Đại án kit test Việt Á: Một cán bộ CDC Bình Dương bất ngờ được miễn tội
Trong phần tranh luận vụ đại án kit test Việt Á, đại diện viện kiểm sát thay đổi quan điểm, đề nghị cho cựu cán bộ thuộc CDC tỉnh Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự.
Chiều muộn 16.5, phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án kit test Việt Á tiếp tục với phần tranh luận. Trước đó, trình bày quan điểm giải quyết vụ án, đại diện viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của 11 bị cáo.
Đề nghị chấp nhận kháng cáo của 3 bị cáo
Vụ án này, bị cáo Trần Thanh Phong, cựu phó phòng thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Dù được hưởng án treo, nhưng cựu cán bộ CDC tỉnh Bình Dương vẫn kháng cáo, mong được miễn trách nhiệm hình sự. Ông Phong cho rằng bản thân chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, không hưởng lợi gì.
Bào chữa cho bị cáo, luật sư cũng cho hay, mọi việc làm, hành vi của thân chủ đều là sự tiếp nhận và chấp hành theo chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương, người đã được miễn trách nhiệm hình sự). Bị cáo thực hiện vì mục tiêu chung, không vụ lợi cá nhân, sai phạm trong tình thế cấp bách khi dịch bệnh đang bùng phát.
Vẫn theo luật sư, sau khi được miễn trách nhiệm hình sự, cựu cấp trên của ông Phong là ông Nguyễn Thành Danh đã viết đơn xin xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo này. Cộng với bối cảnh phạm tội “chưa từng có tiền lệ”, luật sư mong hội đồng xét xử cân nhắc, miễn trách nhiệm hình sự cho thân chủ của mình.
Trước quan điểm tranh luận nêu trên, đại diện viện kiểm sát sau đó bất ngờ thay đổi quan điểm, đề nghị chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phong. Đây cũng là lần thứ 2 cựu cán bộ CDC tỉnh Bình Dương được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Trước đó, hồi tháng 1, tại phiên sơ thẩm, ông Phong từng được đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị miễn tội, nhưng tòa án đã tuyên 24 tháng tù cho hưởng án treo.
Ngoài ông Phong, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội cũng thay đổi quan điểm, đề nghị chấp nhận kháng cáo của 2 bị cáo khác là Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương) và Ngụy Thị Hậu (cựu phó phòng thuộc CDC tỉnh Bắc Giang), chuyển từ án giam sang án treo.
Đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của Công ty Việt Á
Là một trong những bên có đơn kháng cáo, Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) muốn tòa phúc thẩm buộc 80 đơn vị trả nợ cho mình, vì mua kit test Covid-19 nhưng chưa trả tiền.
Luật sư của công ty này cho biết, số khách hàng mua kit test chia làm hai nhóm, gồm 61 đơn vị đấu thầu (mua bằng ngân sách nhà nước) và 19 đơn vị không qua đấu thầu (không mua bằng ngân sách).
Với khách hàng mua bằng tiền ngân sách, công ty đề nghị áp dụng đơn giá đã được cơ quan tố tụng xác định là 143.000 đồng/kit. Với nhóm còn lại, Việt Á đề nghị áp dụng đơn giá trong hợp đồng mà 2 bên đã ký kết.
Trong số các đơn vị mua kit test, ngoài các cơ sở y tế sử dụng ngân sách, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân khác không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về đấu thầu. Vì thế, đây chỉ là giao dịch dân sự, công ty mong muốn được trả lại tiền.
Vẫn theo luật sư, danh sách các đơn vị nợ tiền Công ty Việt Á đã được gửi tới tòa, nhưng đến nay họ không được đưa vào vụ án với tư cách người có quyền lợi liên quan, là chưa hợp lý.
Trình bày quan điểm giải quyết vụ án, đại diện viện kiểm sát nhận định việc mua bán và nợ nần giữa Công ty Việt Á với đối tác không thuộc phạm vi giải quyết của phiên tòa phúc thẩm, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo. Công ty Việt Á có quyền thỏa thuận với đối tác về việc trả nợ, nếu không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa.
Ngoài nội dung trên, Công ty Việt Á còn kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm tuyên tịch thu hơn 630 tỉ đồng của công ty, vì cho rằng thu lợi bất chính từ vi phạm đấu thầu, là không có căn cứ. Công ty cũng kiến nghị được gỡ bỏ phong tỏa đối với một số tài khoản ngân hàng, để lấy nguồn tiền phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các kháng cáo này đều bị đại diện viện kiểm sát đề nghị bác bỏ.
Bích Vân