Trong quá khứ, hàng hóa Trung Quốc vẫn được biết đến với danh tiếng “ngon – bổ – rẻ” và trở thành một phần không thể thiếu trong thị trường toàn cầu với nhãn hiệu “Made in China”. Tuy nhiên, hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu cái thời của hàng hóa Trung Quốc còn hay không?
Theo một bài xã luận phân tích trên trang tin Baijiahao, khi thế giới đang không ngừng thay đổi, các hoạt động thương mại cũng đòi hỏi phải cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau, điều này đồng nghĩa với việc không có quốc gia nào có 100% lợi thế phát triển và bất kỳ quốc gia nào cũng có thể gặp khó khăn.
Mặc dù hàng hóa Trung Quốc vẫn được nhiều người tiêu dùng quốc tế đón nhận và ủng hộ, tuy nhiên, tin tức này không còn khiến các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc cảm thấy vui mừng như trước, cho rằng sản phẩm của nước này đã được công nhận. Với sự phát triển không ngừng trong những năm qua, người Trung Quốc cũng đã nhận thấy rằng các sản phẩm “Made in China” đã trở thành biểu tượng thương hiệu của Trung Quốc.Tuy nhiên, vị thế của hàng hóa Trung Quốc được đánh giá là đang ngày một giảm dần theo xu hướng mới.
Theo thống kê tính đến giữa năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu thương mại của Trung Quốc đã không đạt yêu cầu, chỉ tăng hơn 3,9% so với năm 2021. Các số liệu cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc trên thị trường quốc tế không còn cao như trước đây. Trong số đó, nhu cầu giảm mạnh nhất là từ các ngành sử dụng nhiều lao động.
Trang Baijiahao cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các yếu tố bất lợi trên thị trường quốc tế. Lý do đầu tiên là việc Mỹ áp dụng nhiều biện pháp hạn chế thương mại, đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Trung Quốc.
Chi phí lao động không ngừng tăng cao ở Trung Quốc được xem là lý do thứ hai. Nhiều công ty đa quốc gia đã quyết định chuyển nhà máy sang Đông Nam Á hoặc Việt Nam vì chi phí lao động ở những nơi này rẻ hơn. Điều này giúp cho các công ty đa quốc gia tiết kiệm ngân sách, trong khi các nhà máy ở Trung Quốc sẽ không còn nhận được nhiều đơn hàng như trước.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 41,7 tỉ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang EU cũng giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, với số tiền là 317,4 tỷ USD.
Bài báo trên trang Baijiahao nhận định rằng hiện nay có nhiều dấu hiệu cho thấy sự tách rời kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ, và thậm chí cả giữa Trung Quốc và châu Âu. Số lượng hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm nhanh hơn tổng số hàng hóa được nhập khẩu vào Mỹ trong những tháng gần đây. Ngoài ra, các quốc gia châu Á khác cũng đang chiếm lĩnh thị phần của Trung Quốc tại Mỹ, và xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục trong tương lai.
Theo dữ liệu mới nhất của CNBC, số lượng đơn đặt hàng Trung Quốc sản xuất của Mỹ đã giảm đến 40%. Công ty dịch vụ kỹ thuật số chuỗi cung ứng Project44 cho biết, kể từ khi phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 được nới lỏng vào cuối mùa hè năm 2022, số lượng container vận chuyển bằng tàu biển từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm đáng kể, với tổng lượng container giảm 21% trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11/2022.
Trong khi đó, dữ liệu thương mại cho thấy sự gia tăng thương mại và đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Theo Bộ Thương mại Mỹ, từ tháng 1 đến tháng 9/2022, giá trị hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ châu Âu (EU + UK) đạt 449 tỉ USD, lần đầu tiên vượt qua mức 418 tỉ USD nhập khẩu từ Trung Quốc trong cùng thời gian. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ châu Âu sang Mỹ đã vượt qua kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ hàng tháng, trừ tháng 1/2022.
Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ vào châu Âu trong nửa đầu năm 2022 đạt 73,974 tỷ USD, tăng gấp 9,1 lần so với FDI của Mỹ vào Trung Quốc. Trong khi đó, theo số liệu từ Eurostat, vốn FDI từ châu Âu vào Mỹ trong nửa đầu năm 2022 đạt 43,022 tỷ USD, tăng gấp 7,8 lần so với vốn FDI từ châu Âu vào Trung Quốc. Trong khi đó, FDI từ Trung Quốc vào Mỹ trong cùng thời gian chỉ đạt 148 triệu USD, chiếm tỷ lệ 0,34% so với FDI từ châu Âu vào Mỹ.
Theo Baijiahao, việc châu Âu và Mỹ gia tăng đầu tư hai chiều sẽ giúp xây dựng một chuỗi cung ứng ổn định với châu Âu và Mỹ làm nòng cốt, từ đó giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa “Made in China” trên thị trường Âu – Mỹ và có thể sẽ tiếp tục giảm trong tương lai.
Thực hiện: Tuệ Ngô
Đồ họa: M.N