+
Aa
-
like
comment

Đặc sản của TP.HCM: Lòng nhân ái trong lúc đại dịch

Thái Thanh - 05/06/2021 16:49

Đại dịch là điều không ai mong. Nhưng, đó cũng là cơ hội để con người mở rộng tình yêu thương, tưới tẩm tâm hồn, nuôi dưỡng trái tim thêm ấm và chung tay làm cho xã hội nhiều điều tích cực hơn.

5 quả chuối cho 1 người – Chùa Giác Ngộ, Quận 10 đãi người dân qua đường

Cuối tháng 4-2021, đại dịch Covid-19 trở lại, với những biến thể mới, lây lan nhanh. Và trong vòng xoáy chung đó, tháng 5-2021, TP.HCM chính thức rơi vào chuỗi ngày khốn khó khi những ca lây nhiễm từ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ngày càng lan rộng khắp 21/22 các quận, huyện.

Lời kêu gọi của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ“toàn dân, cùng toàn thể hệ thống chính trị chung sức đồng lòng chống dịch” được lan tỏa khắp cả nước – như một tín hiệu cho một cuộc chiến mới, khốc liệt và đầy thách thức, phải đánh bay kẻ thù mà chúng ta không thấy được “mặt mũi”.

Giãn cách xã hội diễn ra trên địa bàn TP.HCM, nhất là những điểm phong tỏa – nơi là “ổ dịch”, công tác chống dịch không chỉ có người dân mệt mỏi, mà sự mệt mỏi với lực lượng chức năng nhân lên gấp nhiều lần. Ít ra, người dân còn được trong nhà, hoặc ở nơi cách ly ngủ nghỉ tròn giấc, riêng lực lượng công an, y tế, biên phòng, trực chốt không thể nào có giấc ngủ đủ bốn tiếng. Thấu hiểu điều đó, mỗi ngày anh Phạm Minh Hiền (34 tuổi) và chị Yến Anh (33 tuổi, cùng ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) chuẩn bị hơn 100 phần cơm đặc biệt gửi tặng miễn phí cho các lực lượng phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại quận nhà. Những phần cơm này không chỉ đơn thuần là cơm tiếp sức, sẻ chia, mà trên hết đó còn là tấm lòng, tình cảm người dân dành cho các lực lượng đang quên mình cống hiến cho nhân dân, đất nước. Phần cơm vì thế mà giúp các chiến sĩ thêm ấm lòng.

Những quả chuối nghĩa tình – cứu đói trong lúc hàng quán, bếp cơm từ thiện nghỉ do giãn cách xã hội

Đợt dịch này nguy hơn, khó khăn và ngặt nghèo hơn những đợt trước kia, thế nên sự sẻ chia, giúp đỡ nhau trong giai đoạn này dù một phần cơm với người lao động nghèo cũng đã là quý. Cô Nguyễn Thị Tân, 63 tuổi nhận suất cơm lưu động phát từ thiện cảm ơn không ngớt lời. Cô khoe: “Phần cơm này cô Tân sẽ chia cho ông nhà một nửa, hai vợ chồng sẽ cùng ăn chung. Mình chỉ dám nhận một phần, chừa cô bác khác nữa, Sài Gòn đâu chỉ có một mình mình khó đâu”.

Cô bán xôi, chị bán bánh ướt, bán cơm tấm dù đang thắt ngặt trong lúc dịch căng thẳng, nhưng vẫn hào sảng tặng cơm cho người già yếu, người lao động nghèo, lượm ve chay khó khăn hơn mình. Mỗi suất ăn vài chục ngàn, không chỉ cho một mà cho nhiều, không đếm xuể, vì cứ thấy ai khó là cho. Chị bán bánh mì trên đường Cô Giang, Quận 1 cho hẳn một lượt vài ổ cho một gia đình, còn nhắn kêu nhà bà A, bà B ra chị cho bánh mì về ăn. “Cho vài ổ bánh mì không khiến mình giàu thêm nhưng giúp người yếu thế đỡ lo, đỡ đói” – lòng nhân ái, của cho không bằng cách cho của người dân đang sống ở thành phố nghĩa tình, đúng thời điểm trở nên quý giá là vậy. Một miếng khi đói, bằng một gói khi no, ông bà mình nói không sai!

Các suất cơm có thịt, trứng, canh hạt sen giò heo, dưa leo…chia sẻ tại quận Gò Vấp

Đợt dịch này, tất cả các tự viện, chùa, tịnh xá, tịnh thất trên địa bàn TP.HCM đóng cửa, đồng nghĩa bếp cơm từ thiện của nhiều nhà chùa cũng khép lại. Không hỗ trợ được cơm trong hoàn cảnh khó khăn chống dịch, thương người bán vé số, người thất nghiệp, chùa Giác Ngộ quận 10, TP.HCM tặng chuối để trước cổng chùa, đãi người lỡ đường.

Nhiều người đến lấy chuối dùng tạm qua ngày, lấy cho mình và lấy cho những đứa con đang đợi ở nhà. Cô Trần Thanh Tâm, ở thuê nhà trong con hẻm trên đường Trần Nhân Tôn, phường 2, quận 10 cho biết: “Đem theo cái túi ni lông này để lấy thêm vài trái chuối về cho hai đứa cháu, chúng nó đang chờ bà ngoại xin chuối về, chúng nó đang đói lắm. Chuối này cứu đói cả nhà tôi”.

Anh chạy xe Grab giao hàng cũng dừng chân lại để lấy hai trái chuối, anh đi giao hàng nhưng bản thân cũng không có nhiều tiền. Tiền anh để dành gửi về quê cho con, cả tuần nay anh kiếm chưa được 200 ngàn nên không dám ăn uống gì. Trái chuối giúp anh lót dạ và cứu đói qua những ngày dịch bệnh.

Không chỉ trong lúc dịch bệnh thế này, người dân TP.HCM càng cảm nhận rõ hơn hết tình đồng bào, tình làng người xóm và tình người của những người có tấm lòng nhân ái – không biết nhau nhưng giúp nhau tận tình, có là cho. Những món quà ý nghĩa tại thời điểm này ngoài chuyên chở tinh thần đoàn kết, động viên, hỗ trợ nhau, còn chứa đựng ý nghĩa vô cùng to lớn về tinh thần dân tộc của người Việt Nam.

Anh Phạm Minh Hiền (34 tuổi) và chị Yến Anh (33 tuổi, cùng ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) chuẩn bị rồi gửi tặng miễn phí cho các lực lượng phòng chống dịch

TP.HCM – người dân sống chân thành, dễ thương từ những chia sẻ nhỏ nhất. Khu chung cư có người thuộc diện F1 đang phải đi cách ly tập trung, người nhà thuộc diện F2 đóng kín cửa cách ly tại nhà. Hàng ngàn cư dân lập tức cảm thấy nỗi gắn kết chưa bao giờ mật thiết đến vậy, lo lắng chờ tin tức mỗi ngày, cẩn trọng hơn mỗi bước đi, sốt sắng hỏi han giúp đỡ các gia đình phải cách ly mỗi bữa.

Ủy ban phường Tân Hưng Thuận (quận 12) còn gây bất ngờ hơn khi tặng mỗi hộ dân bị phong tỏa một cây táo và tổ chức thi chăm sóc cây. Có thể tặng cây táo chỉ là ngẫu nhiên, nhưng đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ, tích cực cho cuộc đời. Thấy cây táo, nhiều người lại nhớ đến câu thơ: “Nếu cuộc đời toàn chuyện xấu xa thì sao cây táo nở hoa?…”. Ấu, đó cũng là một tín hiệu vui, như lời đúc kết của nhiều người dân ở thành phố này: “Covid-19 đã gây rất nhiều thiệt hại, đã tô màu u ám trên bộ mặt xã hội, nhưng lại vẫn là cơ hội để những điều tốt đẹp nảy nở”!

Và điều tốt đẹp đang ngày một nhân lên thêm, sáng bừng trong đại dịch chính là tấm lòng nhân ái, tinh thần lá lành đùm lá rách – là đặc sản của người dân Việt Nam nói chung, người dân TP.HCM sống nghĩa tình nói riêng. Kết quả đúc kết sau cùng, dù trong bối cảnh khó khăn nào của đất nước, người dân đều chung tay, góp sức, góp phần cùng chính quyền của mình làm nên nhiều điều kỳ tích.

Thái Thanh 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều