Đã đến lúc ngân hàng cho vay phải “chọn mặt gửi vàng”
Công điện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với nội dung cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế như một cơn gió mát xua đi bầu không khí ngột ngạt vì nỗi lo thiếu vốn của hàng ngàn doanh nghiệp trên cả nước.
Nhìn ra thế giới lúc này, chúng ta dễ dàng nhận thấy tình trạng khủng hoảng kinh tế đang càng lúc càng rõ nét. Hàng loạt các cuộc biểu tình ở nhiều nước xưa nay vốn được cho là giàu có, chính sách an sinh tốt, nền kinh tế phát triển cao đang chứng minh một điều: “Không thể để cho mọi chuyện rơi vào tình trạng mất kiểm soát vì phản ứng chậm chạp của chính phủ.”
Thật vậy, những gì đang diễn ra ở Việt Nam minh chứng cho điều đó. Sở dĩ nền kinh tế của chúng ta, dù không tránh khỏi các tác động tiêu cực của thị trường thế giới, vẫn giữ được ổn định, là nhờ chính sách kiểm soát vĩ mô của Chính phủ khá đồng bộ, hiệu quả và chủ động.
Có thể liệt kê một vài chính sách hợp lý của Chính phủ hiệu quả thời gian qua như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động…
Đặc biệt, quan trọng nhất vẫn là chính sách siết chặt room tín dụng. Chính sách này, cùng sự cứng rắn giữ quan điểm của Thống đốc NHNN, đã góp phần kìm hãm lạm phát của Việt Nam dưới 4%.
Suốt 3 quý và 2 tháng của quý 4 năm 2022, giá xăng dầu thế giới tăng phi mã đã kéo theo chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng đến 6%, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 10,86% – cao nhất trong vòng 10 năm qua. Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp cũng đã tăng đến 4,71%, khiến doanh nghiệp luôn phải chịu sức ép rất lớn về chi phí sản xuất.
Do đó, không quá ngạc nhiên khi ngay trong Công điện 1156/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc NHNN đôn đốc các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Bơm vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là yêu cầu khẩn thiết, vì sức chịu đựng của nhóm đối tượng tín dụng này hiện đã đến ngưỡng, và họ chính là bộ mặt của nền kinh tế đất nước. Nếu ngành ngân hàng làm không tốt các yêu cầu trong Công điện, thì nhiều doanh nghiệp sẽ không cầm cự nỗi, mà phải đóng cửa dừng sản xuất kinh doanh, sa thải hàng loạt người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng an sinh xã hội.
Vốn có hạn, nhưng nhu cầu vay của doanh nghiệp, người làm kinh doanh thì quá nhiều. Dẫn đến yêu cầu trước khi hỗ trợ lãi suất, cần phải xác định rõ nên tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên nào. Sẽ hoàn toàn hợp lý nếu đó là các ngành giữ vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước, tạo công ăn việc làm ổn định, lâu dài cho lực lượng lao động, như: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tình hình kinh tế không thuận lợi, dòng tiền cho vay nhất thiết phải vào đúng các kênh phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Khác với giai đoạn trước, quyền lợi của ngân hàng thương mại đôi khi không cùng chiều với lợi ích vĩ mô của xã hội, giai đoạn này, NHNN sẽ phải điều phối thật tốt, để nguồn vốn đến đúng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, sử dụng vốn đúng mục đích, đem lại lợi ích về nhiều mặt cho kinh tế xã hội.
Hy vọng, với những nỗ lực không mệt mỏi từ Chính phủ, người dân Việt Nam sẽ đồng lòng sát cánh vượt khó, kiến thiết năm mới 2023 tươi sáng, thịnh vượng.
Phạm Khoa