Đại biểu Quốc hội: Kẻ gian đánh cắp được thông tin cá nhân để đe dọa, lừa đảo
Đại biểu Trình Lam Sinh cho biết kẻ gian đánh cắp được thông tin cá nhân của ông để đe dọa, lừa đảo và đề nghị siết chặt quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
“Không hiểu vì sao họ lại có đầy đủ thông tin cá nhân, số điện thoại, công việc, chức vụ của tôi để lừa đảo, đe dọa nhiều lần. Cả việc tôi thanh toán tiền điện, tiền nước qua app cho gia đình ba mẹ tôi họ cũng biết”, đại biểu Trình Lam Sinh, Phó đoàn An Giang, nói tại phiên thảo luận Quốc hội về dự Luật Dữ liệu.
Ông đánh giá dữ liệu rất quan trọng nên các loại tội phạm đều tìm mọi cách có được nhằm thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức và kể cả quốc gia. Tội phạm mạng, lừa đảo cũng đang phát triển với thủ đoạn đa dạng và tinh vi hơn.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát thật kỹ, nghiên cứu và bổ sung, nhất là những hành vi có thể phát sinh trong tương lai; cân nhắc bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, kịp thời cập nhật thủ đoạn phạm tội mới và chế tài phù hợp.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Phó đoàn Cần Thơ, cho biết qua tiếp xúc, cử tri rất quan tâm đến tình trạng dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt, bị khai thác, mua bán trái phép nhưng chưa được kiểm soát. Hệ thống thông tin còn các lỗ hổng bảo mật hoặc việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với dân cư vẫn còn khó khăn.
Do vậy, ông đề nghị dự thảo luật tiếp tục nghiên cứu, khắc phục các vấn đề trên, trong đó cần phân loại dữ liệu thành nhóm nhạy cảm phải hạn chế chia sẻ; có thể chia sẻ; phục vụ để phát triển kinh tế – xã hội; dữ liệu phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia. “Cần quy định rõ hơn các nguyên tắc về tính kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu dùng chung quốc gia và có quy định về mức phí khi sử dụng dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, ông Nghĩa nói.
Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đề nghị xác định cụ thể dữ liệu cá nhân ở mức độ nào bị hạn chế khai thác, thu thập nhằm hạn chế việc thông tin đời tư của cá nhân, của gia đình bị lộ lọt.
Điều 18 dự thảo quy định chế tài đối với trường hợp không thực hiện yêu cầu cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội trong trường hợp đặc biệt khi được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đại biểu Hòa đề nghị làm rõ “thế nào gọi là đặc biệt?” và chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân làm việc trong Nhà nước. “Với người dân, quy định như vậy chưa thỏa đáng hoặc ảnh hưởng đến quyền công dân”, ông Hòa nói.
Hồi tháng 7, trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), cho biết Bộ Công an ghi nhận tình trạng dữ liệu cá nhân được buôn bán công khai qua website, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn tin tặc.
“Buôn bán dữ liệu cá nhân đang được tiến hành có hệ thống, có tổ chức. Bên bán thậm chí cam kết bảo hành, có khả năng cập nhật và trích xuất dữ liệu theo yêu cầu người mua”, ông nói. Trong một số trường hợp, giao dịch được thanh toán trực tiếp qua tài khoản ngân hàng, ghi rõ nội dung mua bán dữ liệu.
Trong năm 2023, Bộ Công an đã phát hiện, điều tra, xác minh 16 vụ lộ, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên không gian mạng. Hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan cùng một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị xử lý, với dung lượng hàng nghìn GB, trong đó có nhiều thông tin cá nhân, nội bộ, nhạy cảm.
Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất nhiều nhóm dữ liệu không được phép công khai, gồm dữ liệu cá nhân không được chủ thể dữ liệu đồng ý; dữ liệu là bí mật nhà nước; dữ liệu tác động đến quốc phòng, an ninh; dữ liệu nếu công khai sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, quan hệ quốc tế.
Những dữ liệu có thể ảnh hưởng đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ cũng thuộc nhóm không được công khai. Dự luật sẽ được Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp.