Đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta có thời gian suy ngẫm lại nhiều vấn đề. Việt Nam sau gần 40 năm Đổi mới đã có những thành tựu to lớn trong lĩnh vực kinh tế. Thế nhưng, liệu đã đến lúc tìm một lối đi mới cho mô hình kinh tế Việt Nam, khi mô hình này đã không đủ sức chống chọi với những đòn giáng khó lường như đại dịch COVID-19.
Sau chiến tranh Lạnh, trật tự thế giới đơn cực được thiết lập. Thế nhưng, với xu hướng toàn cầu hóa cùng nhiều biến động phức tạp, trật tự đơn cực với vị trí trung tâm là Hoa Kỳ không còn. Mô hình trật tự đơn cực đã bộc lộ nhiều bất cập, thêm vào đó, Hoa Kỳ ngày càng không còn đủ vị thế, uy tín quốc gia để đảm bảo duy trì hòa bình an ninh thế giới. Thay vào đó là nỗ lực vươn lên của các cường quốc kinh tế mới, hình thành trật tự đa cực mới của thế giới.
Chủ nghĩa dân tộc dâng cao, đặc biệt là ở các cường quốc kinh tế. Bên cạnh việc đóng vai trò là động lực thúc đẩy cho các cường quốc, chủ nghĩa dân tộc vẫn còn ngấm ngầm những hậu quả do sự phớt lờ đi những luật lệ thế giới của các quốc gia này. Viễn cảnh về sự bất ổn, xung đột và tranh chấp giữa các quốc gia, khu vực ngày càng rõ nét.
Xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế ngày càng thu hẹp phạm vi, khu biệt hóa thành các khu vực gồm các quốc gia có chung lợi ích và tiềm năng về kinh tế. Hệ quả là những khu vực thương mại này ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao mới có thể bước vào “sân chơi”, dẫn đến hiện tượng các quốc gia chưa phát triển chỉ có thể đứng ngoài cuộc, chịu nhiều thiệt hại và khó khăn trong việc tiếp cận vào thị trường quốc tế.
Cùng với xu thế khu vực hóa, nổi lên sự cạnh tranh sát sao giữa hai siêu cường kinh tế là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia duy nhất đủ sức viết lại luật chơi thương mại toàn cầu. Bất kỳ một sự chuyển dịch nào trong bộ máy kinh tế của Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ đều có thể gây ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia còn phụ thuộc mạnh mẽ vào giao thương như Việt Nam.
Tuy thế giới đang vận động theo trật tự đa cực với mục tiêu hướng tới là một thế giới đại đồng, cùng phát triển sẽ tác động dội ngược, đem lại hòa bình, thịnh vượng và phát triển cho từng quốc gia thành viên. Nhưng trên thực tế, thế giới đã và đang vận động ngầm theo quyền lợi của các nước lớn, có thể kể đến thế chân vạc với ba trung tâm quyền lực của thế giới là Hoa Kỳ – Trung Quốc – Nga. Đây là một trong những nguyên nhân nòng cốt dẫn đến các bất ổn chính trị, xung đột vũ trang, tranh chấp khu vực, đặc biệt là các điểm nóng vốn nhạy cảm về lịch sử như Trung Đông, Nam Âu, vùng Kavkaz, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương…
Với tình thế đầy biến động, rất nhiều kịch bản có thể xảy ra với trật tự thế giới hiện nay, trong đó có hai kịch bản có thể dự đoán trước. Một kịch bản không hề mong muốn, đó là một cuộc chiến giữa hai siêu cường kinh tế là Hoa Kỳ và Trung Quốc, như những gì lịch sử đã trải qua khi Nhật Bản khơi mào tấn công Trân Châu Cảng (1941). Tuy vậy, xác suất của kịch bản này là rất thấp khi đặt vào thực tế hiện nay, các quốc gia vẫn đang nỗ lực đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Một cuộc chiến tranh diễn ra thì sẽ làm cho nhân dân của các quốc gia phải trả một cái giá đắt. Kịch bản thứ hai cũng dựa trên những gì mà lịch sử đã trải qua, đúng như khi 5 cường quốc Châu Âu (Anh, Pháp, Phổ, Áo, Nga) đã từng cùng nhau ngồi lại chia ảnh hưởng sau cuộc chiến chống lại Napoleon mà lịch sử gọi đó là “Buổi hòa nhạc Châu Âu”. Với kịch bản này, rất có thể các cường quốc kinh tế – chính trị hiện nay sẽ cùng nhau gia tăng vị thế để có thể có được một ghế trong “Buổi hòa nhạc thế kỷ 21” và cùng nhau thiết lập một nền hòa bình “tương đối” ổn định của thế giới.
Sự ra đời của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đánh dấu thành công đầu tiên trong công cuộc toàn cầu hóa thế giới, hướng đến mục tiêu giảm tối đa hàng rào thuế quan và ngạch thương mại, xóa bỏ ranh giới kinh tế, tự do lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, cũng phải kể đến những nỗ lực bị thất bại trước đó, khi Thượng viên Hoa Kỳ từ chối việc thành lập Tổ chức thương mại quốc tế (ITO), đây được xem là gáo nước lạnh đầu tiên dội vào tham vọng xây dựng một thế giới toàn cầu hóa. Tiếp sau đó, thất bại của vòng đàm phán Doha tiếp tục dập tắt tham vọng này, đánh dấu sự thất bại trong tầm nhìn của WTO.
WTO đang bộc lộ nhiều thiếu sót trong bối cảnh phức tạp nhiều biến đổi hiện nay. Nếu như trước đây việc phân loại giữa một bên là các nước phát triển và một bên là phần còn lại đã tạo sự phát triển công bằng và ổn định, thì giờ đây nhiều quốc gia đang lạm dụng danh nghĩa các nước kém và đang phát triển để tận dụng tối đa những ưu đãi. Tiếp đó, chức năng đàm phán của WTO đang bắt đầu khủng hoảng. Trật tự thế giới thay đổi khó lường, kéo theo đó là xu thế thiết lập các quốc gia, nhóm quốc gia với các khu vực thương mại tự do riêng biệt, dần phủ định những quy định cố hữu từ WTO. Kéo theo đó, chức năng giải quyết, dung hòa các tranh chấp thương mại cũng dần đi vào thoái trào. Đơn cử là khi Tổng thống Trump nhiều lần cảnh báo sẽ rút khỏi WTO nếu tổ chức này không cải tổ. Donald Trump đã quyết định không bổ nhiệm Thẩm phán Hoa Kỳ vào Cơ quan phúc thẩm của WTO, dẫn đến WTO không có một cơ quan làm trung gian giải quyết, điều hòa tranh chấp. Ông Trump còn có động thái quyết liệt dùng “luật chơi” của Hoa Kỳ đến cùng khi phát đi thông báo thu hẹp danh sách các quốc gia kém phát triển và đang phát triển. Như vậy, thương mại toàn cầu sẽ có thể rơi vào luật lệ “cá lớn nuốt cá bé”. Một ngày không xa, nếu như WTO không có sự đổi mới, họ mất đi tiếng nói của mình, còn mỗi quốc gia thì luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích quốc tế.
Việt Nam là một trong số những quốc gia mà Hoa Kỳ loại khỏi danh sách các nước đang phát triển. Hậu quả nhãn tiền là chúng ta sẽ phải chấp nhận vị thế là nước phát triển và chịu nhiều nhượng bộ khi muốn tiếp cận thị trường.
Đại dịch COVID-19 đã trở thành một phép thử hữu dụng với mô hình kinh tế của Việt Nam. Giãn cách kéo dài khiến GDP của Việt Nam giảm 6,17% trong quý 3 năm 2021, tính chung trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng GDP chỉ 1,42%, trong đó ngành Dịch vụ -0.69%. Diễn biến này khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 3%, từ mức 5% trước đó. Điều đó cho thấy, bất kỳ một ảnh hưởng xấu nào từ thế giới sẽ có tác dụng dội ngược trực tiếp với một nền kinh tế áp dụng “mô hình Đông Á” như Việt Nam. “Mô hình Đông Á” từng được áp dụng rất thành công ở những nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hong Kong… Mô hình này có chủ trương là Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp can thiệp để thúc đẩy kinh tế ở một vài lĩnh vực nhất định để kích thích tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, nó có đặc điểm chính là sự kiểm soát tài chính của Nhà nước và sự hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành trọng điểm, lấy xuất khẩu làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhưng tới thời điểm này, mô hình Đông Á với đặc điểm lấy xuất khẩu làm nòng cốt đã bộc lộ nhiều khuyết điểm. Về bản chất, mô hình kinh tế Việt Nam hiện nay theo đuổi xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) làm động lực phát triển kinh tế. Vì vậy, khi bất cứ vốn đầu tư nước ngoài nào gặp trục trặc thì Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Có thể kể đến trường hợp Samsung bị lỗi sản phẩm Note 7 vào năm 2017. FDI tuy có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thế nhưng giá trị mà Việt Nam nhận được trong chuỗi cung ứng lại không cao. Xuất phát từ việc Việt Nam chỉ nhận nhiệm vụ gia công, lắp ráp… còn những giá trị cao nhất của sản phẩm là công nghệ, bản quyền thì Việt Nam vẫn chưa tự chủ mạnh mẽ. Điều đó kéo theo một hệ lụy là hiện tượng “chảy máu chất xám”. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam không có điều kiện phát triển óc sáng tạo trong bối cảnh nền kinh tế tri thức đang phát triển như hiện nay. Một điều đáng lưu ý thêm, hiện nay, Việt Nam đang sắp sửa bước qua giai đoạn dân số vàng, điều này cũng gây ra các áp lực về vấn đề an sinh xã hội cho nền kinh tế trong tương lai.
Bên cạnh những khuyết điểm lộ rõ ngay trong mô hình kinh tế Việt Nam, các yếu tố thế giới dội ngược cũng góp phần bộc lộ mặt hạn chế của mô hình kinh tế này. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai siêu cường đang đối đầu với nhau trên thương trường thế giới, “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết” là điều không thể tránh khỏi. Trước sức ép từ Hoa Kỳ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra hướng cải cách kinh tế theo mô thức “tuần hoàn kép”, đẩy mạnh mức tiêu thụ nội địa để cân bằng với mức xuất khẩu. Điều này gây khó khăn cho các nước muốn tiếp cận vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân này, đặc biệt là các quốc gia lân cận như Việt Nam. Với Hoa Kỳ, từ khi Tổng thống Trump cầm quyền, với quan điểm “Hoa Kỳ trên hết” đã ngày càng khiến xu thế “khu vực hóa” ngày càng rõ nét. Biểu hiện trong việc khép kín chuỗi cung ứng sản phẩm trong từng khu vực. Không những vậy, Hoa Kỳ còn ràng buộc các quan hệ thương mại với các lợi ích chính trị, an ninh, tạo thách thức lớn cho các quốc gia muốn tiếp cận, ký kết các thỏa thuận và xâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ.
Tình hình trên đã khiến các quốc gia áp dụng mô hình Đông Á như Việt Nam cần phải nhìn nhận lại công tác hoạch định kinh tế trong tương lai gần. Để thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh này cần khẩn thiết chuyển đổi mô hình kinh tế, chuyển từ vị thế là người sản xuất để trở thành người tiêu thụ cuối cùng. Các nước Châu Á cần thiết lập một thị trường riêng và tự chủ kinh tế, thay vì mãi trông chờ và phụ thuộc vào thị trường của các nước phát triển. Điều này cũng đặt ra một thách thức lớn với một quốc gia có mức tiêu thụ nội địa thấp như Việt Nam. Đòi hỏi phải có sự sáng tạo đột phá và năng động hơn đến từ các hệ thống doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân.
Không thể phủ nhận những thành tựu mà mô hình Đông Á đã đem lại cho Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới đến nay, thế nhưng có lẽ mô hình này đã thực hiện xong vai trò lịch sử đối với nền kinh tế Việt Nam. Bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp không ngừng đòi hỏi Việt Nam cần sớm hoạch định ngay một mô hình kinh tế mang tính thực tiễn áp dụng và hiệu quả cho tương lai. Và cần tỉnh táo ý thức rằng, một mô hình kinh tế không có giá trị phổ quát áp dụng cho mọi quốc gia.
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có nhiều điểm tương đồng về xuất phát điểm hệ thống chính trị và đặc biệt là áp dụng mô hình phát triển kinh tế. Thế nhưng, Trung Quốc đã sớm nhận ra sự lỗi thời của mô hình cũ và nghiên cứu, thử nghiệm nhiều mô hình mới cho riêng mình, trong đó nổi bật là mô hình Chiết Giang. Có thể mượn mô hình Chiết Giang để làm hình mẫu cho Việt Nam đề ra phương hướng phát triển kinh tế vì nhiều lí do. Mô hình Chiết Giang với hai đặc điểm chính là vai trò quan trọng của chính quyền địa phương và sự năng động sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân. Sự kết hợp này như “một mũi tên trúng hai đích”, vừa tạo sự chủ động cho khu vực kinh tế tư nhân, vừa được chính quyền địa phương đảm bảo an toàn nếu xảy ra khủng hoảng.
Nhìn vào thực tế Việt Nam, một thực tế cần nhìn nhận là khu vực kinh tế nhà nước chưa đủ sáng tạo và năng động như khu vực kinh tế tư nhân để đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp thế giới trong cuộc Cách mạng 4.0. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực “ăn nên làm ra” nhất nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi không đảm bảo được sự ổn định của các nguồn vốn đầu tư khi tình hình thế giới xảy ra nhiều biến động, xung đột như bây giờ.
Đại dịch COVID-19 cũng là một tiếng chuông báo hiệu cho những bất cập của ngành dịch vụ nói riêng và các ngành kinh tế khác nói chung, báo hiệu cần một sự thay đổi để nâng cao mức tiêu thụ nội địa. Lí giải cho vấn đề này cần đề cập đến khoảng cách giàu nghèo đang được nới rộng bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường. Do đó, cần tái phân phối lại thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân, như đánh thuế thu nhập cho người có thu nhập cao, hỗ trợ an sinh xã hội cho người nghèo. Tiếp theo, cần cân nhắc việc nâng cao mức lương cơ sở để nâng cao mức sống, mức chi tiêu của người dân để kích thích tiêu thụ nội địa. Nhưng cần thực hiện điều này trong chừng mực để tránh việc mất đi lợi thế nhân công rẻ trong việc thu hút FDI.
Bên cạnh thách thức, đại dịch còn vạch ra một hướng đi mới cho mô hình kinh tế Việt Nam, đó chính là thúc đẩy ngành thương mại điện tử – một lĩnh vực bùng nổ không ngờ tới. Do tính chất lây nhiễm cao của virus COVID-19 và tính tiện lợi từ việc giao – đặt hàng online, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh. Ngoài ra còn có một nhân tố đáng lưu, đó là “thế hệ Z” – thế hệ được sinh ra sau khi internet trở nên phổ biến rộng rãi, được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ – đang dần trở thành lực lượng dân số chính hiện nay. Vì vậy, ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu, mua sắm là xu hướng tất yếu của những người tiêu dùng trẻ hiện đại. Trong giai đoạn 5 -10 năm tới, thế hệ Z sẽ thay thế toàn bộ lực lượng lao động toàn cầu. Theo đó, kinh doanh thương mại điện tử không chỉ đáp ứng thay đổi nhu cầu hiện tại mà còn đón đầu xu thế tiêu dùng tương lai.
Tóm lại, mô hình kinh tế mới của Việt Nam cần định hướng tạo được sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để có đủ sức phát huy nội lực của mỗi thành phần, từ đó cộng hưởng tạo nên sức mạnh dân tộc mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn cần phải khuyến khích, ủng hộ hơn nữa khu vực doanh nghiệp tư nhân với ưu thế vượt trội về sự năng động và sáng tạo trước những biến động của thế giới. Cấp thiết nhất, cần thúc đẩy tiêu thụ nội địa, khuyến khích người dân giảm tiết kiệm, tăng tiêu dùng, phát triển các ngành dịch vụ như giáo dục, công nghệ thông tin, vận chuyển, du lịch… Và để đón đầu xu thế chung, cần quan tâm, nghiên cứu nhiều hơn đến đặc điểm của lực lượng lao động và đối tượng tiêu thụ của Việt Nam trong tương lai. Như vậy có thể đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững cho nền kinh tế.
Thời cơ luôn đi đôi với thách thức, với lợi thế về vị trí địa lý, nền chính trị ổn định, sự tin tưởng của người dân…, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Điều quan trọng là Việt Nam cần có tư duy mới, hướng đi mới, mô hình mới tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế – xã hội đất nước.
Thực hiện: Trí Mẫn
Đồ họa: M.N