Đã xác định được bệnh nhân là nguồn lây Covid-19 vào Bệnh viện Bạch Mai khiến nơi đây thành ổ dịch
Theo Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng, rất có thể bệnh nhân 162, con dâu bệnh nhân 161, đã mắc Covid-19 ở cộng đồng, rồi lây cho mẹ và bệnh nhân 133 ở Lai Châu.
Lượng kháng thể cho thấy bệnh nhân 162 lây nhiễm trong cộng đồng
Chiều 27.3, phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội có rất nhiều nội dung xung quanh Bệnh viện Bạch Mai, ổ dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất trên địa bàn Hà Nội hiện nay.
Phiên họp này có sự tham gia của Phó giám đốc, Trưởng ban phòng, chống dịch Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng.
Thông tin thêm về việc chống dịch của bệnh viện, ông Hùng cho biết: “Về phía dịch tễ, khi có thông tin bệnh nhân số 133, chúng tôi đã cho xét nghiệm ngay lập tức (các trường hợp liên quan). Hai bệnh nhân vừa nói thêm (bệnh nhân 161 và bệnh nhân 162 – phóng viên) thì bà mẹ (bà cụ 88 tuổi ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên – phóng viên) lên kết quả dương tính ngay, rất rõ ràng. Còn người con dâu (trú tại Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) phải làm đi, làm lại mới thấy dương tính, mà dương tính rất yếu ớt”.
Khi được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung hỏi lại về việc “dương tính yếu ớt”, ông Hùng lý giải là “thời gian lên dương tính chậm”.
“Lúc đó, vi sinh báo xuống là từ từ để cho kiểm tra lại. Giả thiết ở đây là lượng virus thấp, nên chưa đủ để lên dương tính rất nhanh. Cái này một là do mới nhiễm, hai là đã nhiễm trong giai đoạn thoái triều. Chúng tôi cho làm định lượng về kháng thể thì dương tính với kháng thể rất rõ rệt, tức là nhiễm đã lâu. Chúng tôi rà lại lịch trình thời gian bệnh nhân ở Lai Châu, vào viện ngày 17.3, ra viện ngày 22.3, tức là tiếp xúc với nhau 5 ngày”.
“Rõ ràng Bệnh viện Bạch Mai có 2 ổ. Một ổ là 2 cô điều dưỡng, không liên quan gì đến nhóm này. Còn 3 bệnh nhân này nằm ở cùng phòng. Sơ đồ dịch tễ hình dung ra là cô con dâu nhiễm, sau đó bà mẹ nằm cùng giường với bệnh nhân Lai Châu, nên thành ra cả 3 người đều nhiễm virus”, ông Hùng lý giải.
Với quan điểm trên, ông Dương Đức Hùng cho rằng, “hiện tại chưa khẳng định có nhiễm chéo” trong bệnh viện.
Ông Hùng cho rằng, với thời gian nhiễm của bệnh nhân 162 này, “rõ ràng trong cộng đồng có ca bệnh, nhưng không sàng lọc được bằng xét nghiệm”.
“Cô này không có biểu hiện lâm sàng, vì mối liên quan mới cho làm xét nghiệm thôi, nhưng bệnh đang ở giai đoạn thoái triều. Như vậy, cô này đã nhiễm trong cộng đồng. Chắc là trong cộng đồng có nhiều người như vậy, không có triệu chứng lâm sàng. Tính toán thời gian thì không phải nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai”, ông Hùng nêu quan điểm.
“Đóng băng” toàn bộ bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai
Tuy vậy, Bệnh viện Bạch Mai đã “đóng băng” toàn bộ bệnh nhân để đợi xét nghiệm.
Bệnh viện Bạch Mai đã lấy trên 5.000 mẫu, tầm soát toàn bộ nhân viên của tất cả các khoa, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Dự kiến, 9 giờ sáng mai, 28.3, Bệnh viện Bạch Mai sẽ hoàn thiện việc lấy mẫu. Sau đó, toàn bộ số mẫu này sẽ chuyển Viện Pasteur Hà Nội làm đầu mối, sau đó sẽ chia ra các cơ sở được phép xét nghiệm.
Dự kiến tiến độ là 2 ngày tới sẽ có kết quả.
“Chúng tôi đang đóng băng toàn bộ bệnh nhân để chắc chắn khi mình đưa bệnh nhân ra cộng đồng là những người đã được xét nghiệm âm tính. Do tính chất dịch tễ phức tạp như vậy (các bệnh nhân được phát hiện ở những khoa khác nhau, trong bệnh viện thường xuyên có giao lưu qua lại – phóng viên), không còn phân định được ai là không nhiễm nữa; nên chúng tôi coi như tất cả là đã nhiễm và áp dụng các biện pháp như vậy”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai có hàng vạn bệnh nhân và người nhà ở bệnh viện, không dám khẳng định mọi người có qua lại các địa điểm khác nhau hay không, nên phải coi tất cả là nhóm nguy cơ và xét nghiệm toàn bộ.
Có những nhóm đối tượng nguy cơ, người nhà ở lâu trong bệnh viện, Bệnh viện Bạch Mai sẽ cho làm cả định lượng kháng thể xem bệnh nhân nhiễm trước khi vào bệnh viện hay sau khi vào bệnh viện, theo ông Hùng.
PV/TN