+
Aa
-
like
comment

“Đặc sản” của Thủ tướng

Mai Anh - 01/06/2022 20:55

Hình ảnh một người lãnh đạo trong chiếc áo màu rêu bạc màu, đẫm mồ hôi gần như đã trở thành một thứ “đặc sản” của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng “vi hành” những địa điểm cách ly để lắng nghe Nhân dân phản hồi về chính sách, quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Từ hoàn cảnh xuất thân đến quá trình trưởng thành, có lẽ là nguyên nhân giúp Thủ tướng Phạm Minh Chính hiểu được ý nghĩa của cầu nối giữa chính quyền và nhân dân. Từ đó có những hành động sâu sát, gần gũi với người dân. Còn nhớ vào thời điểm những tháng cuối năm 2021, khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức căng thẳng tại các tỉnh phía Nam, Thủ tướng đã “vi hành”, đến tận nơi kiểm tra cụ thể, thậm chí xuống tận các cơ sở mà không báo trước. Trang phục khi đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch của Thủ tướng không phải trong những bộ vest hay comple đóng thùng sang trọng mà thay vào đó là chiếc áo sơ mi màu rêu ướt đẫm mồ hôi. “Hình ảnh áo sơ mi Thủ tướng ướt đẫm mồ hôi đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến”, đó là sự cảm phục của bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam. Không chỉ có các doanh nhân mà đại biểu Quốc hội, người đại diện cho ý chí của nhân dân cũng cảm kích với hình ảnh đầy ấn tượng đó, Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã từng chia sẻ: “Rồi Thủ tướng về Hà Nội trong trang phục ướt đẫm mồ hôi vẫn xuống tận phường tâm dịch kiểm tra, chỉ đạo”.

Thủ tướng ân cần lắng nghe ý kiến của bà con dân tộc Mông.

Mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm điểm du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Mông tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, trò chuyện một cách rất bình dị cùng bà con dân tộc Mông. Thủ tướng đã tiếp nhận những khó khăn của bà con và cam kết Nhà nước sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm an ninh để tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư, du khách tới vùng đất đầy tiềm năng này. Chỉ với chuyến thị sát này, bao nhiêu vấn đề, khó khăn nhất người dân và địa phương đã được ghi nhận. Đây là điều mà những báo cáo, thống kê của các ngành, địa phương chưa chắc có thể đưa ra cụ thể và chính xác như vậy được.

Thủ tướng thăm mô hình trồng xoài hữu cơ trong thời tiết nắng nóng của Tây Bắc.

Không chỉ vậy, Thủ tướng còn trực tiếp đến thăm vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót, huyện Mai Sơn. Trong cái nắng của Tây Bắc lên đến 34 độ C, Thủ tướng không quản ngại thời tiết khắc nghiệt đã trực tiếp đến tận nơi, xem tận mắt các giống cây trồng trong khi bản thân không có một hình thức che chắn cái nắng nào. Thời tiết khắc nghiệt là thế nhưng Thủ tướng vẫn lắng nghe người dân hồ hởi nói về những thành tựu đã đạt được, nhất là việc chống xói mòn thông qua việc canh tác cây ăn quà với kỹ thuật ghép mắt.

Trước những thành quả vượt lên khó khăn của người dân nơi đây, Thủ tướng không quên biểu dương người dân đã tự lực, tự cường, khai thác tốt những điều kiện của quê hương để phát triển kinh tế, đời sống ngày càng khấm khá. Chính những lời động viên kịp thời đó đã góp phần thôi thúc người dân địa phương tiếp tục vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Với mỗi người lãnh đạo, tác phong sâu sát đến tận cơ sở, gần gũi với nhân dân để lắng nghe và nắm tình hình thực tế, tránh việc nắm tình hình trong khi “đút chân gầm bàn” là điều rất quan trọng. Đó chính là lý do người dân thường xuyên nhìn thấy hình ảnh một người lãnh đạo trong chiếc áo màu rêu “vi hành”, thậm chí cũng màu ấy theo Thủ tướng băng rừng kiểm tra thực tế đề xuất làm đường kết nối Bình Phước – Đồng Nai. Thế nên, có thể nói, sự sâu sát đi xuống tận cơ sở địa phương và đối thoại trực tiếp với người dân chính là thứ “đặc sản” thường có ở lãnh đạo Việt Nam.

Mai Anh

Bài mới
Đọc nhiều