Đã không hiểu biết thì đừng bày trò xuyên tạc phát biểu của Tổng Bí thư
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu về những sai phạm của một số cán bộ Đảng viên để quyết tâm xử lý nghiêm. Và trang mạng Người Việt chộp lấy câu nói này để dịch ra thành “thừa nhận Đảng viên hở ra là tham nhũng”.
Cụ thể, khi chủ trì Hội nghị Cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu “Phải chủ động tiến công và xử lý nghiêm để hạn chế suy thoái về đạo đức. Những người tự trọng không bao giờ tham nhũng. Thực tế có tình trạng hở ra là ăn chặn, ăn bớt, thậm chí chủ động tạo cơ chế không đúng để ăn cắp của Nhà nước”. Phải nói rằng, người bình thường đọc qua câu này cũng hiểu Tổng Bí thư đang nói đến một số bộ phận Đảng viên thoái hóa biến chất, những hiện tượng cục bộ, những “con sâu làm rầu nồi canh”. Ấy thế mà không hiểu các “nhà báo” của trang Người Việt nghĩ thế nào lại dịch ra ý nghĩa là Tổng Bí thư đang nói tất cả Đảng viên. Và họ nhiệt tình bới móc thêm một vài vụ sai phạm gần đây đã được đem ra xử lý để minh họa.
Lâu nay, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, quy luật phát triển của Đảng, nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Đây là việc làm cấp bách, có ý nghĩa sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đại hội XIII tiếp tục khẳng định.
Vì sao phải tự phê bình và phê bình?
Cũng có ý kiến cho rằng, tiến hành tự phê bình và phê bình là vạch rõ khuyết điểm của Đảng, của Chính phủ, của mình cũng như đồng chí mình, kẻ địch sẽ lợi dụng để phá hoại Đảng. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lập luận: Làm người khó ai tránh khỏi lỗi lầm, thiếu sót. Đảng ta là một tổ chức chính trị tiên phong của giai cấp công nhân, nhưng Đảng cũng từ trong xã hội mà ra, không phải “trên trời rơi xuống” nên không tránh khỏi khuyết điểm, thiếu sót. Người chỉ ra nhiều lý do khách quan, chủ quan dẫn tới nhiều thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí sai lầm của cán bộ, đảng viên. Điều đó là lẽ bình thường, quan trọng là thái độ của những người đảng viên ra sao trước những lỗi lầm mắc phải. Nếu “sợ mất uy tín và thể diện”, không quyết tâm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, đó là điều bất bình thường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Trong cả bài viết của Người Việt và phần bình luận từ những “độc giả” của họ, ý đồ đổ lỗi cho thể chế chính trị Việt Nam về vấn đề tham nhũng được thể hiện rõ rệt, như thể chỉ ở Việt Nam mới có tham nhũng. Trong khi đó, Báo cáo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) – Liên minh châu Âu (EU) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố hôm 15/6/2021 cho thấy, gần 1/2 người dân ở EU nghĩ rằng, tham nhũng trong chính phủ là một vấn đề của đất nước họ. Kết quả này có được từ hơn 4000 người được khảo sát trong toàn khối. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, hơn 33% những người được hỏi cho rằng tham nhũng đang ngày một trầm trọng hơn ở đất nước họ, dù có sự khác biệt lớn giữa các khu vực và gần 50% cho rằng chính phủ đang xử lý không tốt vấn đề này. Trung bình, 29% những người tham gia khảo sát cho biết đã dựa vào mối quen biết của bạn bè và gia đình để tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế công hồi năm 2020 và 6% thừa nhận đã hối lộ để có thể tiếp cận các dịch vụ này.
Từ những số liệu trên cho thấy, tham nhũng là vấn đề chung của toàn thế giới chứ không riêng gì quốc gia hay thể chế chính trị nào. Đây là tệ nạn vốn gắn liền với việc tham lam của những người có chức vụ, có địa vị và nơi nào trên thế giới có chính quyền thì nơi đó tham nhũng sẽ còn phức tạp, như các Báo cáo đã chỉ ra.
Thời gian qua, công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam đã được đẩy mạnh và thu được nhiều thành công đáng khích lệ. Từ năm 2013 đến cuối năm 2020, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ. Trong đó, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Uỷ viên Bộ Chính trị, 7 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…).
“Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. Đây là lời phát biểu mạnh mẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Trang Người Việt muốn xuyên tạc phát biểu của Tổng Bí thư, nhưng họ lại thể hiện một hiểu biết thảm hại về ngôn từ và ngữ nghĩa. Hoặc cũng có thể, vì nôn nóng thực hiện ý đồ xuyên tạc, bội nhọ, chống phá nên họ chỉ cần cái cớ, chứ không cần hiểu.
An Diễm