Đại biểu Quốc hội mang ‘tâm thư’ của giáo viên bị cắt hợp đồng chất vấn Bộ trưởng
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) mang tâm thư của một giáo viên dạy 14 năm vừa bị cắt hợp đồng để chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân về vấn đề vấn đề tinh giản biên chế ngành giáo dục.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ trưởng Nội vụ, tính đến 30.9, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với năm 2015. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tinh giản là 40.500 người.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải trong tinh giản biên chế vẫn nằm ở khối các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là biên chế ngành giáo dục, y tế, vì thực tế, biên chế viên chức các ngành này chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, nhưng ký hợp đồng tuyển thêm thì lại trái với quy định pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đặt câu hỏi: Xu thế tiến bộ chung là một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít, một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe số lượng bệnh nhân càng ít thì chất lượng phục vụ dịch vụ giáo dục, y tế ngày càng được nâng lên. Điều này gây khó khăn như thế nào trong điều kiện nước ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức, đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục, y tế?
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, biên chế với riêng 2 lĩnh vực giáo dục, y tế chiếm số lượng rất lớn trong tổng biên chế với 80% đội ngũ. Ông thừa nhận phần lớn các địa phương phản ánh số giáo viên không đủ đứng lớp, y tế không đủ nhân viên trong bệnh viện.
Theo Bộ trưởng, bước đầu chúng ta giải quyết được 19 tỉnh, giải quyết cho hơn 20.300 giáo viên mầm non có hợp đồng ký trước 31.12.2015. Trong tháng 8, Bộ Nội vụ đã phân cho các tỉnh này để giải quyết vấn đề. Thống kê bước đầu cho thấy còn đang thiếu 87.000 giáo viên các cấp, ngành y tế thiếu hơn 12.000 người.
“Vấn đề này Bộ Nội vụ đã có báo cáo, xin chủ trương với Thủ tướng giao cho Bộ phối hợp với bộ trưởng Y tế, GD-ĐT xuống xác minh cụ thể ở từng địa phương, sau đó sẽ có đề xuất với Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế phục vụ đúng chủ trương trên”, ông Tân nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ, hôm qua Bộ đã duyệt văn bản và hôm nay sẽ phát hành gửi cho tất cả các địa phương để thực hiện theo Kết luận 9028 của Bộ Chính trị về tuyển dụng đặc cách với giáo viên hợp đồng.
Theo đó, đối với những người đang thực hiện chế độ hợp đồng từ 31.12.2015 trở về trước mà đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí việc làm của Bộ GD-ĐT quy định, có đóng bảo hiểm y tế và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian này, thì thực hiện tuyển vào công chức nhà nước, coi như nằm trong biên chế của năm 2015.
“Cái đó giao địa phương chủ động làm và chịu trách nhiệm, thuộc thẩm quyền của địa phương”, ông Tân nhấn mạnh.
Chưa hài lòng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cho rằng, nội dung Bộ trưởng trả lời đại biểu Hải vẫn chưa rõ đã có ý kiến chỉ đạo như thế nào khi hầu hết các địa phương vẫn diễn ra tình trạng ngành y tế, giáo dục đang kêu chuyện bị giảm biên chế theo kiểu cào bằng.
Thậm chí, theo phản ánh của bà Thúy, thì ngành giáo dục đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều yêu cầu mới, song đến thời điểm hiện tại, văn bản chỉ đạo chưa có và kỳ thi viên chức giáo dục một số địa phương đã chính thức diễn ra mà không có bất cứ một sự ưu tiên nào dành cho giáo viên hợp đồng, đặc biệt là những giáo viên hợp đồng lâu năm có đóng bảo hiểm xã hội.
“Trong tay tôi đang cầm tâm thư kêu cứu của một giáo viên hợp đồng, giảng dạy trong suốt 14 năm qua và vừa bị chấm dứt hợp đồng. Có lẽ giờ đây, những giáo viên này đang dõi theo, đang khắc khoải mong chờ câu trả lời rõ hơn từ Bộ trưởng”, đại biểu Thuý nói.
(Theo Thanh Niên)