+
Aa
-
like
comment

Đã là sự tự hào thì sao mà phải “giấu”!

29/03/2020 06:22

Không gì “trực quan” và có tính thuyết phục hơn với những người có đam mê khoa học bằng chính những tấm gương dẫn đầu trong ngành, lĩnh vực họ theo đuổi!

Đã là sự tự hào thì sao mà phải “giấu”! - 1

Tin mới nhất về công khai lý lịch khoa học của Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa được đăng tải trên báo cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành thông tư 06/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở ban hành kèm theo Thông tư số 04/2019/TT-BGDĐT ngày 28/3/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Theo đó, các thành viên Hội đồng giáo sư nhà nước/ngành, liên ngành phải công khai đầy đủ lý lịch khoa học của mình.

Danh sách ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước/thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành kèm theo lý lịch khoa học của các ủy viên/thành viên cũng được công bố công khai, cập nhật hàng năm trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Đây là tin vui bởi trước đó, giới khoa học tỏ ra ngạc nhiên lẫn bức xúc với bản dự thảo Thông tư sửa đổi khi bãi bỏ yêu cầu công khai trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước danh sách thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, cùng với bản tóm tắt lý lịch khoa học của mỗi thành viên.

Do vậy, có thể thấy quy định chính thức tại Thông tư 06 vừa ban hành là bước đi đúng đắn, hợp lý của Bộ GD&ĐT, cho thấy sự lắng nghe của cơ quan soạn thảo với những góp ý của cộng đồng. Vấn đề hiện nay chỉ là việc thực hiện quy định này có nghiêm túc trong thực tế hay không mà thôi!

Bởi rằng, theo như quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, các ứng viên GS, PGS phải công khai lý lịch khoa học, từ cơ sở đến cấp ngành và trên cả trang web chính thống của Hội đồng Giáo sư nhà nước để các đồng nghiệp và xã hội phản biện.

Nếu lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước lại không được công bố thì đương nhiên sẽ khiến những người trong cuộc cảm thấy bất hợp lý, thậm chí là… không “tâm phục, khẩuphục”.

Một vị giáo sư của trường đại học đã bày tỏ quan điểm trên Dân trí rằng rất cần công khai hoạt động của Hội đồng và lý lịch khoa học tóm tắt của các thành viên Hội đồng (thầy) bởi hồ sơ ứng viên (trò) đã được công bố theo đúng tinh thần của Quyết định 37. Điều này là để xã hội và cộng đồng khoa học “tâm phục khẩu phục” và cảm thấy “tin tưởng”.

PGS Trần Minh Tiến, Viện Vật lý – Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cũng bày tỏ, trong khi lý lịch khoa học của các ứng viên giáo sư/phó giáo sư phải công khai trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước, mà bản tóm tắt lý lịch khoa học của những người xét duyệt lại không công khai thì thật là một điều khó hiểu. Không khuất tất sao lại phải sợ công khai?” (báo Thanh Niên, 14/01/2020).

Bản thân người viết chỉ đơn giản cho rằng, việc công khai là điều hiển nhiên như… chân lý vậy. Là “thầy” của “thầy” thì tất nhiên các thành viên trong Hội đồng phải có những thành tựu khoa học nổi trội đáng để ai ai cũng ngưỡng mộ.

Điều này cũng là một cách để nêu gương và để những nhà khoa học trẻ học hỏi và có thêm động lực cống hiến. Không gì “trực quan” và có tính thuyết phục hơn với những người có đam mê khoa học bằng chính những tấm gương dẫn đầu trong ngành, lĩnh vực họ theo đuổi!

Hơn nữa, thực tế có rất nhiều người phải cống hiến cả cuộc đời nghiên cứu mới phấn đấu đến được chức danh “giáo sư”. Chính vì vậy, việc đính kèm chức danh giáo sư, phó giáo sư trước tên tuổi mỗi người đều gắn liền với sự tôn vinh của xã hội cùng sự tự hào của cá nhân. Đằng sau đó còn là gánh nặng trách nhiệm để xứng đáng với chức danh đó.

Đã là tự hào lớn lao như vậy, thì cớ sao mà phải giấu?!

Bích Diệp

Bài mới
Đọc nhiều