Đã khởi tố 19 người trong vụ án liên quan đến ông Tất Thành Cang
Trưởng phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu nói về vụ án xảy ra tại doanh nghiệp Nhà nước do Thành ủy TP.HCM quản lý, liên quan đến ông Tất Thành Cang.
Sáng 21/12, tại cuộc họp báo cuối năm của công an TP.HCM, Thượng tá Phạm Văn Thành, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu đã nói về vụ án có liên quan đến ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM.
Thượng tá Thành cho hay: “Vụ án được chúng tôi tiếp nhận điều tra trên cơ sở kết luận thanh tra của TP.HCM và kiến nghị khởi tố. Sau khi tiếp nhận hồ sơ của thanh tra, công an TP.HCM phối hợp chặt chẽ với Viện KSND TP.HCM trong việc đánh giá tài liệu, chứng cứ để xác định vai trò cá nhân liên quan đến sai phạm bán 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim không thông qua đấu giá theo quy định”.
Sau khi xác định rõ sai phạm, vai trò của từng cá nhân trong vụ việc, công an TP.HCM đã thay mặt liên ngành Tư pháp TP báo cáo các cấp thẩm quyền về chủ trương xử lý hình sự các cá nhân.
Công an TP.HCM đã phối hợp cùng Viện KSND cùng cấp lần lượt tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 19 bị can về các hành vi “vi phạm quy định trong việc quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “tham ô” xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Thượng tá Thành công bố danh sách 19 cá nhân bị xử lý hình sự trong vụ án. Những người này là lãnh đạo, cán bộ của Công ty IPC, Sadeco và ở Thành uỷ TP.HCM. Người từng giữ chức vụ cao nhất là ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ.
Ông Thành cho hay, hiện cơ quan công an đang củng cố hồ sơ, sẽ sớm hoàn tất kết luận điều tra, chuyển sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố các bị can theo đúng thời hạn, đúng quy định pháp luật.
“Công an TP.HCM thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không có đặc quyền. Quá trình xử lý cũng hết sức thận trọng, khách quan, trên tinh thần thượng tôn pháp luật” Thượng tá Phạm Văn Thành khẳng định.
Như đã thông tin, Công ty Sadeco có vốn góp của các cổ đông Nhà nước gồm: Công ty IPC, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), Văn phòng Thành ủy TP.HCM và các tổ chức khác. Bên cạnh đó, Sadeco có cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim.
Năm 2015, khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP yêu cầu Công ty IPC đang chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco, không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Nhưng IPC đã “phớt lờ” yêu cầu này của cơ quan chủ quản.
Công ty IPC đã trình UBND TP.HCM phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%. Đáng nói, IPC có nêu: “Văn phòng Thành ủy truyền đạt ý kiến chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.
Nhưng thực tế, Thanh tra TP chỉ ra, cụm từ “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương…” là không chính xác, vì Thông báo 495-TB/VPTU ngày 18/5/2017 chỉ truyền đạt ý kiến của Phó Bí thư thường trực Thành ủy, khi đó là ông Tất Thành Cang.
Với chủ trương chấp thuận của ông Tất Thành Cang, IPC đã tiến hành giảm sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống còn 28% thông qua việc phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim mà không qua đấu giá.
Từ đó, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), trong khi Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là hơn 54% vốn điều lệ.
Theo Thanh tra TP, bản chất vụ này là việc chỉ định đối tác chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp.
Thanh tra TP cho rằng, việc làm này là “trái quy định pháp luật” dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu). Nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”.
Linh An/VNN