+
Aa
-
like
comment

Dã tâm bất tận và những hành động vô lối của Trung Quốc trong lãnh thổ Việt Nam

Quỳnh Quỳnh - 17/06/2020 17:37

Dã tâm của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông và hành động của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng mua bất động sản, nhiều đất trọng yếu ở Việt Nam là một hồi chuông báo động lớn đối với Việt Nam. 

Từ tham vọng độc chiếm Biển Đông…

Mới đây, Trung Quốc lại leo lên nấc thang mới trong kế hoạch quân sự hóa Biển Đông khi tiến hành đặt cáp ngầm tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị nước này chiếm đóng trái phép, hòng thực hiện bằng được tham vọng khống chế, độc chiếm vùng biển chiến lược này. Việc thiết lập mạng lưới giám sát kết nối các đảo và thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Biển Đông là bằng chứng mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục thực hiện kế hoạch quân sự hóa toàn diện ở Biển Đông hòng tìm cách kiểm soát đa tầng, trên mặt biển, trên không và trong lòng biển.

Ý đồ độc chiếm biển Đông được thể hiện rõ ràng từ lời nói đến hành động của Trung Quốc.

Vào tháng 2 trước đó, Trung Quốc tiếp tục gia tăng tính chất, mức độ các hoạt động khiêu khích khi các đơn vị quân đội Trung Quốc trong đất liền bắn tia laser vào các máy bay tuần tra của Mỹ hoạt động ở biển Đông. Đến, ngày 24-3, Trung Quốc công bố khánh thành hai “trạm nghiên cứu khoa học”, mà báo chí quốc tế gọi chính xác là các cơ sở quân sự mới, trên Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đáng chú ý, ngày 2-4, Trung Quốc dấn thêm một bước leo thang bằng sự kiện cho tàu hải cảnh đâm chìm 1 tàu cá và rượt đuổi, đánh phá 2 tàu cá Việt Nam khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây cũng là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một năm, tàu cá của Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa. Những hành động liên tiếp cho thấy, Trung Quốc càng hung hăng hơn trong việc dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền phi pháp tại vùng biển này. Dã tâm bành trướng biển Đông của nước này càng lộ rõ trong bối cảnh thế giới đang gồng mình chống lại dịch bệnh Covid-19, đến độ Mỹ cũng phải lên tiếng cảnh báo.

…đến âm mưu chiếm đất quan trọng trên lãnh thổ Việt Nam

Hiện người nước ngoài cụ thể là Trung Quốc “núp bóng” doanh nghiệp hoặc người Việt trong nước sử dụng nhiều lô đất quan trọng trên lãnh thổ Việt Nam và đây đang trở thành vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm. Đặc biệt, thông tin mới nhất nhiều chuyên gia bất động sản đưa ra nhận định, doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng M&A (sáp nhập – mua lại) các dự án bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Trước đó, cách đây hơn 10 năm, thỉnh thoảng báo chí Việt Nam lại đưa một vài thông tin doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) “bom tấn” ở Âu – Mỹ. Đến nay Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam.

Chuyện người Trung Quốc mua hơn 100 lô đất ở Đà Nẵng bị phát hiện mới đây chỉ là phần nổi của một tảng băng nguy hiểm.

Lo lắng về vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia Việt Nam của cử tri, nhân dân và các ĐBQH ngày càng tăng khi hiện tượng nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam, bằng hai cách nói trên đã sử dụng nhiều lô đất nhạy cảm ven biển, có vị trí trọng yếu mang giá trị lớn về lợi nhuận kinh tế cũng như ý nghĩa quan trọng về phòng thủ, an ninh quốc phòng, đặc biệt là ở Đà Nẵng trở nên phổ biến.

Hiện nay, dù đã có quy định hạn chế tỷ lệ góp vốn tại các lĩnh vực quan trọng, dự án nhạy cảm, song người nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc vẫn lách luật để mua bán, thâu tóm. Vấn đề này để lại rất nhiều hệ lụy, vô cùng nguy hiểm tới chủ quyền, an ninh quốc gia. Chúng ta cần phải siết chặt lại cơ chế, lập danh sách các dự án, lĩnh vực có liên quan tới an ninh quốc gia, quan trọng cần hạn chế tỷ lệ vốn góp. Trước khi cấp phép đầu tư phải rà soát, thẩm định kỹ lưỡng, xin ý kiến Bộ Quốc phòng.

Nếu không kiểm soát chặt người Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam thì còn khả năng ảnh hưởng đến cả trật tự xã hội khi đa số cư dân tại một địa phương nào đó là người Trung Quốc, sử dụng tiếng Trung Quốc, cửa hàng kiểu Trung Quốc… Cao hơn và đáng ngại hơn là rủi ro về quốc phòng, an ninh khi nhiều vị trí trọng yếu về quân sự ven biển, trên núi, trong rừng lại được “ngụy trang” bằng các cơ sở kinh doanh.

Nhìn ra Biển Đông, Trung Quốc đang có những hoạt động trái Công ước quốc tế, đã sử dụng quân sự để chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, chiếm đóng một số đảo tại Trường Sa, xâm phạm thường xuyên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam… Vậy cách hành xử thiếu văn hóa và nhân bản của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ tràn lên đất liền là điều người dân Việt Nam rất lo lắng.

Ngay cả một nước có sự ổn định lâu dài như Úc mà người ta còn cảnh giác cao độ, huống gì Việt Nam, một đất nước còn quá nhiều bất cập, kẽ hở trong các quy định pháp luật.

Vừa qua, Mỹ, Canada, Australia đã phát hiện và hạn chế lại việc các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc bỏ tiền mua khá nhiều doanh nghiệp quan trọng của các quốc gia này. Australia đã soạn thảo Luật Đầu tư mới để thông qua các Nghị viện vào cuối năm nay, trong đó có nhiều hạn chế mới thiết lập. Việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp có liên quan đến các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc còn mạnh hơn khi xuất hiện nhiều doanh nghiệp mất khả năng tồn tại sau đại dịch Covid-19.

Thực tế, đối với Việt Nam là một nước chung biên giới, việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào “thâu tóm” đất đai. Kết hợp với âm mưu độc chiếm Biển Đông thì càng không loại trừ khả năng Trung Quốc có ý đồ xâm phạm đất liền. Chính vì thế, các cấp chính quyền và người dân cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác, song song đó cần có những hành động quyết liệt xử lý, ngăn chặn mối nguy này.

Quỳnh Quỳnh

* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều