Đã đến lúc Việt Nam bớt lệ thuộc hàng hoá vào Trung Quốc!
Với vị trí địa lý liền kề và là một thị trường lớn, sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc đang là e ngại và thách thức lớn dành cho Việt Nam. Từ đại dịch Corona, chúng ta có thể thấy rõ, Việt Nam đang lệ thuộc Trung Quốc quá nhiều.
Có thể nhận định rằng, Trung Quốc hiện là một phần không thể thiếu của bộ máy công nghiệp thế giới. Theo hiệu ứng domino, Trung Quốc mà có “hắt hơi” thì không ít quốc gia “sổ mũi”.
Ngày 12/2 mới đây, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua hai hiệp định mới với Việt Nam, gồm Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Có một sự liên quan không nhỏ khi đặt những cụm từ này cạnh nhau: Covid-19, Trung Quốc, EVFTA, EVIPA, Việt Nam.
Trung Quốc hiện là một phần không thể thiếu của bộ máy công nghiệp thế giới. Không những chiếm khoảng 1/6 sản lượng kinh tế toàn cầu, quốc gia này còn được mệnh danh là “đại công xưởng thế giới”. Vì thế, theo hiệu ứng domino, Trung Quốc mà có “hắt hơi” thì không ít quốc gia “sổ mũi”.
Khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (Covid-19) làm ngưng trệ nền kinh tế “quyền lực” thứ hai thế giới – Trung Quốc, kinh tế Việt Nam – quốc gia láng giềng – cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – tiến sĩ Lê Quốc Phương cũng cho hay kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, thể hiện qua con số nhập siêu không ngừng tăng qua các năm, từ khoảng 200 triệu USD năm 2001 lên đến 28,9 tỷ USD vào năm 2014, tăng 144 lần. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng ngày của các doanh nghiệp, chỉ 20% là hàng tiêu dùng.
Trong bối cảnh trên, các chuyên gia đã bàn tới các giải pháp nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, lường trước khi căng thẳng địa chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và tranh chấp trên Biển Đông có thể xảy ra trong tương lai khiến Trung Quốc áp đặt những hạn chế trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
“Hiện nay, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, nếu Việt Nam không chủ động tìm thị trường mới thì sau khi tình hình xấu đi, kinh tế Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, tiến sĩ Lương Văn Khôi – Trưởng ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia) nhận định.
Chiều 12/2, trong phiên họp Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo mang tính nếu – thì: “Nếu khống chế được dịch trong quý I/2020, tăng trưởng của nước ta dự báo là 6,25%, giảm 0,55% so với chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Nếu dịch được khống chế trong quý II thì mức tăng trưởng dự báo là 5,96%, giảm 0,84% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ”. Nhưng, hiện vẫn chưa có lời đáp cho câu hỏi “nếu không khống chế được dịch thì sao”.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lại có chung đường biên giới dài 1.281km với Việt Nam, nên ta có muốn “khước từ” sự ảnh hưởng cũng không được. Nhưng, làm thế nào để tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau? Trong những năm qua, Việt Nam chưa có những con át chủ bài để tự giải vây mình trong những tình thế “nước sôi lửa bỏng”.
Những con át chủ bài đó, bên cạnh thị trường nội địa, chính là những thị trường mới để Việt Nam có thể gắn kết với chuỗi cung ứng toàn cầu, tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu thay thế dần nguồn cung Trung Quốc, giảm dần sự lệ thuộc Trung Quốc cả đầu vào lẫn đầu ra.
Cơ hội quý giá ấy đã đến. Việc EP chính thức thông qua hai hiệp định mới đã mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa châu Âu – Việt Nam. Theo đó, 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ được xóa bỏ.
Ông Nicolas Audier – Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) – gọi đó là “thời khắc lịch sử”. Chúng ta cũng nên xem đó là cơ hội vàng để giảm dần sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
GS. TSKH. Võ Đại Lược cũng cho biết, việc mở rộng được thị trường xuất khẩu sang châu u có ý nghĩa rất lớn để thương mại Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hiện xuất khẩu Việt Nam đang chịu những tác động rất lớn từ dịch virus corona, cũng chính bởi do còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khi thị trường này ngưng trệ, ngay lập tức nông sản rồi vô số hàng hoá khác của chúng ta lao đao kể cả đầu ra lẫn đầu vào.
Sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã khiến cho nhiều mặt hàng của Việt Nam thường rơi cảnh ùn ứ cửa khẩu. “Giải cứu” là từ quen thuộc đối với thị trường. Để khắc phục tình trạng này, chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng việc đẩy mạnh tìm thị trường mới để giảm bớt phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào là sự cần thiết.
Nhưng, không phải hai hiệp định được thông qua nghĩa là Việt Nam có thể điềm nhiên băng băng đi thẳng vào thị trường EU. Làm sao để thuyết phục được thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng, giàu có nhưng cũng hết sức khó tính như EU?
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von: “Chúng ta phải chống cả hai loại virus, là virus corona và virus trì trệ. Không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh để không hành động, làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước”.
Vắc-xin nào cho sự trì trệ đó, nếu chúng ta không chịu thay đổi chính mình và giã từ thứ “tư duy cây lúa” đang còn bao phủ nền kinh tế này?
Quỳnh Quỳnh