Đã thi hành án 15.000 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn
Kết quả thi hành đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế chuyển biến rất tích cực với việc thi hành xong trên 15 ngàn tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2021 chiều 27/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác THADS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thi hành án hơn 205 nghìn tỷ đồng
Kết quả này thể hiện qua con số từ 2016 đến 30/9/2020, các cơ quan THADS đã thi hành xong gần 2,8 triệu việc, tương ứng với số tiền là hơn 205 nghìn tỷ đồng.
“Qua đó đã góp phần quan trọng, tích cực vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải phóng nguồn lực của xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và từng địa phương”, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.
Đối với năm 2020, toàn Hệ thống THADS đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, ngành đã thi hành xong gần 600 nghìn việc (đạt tỉ lệ 81,41%) tương ứng với trên 260 nghìn tỷ đồng (đạt tỉ lệ 41,04%), tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Kết quả thi hành đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế chuyển biến rất tích cực với việc thi hành xong trên 15 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 50% trong tổng số thi hành xong của giai đoạn 2013 2019.
Các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng cũng đạt được kết quả ấn tượng với việc thi hành xong hơn 32 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 9 ngàn tỷ so với năm 2019.
Ngành cũng nghiêm khắc xem xét, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ trong hệ thống, kể cả thủ trưởng cơ quan THADS, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và quy định pháp luật.
Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, kịp thời, với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp diễn biến, tình hình thực tiễn, cơ bản đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác THADS.
Cơ chế phối hợp liên ngành ở Trung ương và địa phương tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, thực chất, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong tổ chức thi hành án.
63 trường hợp bị xử lý kỷ luật do vi phạm về nghiệp vụ
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long lưu ý thêm một vấn đề ngành THADS cần nghiên cứu, khắc phục, rút kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn trong năm 2021. Đó là tình trạng vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ vẫn chưa có chuyển biến, số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật còn nhiều. Cụ thể năm 2020, toàn hệ thống có 63 trường hợp bị xử lý kỷ luật, trong đó 25 trường hợp bị xử lý do vi phạm về nghiệp vụ.
Bộ trưởng cũng nhắc, các vi phạm có tính chất phức tạp và nghiêm trọng hơn, đặc biệt có những vi phạm mà nguyên nhân chủ quan từ chính chấp hành viên, lãnh đạo cơ quan THADS (kể cả trong tổ chức thi hành các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, vụ việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo).
“Từ đó dẫn đến tiềm ẩn nhiều vụ việc có nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, một số trường hợp bị xem xét, xử lý trách nhiệm hành chính công vụ, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây thực sự là điều đáng tiếc!”, Bộ trưởng lưu ý.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; một số thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan THADS có biểu hiện buông lỏng quản lý, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành dẫn đến bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vi phạm.
Nói về nhiệm vụ năm tới, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh đến yêu cầu ngày càng cao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mà trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Từ đó, đòi hỏi toàn hệ thống THADS từ Lãnh đạo Tổng cục, Thủ trưởng các cơ quan THADS cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc, kịp thời quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đến từng Chấp hành viên, Thẩm tra viên, công chức, người lao động THADS.
Ông Long đề nghị ngành tập trung nâng cao chất lượng, giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng, ngân hàng và các khoản thu cho ngân sách nhà nước.
Kịp thời tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được Ban Bí thư ban hành.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra; phát hiện kịp thời những vi phạm, tiêu cực, tham nhũng trong THADS. Nghiêm túc khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS nói chung và hoạt động thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án nói riêng…
Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái cho biết, trong năm toàn ngành đã thi hành xong 576.933 việc, đạt tỉ lệ 81,41% (tăng 2,82% so với năm 2019, cao hơn 1,41% so với chỉ tiêu được giao); trên 53.750 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 40,09% (tăng 4,66%) so với năm 2019, cao hơn 2,09% so với chỉ tiêu được giao.
Các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã tập trung thi hành xong 363/830 việc (đạt tỷ lệ 43,73%, tăng 65 việc so với năm 2019).
Tuy nhiên, công tác THADS, THAHC năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như kết quả thi hành án đối với các khoản thu cho tổ chức tín dụng, các khoản bị chiếm đoạt trong vụ hình sự về tham nhũng, kinh tế hiệu quả chưa cao; hoạt động tổ chức thi hành án tại một số cơ quan THADS chưa thật sự hiệu quả, còn để xảy ra vi phạm, thiếu sót…
Thu Hằng/VNN