+
Aa
-
like
comment

Đại biểu Quốc hội bức xúc vì cán bộ nghĩ ra đủ mánh khóe để “ăn” cả tiền hỗ trợ COVID-19

14/06/2020 10:27

Trước những lùm xùm về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân do ảnh hưởng dịch COVID-19, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) nêu lên thực trạng, lâu nay cứ mỗi khi Chính phủ có chương trình hỗ trợ cho người dân, một bộ phân nhỏ cán bộ chính quyền cơ sở coi đó là cơ hội để trục lợi.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 13/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Đoàn ĐBQH Ninh Thuận.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) nêu lên những hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc mang lại niềm vui cho nhân dân.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng lên án tình trạng trục lợi chính sách của cán bộ chính quyền cơ sở. Đó là hành vi cướp đi cơ hội vượt qua khó khăn, dịch bệnh của nhiều người khó khăn, gia đình khác, chỉ biết đến bản thân, gia đình họ hàng.

“Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, ngân sách đã dành một khoản không nhỏ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các hỗ trợ đó thực sự thiết thực, và mang tính nhân văn sâu sắc, ấy thế mà một bộ phận cán bộ cố tình làm trái, tìm cách hưởng lợi thay vì triển khai các hướng dẫn cụ thể của Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh & Xã hội. Họ đã nghĩ ra đủ cách, đủ mánh khóe để chiếm đoạt tiền hỗ trợ, cũng như thu vén cho gia đình và họ hàng”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.

“Lâu nay cứ mỗi khi Chính phủ có chương trình hỗ trợ cho người dân do bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh thì một bộ phận không nhỏ cán bộ chính quyền cơ sở lại coi đó là cơ hội để trục lợi. Có những địa phương không triển khai nghiêm túc thì Chính phủ và Bộ cũng không thể làm thay dù có 3 đầu 6 tay cũng không thể kiểm soát hết được”, vị đại biểu đoàn Ninh Thuận bức xúc.

Theo đại biểu, tới đây những cán bộ thoái hóa biến chất sẽ bị xem xét xử lý những vấn đề là làm sao để các chương trình hỗ trợ thực sự mang lại hiệu quả. Cuối cùng, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần hết sức quan tâm đến hiệu quả, tính khả thi của chính sách. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ, gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho người sử dụng lao động vay để trả lương cho người lao động cho đến nay vẫn chưa có một khoản vay nào được giải ngân.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) cũng nêu lên quan điểm về vấn đề này, do ảnh hưởng của COVID-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách trực tiếp cũng như gián tiếp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ổn định cuộc sống, đảm bảo sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế như chính sách an sinh xã hội, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ… Đến nay ước tính quy mô tổng số các biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh để đảm bảo an sinh xã hội khoảng 600.000 tỷ đồng.

“Do đó tôi đề nghị các chính sách cần phải được chỉ đạo kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng phải tăng cương công tác thanh tra, kiểm tra giám sát của cộng đồng và người dân để tránh tình trạng ‘Bò đi lạc vào nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo’ như báo chí đã nêu trong thời gian qua”, vị đại biểu tỉnh Tiền Giang nói.

Lê Bảo/GD

Bài mới
Đọc nhiều