Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về giang hồ mạng ‘Khá Bảnh’?
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về trường hợp giang hồ mạng Khá Bảnh thu hút sự quan tâm của cư dân mạng.
Sáng 8/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đặt vấn đề thông tin xấu độc như bệnh dịch lan rất nhanh. Bộ cần có bộ lọc phát hiện, cách ly để sao cho người đọc không tiếp nhận thông tin đó để không lan toả thông tin xấu độc đó, bởi thực tế cho thấy nhiều bạn đọc lại muốn nghe thông tin xấu độc.
“Chẳng hạn như Khá Bảnh một giang hồ thôi mà được hàng triệu view theo dõi”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, hiện nay có nhiều trang mạng làm giả các trang của Chính phủ, của Đảng, làm giả trang của các lãnh đạo cao cấp Đảng và Chính phủ. Nhiều trang mạng đưa ra thông tin rất truyền thống, sau đó lại khéo léo, lồng ghép các thông tin trái chiều vào. “Cử tri không thể phân biệt được đâu là thật đâu là giả vì họ dùng chiêu hư hư thực thực”, ông Tuấn nói thêm.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nhiều mạng xã hội cho rằng, là Cty toàn cầu nên chỉ có một luật chơi thôi, nhưng cái đó không đúng. Nhập gia phải tùy tục. Hiện chúng tôi đang đấu tranh rất mạnh mẽ.
Các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội mới xuất hiện như Gapo hay Lotus thì phải có công cụ này, tức là tự động nhận dạng những thông tin xấu độc. Vừa qua chúng ta đã đầu tư xây dựng trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Công cụ này có thể chia sẻ cho các Bộ, các địa phương.
“Một mình Bộ TT&TT không làm được, các Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương… cùng vào cuộc, các chính quyền địa phương nữa. Chúng ta suốt ngày quan sát trên thế giới thực, rất nhiều lực lượng nhưng mà lực lượng quan sát không gian mạng thì lại ít”, ông Hùng nói.
Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) cũng cho rằng, hiện tại có xu hướng sản xuất phim ngắn trên mạng, cổ động bạo lực, cờ bạc, giang hồ mạng, ảnh hưởng đến người xem. Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các video ngắn nhiều nội dung, bạo lực có, cờ bạc có.
“Như tôi đã nói công cụ phát hiện thì cơ bản có và ngày càng hoàn thiện. Các bộ, ngành địa phương chung tay thôi. Cờ bạc thì Bộ TT&TT xử lý rồi, phát hiện là hạ xuống. Các nội dung không đúng thuần phong mỹ tục thì chắc Bộ Văn hóa phải vào cuộc. Rồi ảnh hưởng đến trẻ em thì các cơ quan liên quan phải vào cuộc. Chúng ta phải chuyển tất cả chúng ta sang không gian mạng, quản lý ở trên đấy, dọn dẹp trên đấy”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đặt vấn đề quảng cáo mua bán bằng cấp giả, chứng chỉ giả, giấy phép giả, tiền giả, thuốc súng, thuốc tân dược giả, thậm chí có cả quảng cáo mại dâm trên mạng. “Tôi cho rằng cần có biện pháp quản lý hữu hiệu”, ông Cương nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là quảng cáo sai sự thật. Đối với quảng cáo thì có 3 loại hình, môi trường quảng cáo. Một là báo in, các đài phát thanh truyền hình, khi nhận quảng cáo thì có kiểm duyệt, lỗi không nhiều. Loại thứ hai là quảng cáo trên báo chí điện tử, tạp chí điện tử… thì có tình trạng bán vị trí quảng cáo cho cty quảng cáo nước ngoài, họ muốn đưa cái gì cũng được, nên buông việc kiểm soát quảng cáo. “Cái này là sai pháp luật. Cơ quan báo chí phải là người chịu trách nhiệm về nội dung”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, đối với mạng xã hội nước ngoài, quản lý quảng cáo thì hiện nay quan trọng là chức năng của ngành nào thì ngành đó phát hiện. “Ngành nào phát hiện thì xử lý ngay. Xử lý trực tiếp không được thì liên hệ với Bộ TT&TT để xử lý. Hiện nay gỡ tỷ lệ quảng cáo, như quảng cáo cờ bạc đạt trên 90%”, ông Hùng nói thêm.
Trường Phong / Tiền Phong