Đà Nẵng lên kịch bản sơ tán tới 140.000 dân ứng phó bão số 9
Trong kịch bản bão số 9 đổ bộ với sức gió cấp 8-11, Đà Nẵng sẽ di dời 72.000 dân. Còn kịch bản sức gió đạt cấp 12-13, Đà Nẵng sẽ di dời tới hơn 140.000 dân.
Chiều 26-10, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có công điện gửi các cơ quan, đơn vị triển khai biện pháp ứng phó bão số 9 Molave. Chủ tịch TP yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn, chằng chống nhà cửa, cây xanh, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản và đưa người ra khỏi khu vực trước 15h ngày 27-10.
Các lực lượng chức năng kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng chống lụt bão đi lại đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ. Tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết.
Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống dài ngày và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, hiện còn 7 tàu cá và 62 người đang hoạt động trên biển. Các tàu đã nắm được thông tin về bão để chủ động phòng tránh.
Tính đến trưa 26-10, có 1.133 tàu cá Đà Nẵng và các tỉnh đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang, 832 tàu được đưa lên bờ và neo đậu ở các tỉnh. Còn 72 tàu hàng đang neo đậu tại vùng nước cảng Đà Nẵng.
Các quận, huyện đã rà soát, lên danh sách sơ tán dân theo phương án đã được phê duyệt. Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão với gió cấp 8-11 là 72.136 người, gió bão cấp 12-13 là 140.868 người.
Đối tượng sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiến cố, nhà tạm. Ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn gần nhất trong khu vực, và sơ tán tập trung tại các địa điểm đã được quận, huyện lựa chọn và được Sở Xây dựng thẩm định.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP, hiện nay các hồ thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 trên hệ thống sông Vu Gia đang ở mực nước cao nhất trước lũ, và đang vận hành để đưa về mực nước đón lũ. Tuy nhiên, mực nước các thủy điện vẫn đang ở mức cao, khi có mưa lớn thì lưu lượng dòng chảy lũ về các thủy điện sẽ tăng cao, các thủy điện sẽ xả lũ với lưu lượng lớn và kéo dài.
Nguy cơ cao xảy ra mưa rất lớn tập trung trong thời gian bão ảnh hưởng và đổ bộ, gây lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, đặc biệt lưu ý các khu vực ven sông Túy Loan, Cu Đê. Lũ, ngập úng vùng trũng thấp, ven sông và đô thị, ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu.
TẤN LỰC/TT