Đà Nẵng làm sạch 3 bệnh viện lớn, Quảng Nam “chia lửa” chống dịch COVID-19
Sau một tuần kể từ khi 3 bệnh viện lớn tại trung tâm Đà Nẵng bị cách ly, hàng nghìn người nhà bệnh nhân và bệnh nhân sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SASR-CoV-2 đã được đưa ra các khu cách ly bên ngoài.
Chuyển bệnh nhân COVID-19 về bệnh viện dã chiến
Ngày 2.8, ông Nguyễn Út – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng – cho biết, đến thời điểm này tại Bệnh viện Đà Nẵng hiện còn khoảng 250 bệnh nhân cùng 2.000 nhân viên y tế. Tuy nhiên, thời gian tới, số bệnh nhân này sẽ được tiếp tục đưa về các bệnh viện khác như Bệnh viện 199 của Bộ Công an tại quận Sơn Trà, Bệnh viện Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Bắc Quảng Nam…
“Chúng ta đã ghi nhận nhiều ca mắc tại Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng vì vậy nếu tiếp tục để bệnh nhân tại đây sẽ dễ gây ra tình trạng lây nhiễm chéo. Hơn nữa, ngay từ đầu, các Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng cũng nhiều khoa phòng tại Bệnh viện Đà Nẵng không có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân mắc COVID. Vì vậy, tất cả các ca mắc COVID-19 sẽ được chuyển về các đơn vị chuyên biệt là 2 bệnh viện dã chiến là Hoà Vang, Tiên Sơn và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, dự kiến có thể thu dung 2.000 bệnh nhân” – ông Út cho hay.
Cụ thể, tại bệnh viện dã chiến Hoà Vang được trưng dụng từ chính Trung tâm Y tế Hoà Vang đã hoạt động từ ngày 31.8, đến nay đã tiếp nhận 38 bệnh nhân mắc COVID-19. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ có thể điều trị bệnh nhân nhẹ, không có nhiều triệu chứng. Sở Y tế cùng các đơn vị hỗ trợ đang thiết lập các phòng hồi sức tích cực, chuyên khoa đặc biệt để nơi này có thể điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng đã tiếp nhận 31 bệnh nhân mắc COVID-19. Thời gian tới khi bệnh viện dã chiến Tiên Sơn được đưa vào sử dụng sẽ là nơi điều trị chính cho bệnh nhân mắc COVID-19.
“Riêng với 3 bệnh viện đang bị phong toả, sau thời gian cách ly theo quy định, chúng tôi sẽ cho khử trùng, làm sạch bệnh viện. Nhân viên y tế tại các đơn vị này cũng sẽ được đưa ra bên ngoài cách ly ở khách sạn để nghỉ ngơi, chuẩn bị nguồn lực để bổ sung cho bệnh viện dã chiến cũng như quay trở lại các cơ sở y tế để thực hiện chức năng khám chữa bệnh bình thường. Đây là 3 bệnh viện lớn của thành phố, việc giữ đúng chức năng của cả 3 để bảo vệ sức khoẻ người dân cũng quan trọng không kém việc điều trị cho bệnh nhân COVID” – ông Út cho hay.
Được biết hiện nay, 38 bác sĩ bệnh viện Bạch Mai đã chi viện cho 5 đơn vị là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Bắc Quảng Nam.
Không chỉ phân luồng bệnh nhân và cấp tốc xây dựng bệnh viện dã chiến, mới đây, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã giao Sở Y tế phải huy động nguồn lực, đảm bảo cung ứng đầy đủ công cụ, phương tiện, vật tư để thực hiện xét nghiệm trên diện rộng bằng các phương pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng, tiến tới xét nghiệm cho tất cả người dân toàn thành phố khi đủ điều kiện…
Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch COVID-19 của Bộ Y tế đang hoạt động tại Đà Nẵng – cho biết, sẽ tổ chức các chốt lấy mẫu tại những nơi có nguy cơ trước như tại khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải Châu, các địa điểm đông khách du lịch và nhân viên y tế. Bên cạnh đó các đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ, lấy mẫu thật nhanh, cả dịch hầu họng và mẫu máu, khi phát hiện mẫu xét nghiệm kháng thể dương tính là tiến hành bao vây ngay.
Quảng Nam vừa “chia lửa” vừa chống dịch
Nằm sát bên cạnh Đà Nẵng, trước tình trạng số ca mắc COVID-19 ở cộng đồng ngày càng tăng, tỉnh Quảng Nam cũng đã bàn phương án xét nghiệm trên diện rộng, đồng thời, chia lửa cùng với Đà Nẵng trong công tác nhận các bệnh nhân trở về Quảng Nam để điều trị.
Ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam – cho biết, việc “chia lửa” cùng Đà Nẵng là điều rất cần thiết để các bệnh viện thực hiện các biện pháp giãn cách, tránh lây lan.
“Những bệnh nhân ở Đà Nẵng có bệnh nặng nhưng xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì được đưa về Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hoặc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Người Quảng Nam bệnh nặng thậm chí nằm hồi sức nếu Đà Nẵng chuyển về thì chúng tôi cũng phải nhận, nếu quá tải thì các cơ sở tiếp tục thu dọn để hỗ trợ cùng “chia lửa” với Đà Nẵng đưa họ về điều trị” – ông Hai cho biết.
Dù vậy, Quảng Nam cũng đang phải chống dịch nên đối với những ca mắc COVID tại Quảng Nam, thay vì thực hiện phương châm 4 tại chỗ ở đâu ở yên đó thì Sở Y tế sẽ chuyển những bệnh nhân rất nặng ra Huế, bệnh nặng thì vào Đa khoa Trung ương Quảng Nam, bệnh nhân không có bệnh nền và có sức khỏe tốt thì đưa vào khu điều trị ở Điện Nam – Điện Ngọc.
Khu cách ly ở Quảng Nam cũng được phân chia cụ thể ở các tuyến huyện, bệnh nhân F1 mà có dấu triệu chứng nghi ngờ thì đưa vào khu cách ly Trung tâm Y tế huyện để cách ly riêng. Đối với F1 không có biểu hiện gì thì ở khu cách ly tập trung ở huyện.
Liên quan đến việc mở rộng đối tượng xét nghiệm, Sở Y tế Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các trường hợp tiếp xúc với người mắc COVID – 19 và những người ở vùng có dịch về phải xét nghiệm. Các nhân viên xét nghiệm được huy động tham gia đội phản ứng nhanh hỗ trợ cho các địa phương tập trung và thực hiện kế hoạch tăng cường mở rộng xét nghiệm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam chịu trách nhiệm phân phối môi trường, vật tư để các đơn vị triển khai lấy mẫu, hạn cuối vào ngày 4.8.
“Sắp tới nhân lực y tế sẽ thiếu, chúng tôi dự tính sẽ huy động thêm nhiều tình nguyện viên là các đội ngũ y bác sĩ về hưu hay sinh viên y khoa, cả ngành Y tế của tỉnh và huy động các phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh để bổ sung lực lượng. Nếu ở mức độ triển khai rộng cần thiết thì Quảng Nam sẽ kêu gọi nhân lực từ các tỉnh chưa có dịch để hỗ trợ” – ông Hai nói.