưng việc vi phạm vẫn tràn lan, phổ biến mà không được xử lý. Thậm chí nhiều công trình còn khó xử lý, không biết quy trách nhiệm cho ai.

Nguyên nhân chính, theo đại biểu, là có một kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng giữa UBND địa phương với Thanh tra xây dựng. Hai cơ quan quản lý này đang có những khoảng chồng chấn, giẫm chân nhau.

Đại biểu đề nghị phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan trong lần sửa luật này. Trách nhiệm quản lý phải ở chính quyền địa phương, còn thanh tra xây dựng, chỉ khi phát hiện sai phạm trong quá trình xây dựng, chính quyền địa phương mới yêu cầu thanh tra phải làm sáng tỏ và đưa ra các hình thức xử lý. Khi công trình đã hoàn thành việc xây dựng, thanh tra sẽ kiểm tra lại, nếu phát hiện sai phạm thì khi đó chính quyền địa phương chịu trách nhiệm vì để lọt.

Không còn việc “phạt cho tồn tại”

Sự tồn tại của nhà 8B Lê Trực thách thức dư luận, thể chế - 3
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình một số nội dung các đại biểu Quốc hội đề cập.

Giải trình thêm với các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, về nguyên tắc cơ bản và trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động đầu tư xây dựng, nguyên tắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để quy định các nguyên tắc cơ bản, đầy đủ, rõ ràng và có tính khả thi như hướng góp ý.

Về trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động đầu tư xây dựng, theo Bộ trưởng, qua tổng kết việc thi hành luật hiện hành (luật Xây dựng 2014), trong dự luật này, cơ quan soạn thảo đã phân tách rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn thiết kế, thẩm tra trong thẩm định dự án và thẩm định thiết kế.

Dự luật cũng tăng cường phân cấp cho địa phương qua việc tích hợp, thẩm định, thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng, trong việc cấp phép công trình cấp đặc biệt để gắn việc cấp phép xây dựng với quản lý trật tự xây dựng tại địa phương… Theo hướng phân cấp đó, số lượng hồ sơ phải mang về Bộ Xây dựng thẩm định sẽ giảm đến 70% so với trước đây.

Về quản lý trật tự xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà xác nhận những bức xúc tồn tại thực tế các đại biểu nêu là xác đáng song cần được giải quyết cả bằng việc hoàn thiện thể chế và với việc tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm túc, kịp thời ở các cấp.

“Từ ngày 1/1/2018 đã không còn việc “phạt cho tồn tại”. Tất cả các công trình vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm”- Bộ trưởng Hà giải thích, tất nhiên, để nguyên tắc này được quán triệt thực hiện, tất cả các khâu trong quá trình xây dựng phải được tổ chức chặt chẽ mới đảm bảo được.

(Theo Dân Trí)

Bài mới
Đọc nhiều