+
Aa
-
like
comment

Đã đến lúc những mâu thuẫn đất đai cần được chấm dứt!

Công Luân - 15/11/2022 13:57

Có một thực tế đáng buồn là người dân phải lén lút tìm kế sinh nhai trên chính mảnh đất vốn dĩ của thuộc sở hữu của họ. Nghe có vẻ vô lý nhưng cứ đến các dự án treo, những dự án bỏ hoang thì sẽ thấy rõ điều đó.

Một phụ nữ lam lũ hàng ngày chui qua rào tôn của dự án bỏ hoang từ lâu ở Long Biên để…trồng rau kiếm sống!

Điều đáng nói là chỉ 7 địa phương, đã có 1.700 dự án treo, 12.000ha đất hoang. Toàn quốc, có tới 743 triệu m2 đất bỏ hoang. Một thực trạng nhức nhối, báo động đỏ về sự lãng phí tài nguyên đất đai trong khi đó người dân mất nguyên liệu sản xuất và sống mòn trong những khu nhà tạm bợ. Có ai không ngán ngẩm, không phẫn uất khi nhìn đất đai của mình bị bỏ không trong khi trước đó để lấy đất hàng loạt những dự án có cánh giúp đời sống người dân ổn định được vẽ ra.

Đất đai, nhà cửa là tài sản rất lớn của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình. Họ phải vất vả, mồ hôi nước mắt bao nhiêu năm trời mới mua được. Và với tính cách chắt chiu dành dụm của người Việt thì việc sở hữu miếng đất không chỉ dừng lại ở tài sản mà còn là một phương thức tích lũy chuẩn bị cho con cháu. Thế nhưng, với khung giá bồi thường cho đất nông nghiệp hiện nay khoảng 200-300 triệu/1.000m2 như hiện nay khiến người dân rất thua thiệt. Vì hầu như các dự án đô thị thương mại đều được huy động một diện tích lớn về đất nông nghiệp. Và sau khi thu hồi đất, với 1.000m2 đó nhà đầu tư có thể xây được 5 căn hộ liền kề với giá mỗi căn tối thiểu khoảng 1 tỷ đồng/căn (lấy giá rất bình dân). Nhưng theo mức sống người lao động hiện nay thì có bao nhiêu người có thể tích góp được một tỷ để mua nhà đây?

Từ đó mới thấy rõ vấn đề là, thu hồi của người dân với giá thấp, chuyển thành dự án rồi bán lại với giá cao, người dân mất đi tài sản quý giá trong khi người nghèo lại không thể tiếp cận nhà ở thương mại giá rẻ. Nghịch lý hiện nay là đất rộng nhưng nhà nước không thể tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có thể tiếp cận với nhà ở giá rẻ mà để rơi và tay các nhà đầu tư, đầu cơ để nâng giá khống. Và chính người nông dân phải đi ở thuê trên mảnh đất của mình.

Phân lô bán nền đất nông nghiệp tràn lan

Luật Đất Đai quá cũ cũng là một nguyên nhân khiến người người nhà nhà đi buôn bất động sản. Một vốn cả mấy trăm lời thì thử hỏi ai không ham. Chính vì thế mới tạo nên những cơn sốt đất không thể tưởng tượng được, tạo ra những bong bóng bất động sản gây áp lực rất lớn cho nền kinh tế. Tạo ra những giá trị thặng dư không bền vững gây đứt gãy nền kinh tế. Và tạo ra những những kẻ mang danh doanh nhân nhưng lại dùng mọi thủ đoạn để vơ vét, móc túi tiền của dân bằng trái phiếu doanh nghiệp. Vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát là một ví dụ điển hình.

Sự bức xúc bị dồn nén tạo thành một cơn giận dữ trong lòng dư luận. Mâu thuẫn đất đai cứ âm ỉ cháy sẽ có ngày đốt cháy rụi những thành quả về cơ sở hạ tầng và kinh tế. Chẳng có sự phát triển nào bền vững mà bắt đầu từ mâu thuẫn cả. Và thực tế đang chứng minh, trong 5 năm qua, đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát sinh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và việc thực hiện thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án chiếm trên 69,5%.

Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt nếu bị thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế, phục vụ lợi ích cộng đồng, nhà nước. Nhưng người dân sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người.

Chính vì thế đề nghị từ các vị đại biểu quốc hội về việc để doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận việc giao dịch đất đai cho các dự án thương mại được dư luận vô cùng đồng tình và hưởng ứng. Nói chung cần phải có những quy định làm sao để chính người dân cảm thấy họ được tự do quyết định tài sản của chính mình.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều