+
Aa
-
like
comment

Đại biểu Quốc hội mong có điều thần kỳ trong kinh tế như chống dịch COVID-19

13/06/2020 11:21

Nhắc đến kết quả “thần kỳ” trong phòng chống dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế ghi nhận, các đại biểu Quốc hội mong muốn Việt Nam cũng tạo được sự thần kỳ về phát triển kinh tế.

Thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội sáng 13/6, ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đánh giá cao những kết quả của Chính phủ trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19. “Chúng ta đã tạo ra thương hiệu Việt Nam khi chiến thắng đại dịch”, ông Hưng nói.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng- Hà Nội (ảnh Nhật Minh)

Theo ông Hưng, chiến thắng trước đại dịch COVID-19 một lần nữa khẳng định tinh thần, sự đoàn kết của toàn dân tộc, và sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội luôn đặt việc bảo vệ an toàn tính mạng của người dân lên trên hết.

Khi đại dịch xảy ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã hiệu triệu toàn đảng, toàn quân, toàn dân chống dịch. Thủ tướng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”. Và toàn dân đã đoàn kết một lòng để tạo ra sự thần ký đó. Song ông cũng bày tỏ mong muốn “Việt Nam sẽ tạo điều thần kỳ về phát triển kinh tế”.

Đại biểu Quốc hội mong có điều thần kỳ trong kinh tế như chống dịch COVID-19 - ảnh 1
 ĐBQH Nguyễn Thị Xuân – Đắk Lắk

Cũng đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ trong việc phòng chống đại dịch COVID-19, song ĐB Lâm Quang Thành (Lạng Sơn) bày tỏ lo lắng trước tình hình an ninh trật tự sau đại dịch, như vụ 200 thanh niên mặc áo khoác màu cam, cầm hung khí đi xe máy thành đoàn ập vào quán nhậu ở quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) đập phá, đánh người bị thương xảy ra mới đây.

Theo ông Thành, đây là vụ việc điển hình cho thấy tình hình tội phạm diễn biến phức tạp sau đại dịch COVID-19. Từ đó, ông Thành nói và đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cần có ngay giải pháp quyết liệt với tình trạng này.

Đề cập đến việc bảo đảm an ninh nguồn nước, ĐB Nguyễn Thị Xuân, Uỷ viên Thường trực Ủy ban ban Quốc phòng An ninh, bày tỏ nhiều lo ngại. Theo bà Xuân, các nước trên thế giới luôn coi trọng bảo vệ nước sạch, nước ngầm không kém các vấn đề an ninh khác của quốc gia và chuẩn bị phương án ứng phó nếu an ninh nguồn nước bị đe doạ.

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay và mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khai thác, sử dụng nguồn nước thì an ninh nguồn nước đang trở lên gay gắt và cần đặc biệt coi trọng”, bà Xuân nói.

Theo bà Xuân, an ninh nguồn nước của Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào động thái phát triển của các nước khác trên thượng nguồn các con sông Hồng, Mekong. Thực tế Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng an ninh nguồn nước cấp bách”, bà Xuân bày tỏ và đề nghị Chính phủ điều tra, xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia để có các giải pháp ứng phó kịp thời.

Văn Kiên/TPO

Bài mới
Đọc nhiều