Đã đến lúc nhân viên hàng không buôn hàng lậu nên bị cấm bay vĩnh viễn!
Câu chuyện chưa có tiền lệ về 4 cô tiếp viên hàng không xách hàng nóng từ Pháp về Việt Nam khiến những góc tối được phơi bày ra ánh sáng. Những thứ mà cứ ngầm gật đầu biết mới nhau nhưng không giải quyết được nay đến lúc phải mạnh mẽ cắt gọt dù đau đớn.
Dù 4 cô tiếp viên hàng không được trả tự do nhưng cũng không thể bào chữa được việc họ đã mang hộ hàng hóa trái với quy định của hãng bay. Bởi trước giờ bay của tất cả chuyến quốc tế, tiếp viên đều bắt buộc ký cam kết, quy định không được phép mang hộ, cầm giúp bất cứ thứ gì. Thế nên những hộp kem đánh răng ấy nói thẳng ra là hàng nhập lậu được gọi dưới cái tên mĩ miều là “hàng xách tay”.
Cho đến thời điểm hiện tại khái niệm “hàng xách tay” chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật, nhưng được hiểu thông thường là các mặt hàng đem trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không. Và tất nhiên không phải mọi hàng hóa xách tay đều bất hợp pháp. Tuy nhiên, mặt hàng này nếu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan sẽ bị coi là hàng nhập lậu theo Khoản 7, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP.
Để đối phó với tình trạng này, Nghị định 98 có hiệu lực từ tháng 10/2020 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm đã tăng mức phạt lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với các tổ chức kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tuy nhiên, sau hai năm áp dụng, giới kinh doanh hàng xách tay dường như đã “nhờn luật” do chế tài quá yếu. Cục Quản lý thị trường từng không ít lần thừa nhận “khó kiểm soát” hoạt động kinh doanh hàng xách tay.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tình trạng người về từ nước ngoài mang theo hàng hóa trái quy định vẫn thường xuyên xuất hiện và bị các lực lượng phòng chống buôn lậu ở sân bay phát hiện, xử lý. Trong số các vụ việc được ghi nhận, không thiếu những trường hợp người vi phạm chính là nhân viên hàng không. Họ là phi công, tiếp viên, nhân viên phục vụ mặt đất… Đây là nhóm đối tượng có nhận thức đầy đủ về quy định vận chuyển hàng hóa tại sân bay, nhưng đồng thời cũng dễ bị “mua chuộc” do đặc thù công việc cho họ cơ hội tiếp xúc với nguồn hàng từ nước ngoài. Và rất nhiều người còn nói rằng đây mới chính là nguồn thu nhập của những người hoạt động trong hàng không! Cũng không hẳn là oan bởi thực tế đã xảy ra không ít vụ việc xách lậu hàng hóa bị kiểm tra phát hiện từ chính nhóm người này.
Nhưng tin chắc rằng việc xử phạt ấy cũng chỉ như hạt cát trên xa mạc bởi hàng chục năm nay, thị trường hàng xách tay đã hình thành những địa bàn quy mô lớn nằm ở phố Nguyễn Sơn – còn gọi là “phố hàng không” – ở quận Long Biên, Hà Nội, và tại đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP.HCM.
Trong bối cảnh niềm tin bị lung lay thì Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký quyết định lập tổ công tác liên ngành để chống buôn lậu qua đường hàng không. Đây là một động thái rất kịp thời để xử lý những tảng băng chìm bấy lâu nay vẫn hoạt động ngầm dưới mặt nước yên ả.
Bởi hoạt động lưu thông, kinh doanh hàng lậu qua con đường xách tay ở Việt Nam, gây thiệt đơn, thiệt kép cho nền kinh tế. Nhà nước có thể thất thu lớn về thuế, các doanh nghiệp thiệt hại vì sản phẩm khó cạnh tranh với hàng trốn thuế. Tuy nhiên, mối nguy sẽ không chỉ dừng ở đó. Mà vấn đề rất lớn đó là an ninh quốc gia và vị thế đất nước. Chính vì thế, hy vọng khi tổ công tác vào cuộc sẽ có những chính sách cứng rắn hơn như việc cấm bay vĩnh viễn đối với những người hoạt động trong ngành hành không nếu buôn lậu!
Công Luân