Đã đến lúc nâng mức giảm trừ gia cảnh và giảm thuế thu nhập cá nhân
Có lẽ, đã đến lúc các cơ quan chức năng nên xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân hoặc chí ít cũng phải tăng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân và người phụ thuộc.
Đại dịch Covid-19 kéo dài trong thời gian qua đã khiến cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị đình trệ. Hậu quả chính là hàng loạt doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi không kể hoạt động kinh doanh đúng như chiến lược đã đề ra. Hậu quả phái sinh kéo theo là người lao động bị giảm lương, bị nghỉ làm không lương hoặc thậm chí là mất việc làm đối với những ngành nghề bị ảnh hưởng trầm trọng.
Không nên bỏ qua những người bị giảm thu nhập
Gần đây, Nhà nước đã có động thái hỗ trợ miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng chính sách hỗ trợ cho người lao động có nguồn thu nhập bị suy giảm thì vẫn chưa thấy Bộ, ngành lên tiếng. Một trong những lý do mà Nhà nước chưa bàn đến việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân là vì Luật thuế thu nhập cá nhân không thuộc phạm vi của chương trình xây dựng pháp luật trong năm 2020.
Đây là một bất cập của việc lập pháp khi mà luật cần phải chỉnh sửa để đáp ứng những biến động của thời cuộc thì quá trình chỉnh sửa, ban hành lại phải tuân theo một quy trình cồng kềnh và phức tạp với thời gian kéo dài một cách vô lý. Do đó, có thể nói rằng pháp luật luôn chạy phía sau thực tiễn.
Hiện tại, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm hưởng 1 triệu đồng/người/tháng.
Hạn mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế đang quá thấp
Theo một đề xuất gần đây của Bộ Tài chính thì hạn mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng những cá nhân sống ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM với mức thu nhập 11 triệu đồng mỗi tháng để lo cho bản thân mình còn rất khó khăn.
Trên thực tế, với sự tăng lên của chi phí giá cả hàng hóa và dịch vụ hiện nay, cộng thêm với sự khó khăn mà đại dịch Covid-19 mang lại thì mức thu nhập 14 triệu đến 15 triệu đồng mỗi tháng đối với một người mới gọi là tạm ổn.
Đặc biệt, khi nhiều dịch vụ công đang dần chuyển sang cơ chế giá và xã hội hóa, ví dụ như một số phí và lệ phí sẽ chuyển sang cơ chế giá dịch vụ… thì chi phí chi tiêu hàng ngày của người dân sẽ còn tăng cao.
Và đặc biệt là khi người dân còn phải trang trải cho cuộc sống gia đình, con cái học hành, dự phòng lúc ốm đau, bệnh tật hay những trường hợp bất khả kháng khác cần khắc phục bằng khả năng tài chính của họ.
Mức 11 triệu đồng mới chỉ đáp ứng được mức sống tối thiểu, nhưng khi thu nhập của người dân vừa vượt qua mức 11 triệu đồng liền phải chịu thuế. Rõ ràng, mức khấu trừ 11 triệu đồng mỗi tháng chủ yếu để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Vậy nên các cơ quan chức năng cần phải tính toán và cân nhắc lại, để nguời dân có cơ hội cải thiện cuộc sống của họ tốt hơn, đặc biệt là khi dịch Covid-19 vẫn chưa được đẩy lùi hoàn toàn. Thiết nghĩ, các nhà làm luật cần nâng mức khấu trừ cao hơn 11 triệu đồng.
Như vậy sẽ giúp cho người dân không còn phải lúng túng trước các vấn đề cơm áo gạo tiền trong cuộc sống cũng như để họ an tâm hơn trong gia tăng sản xuất, phát triển nền kinh tế nước nhà sau khi việc cách ly toàn xã hội mới được nới lỏng.
Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng chưa hợp lý
Ở góc nhìn khác, ngay cả mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc được khuyến nghị là 4.400.000 đồng/tháng cũng chưa thật hợp lý. Mức giảm trừ này thấp hơn cả lương tối thiểu vùng quy định của các thành phố lớn (vùng I) như TPHCM, Hà Nội từ đầu năm 2020 là 4.420.000 đồng/tháng.
Nếu so với mức giảm trừ cũ là 3.600.000 đồng thì mức giảm trừ mới chỉ tăng thêm 800.000 đồng, một mức tăng quá nhẹ so với nhu cầu của người dân. Thực tế, chi tiêu hàng ngày về các nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở hoặc sinh hoạt phí của người phụ thuộc không hề nhỏ hơn người nộp thuế.
Hiện nay, các nước cũng đã có động thái để hỗ trợ người dân về việc đóng thuế thu nhập cá nhân. Chẳng hạn ở Mỹ (bang New Jersey), chính quyền đã ban hành “The COVID-19 Fiscal Mitigation Act” (Tạm dịch: Đạo luật giảm thiểu gánh nặng tài chính) để kéo dài ngày nộp thuế thu nhập cá nhân đến 15-7-2020; tiền phạt chậm nộp sẽ không được áp dụng đối với số dư thuế chưa nộp trước 15-7-2020.
Hoặc ở Malaysia, họ cung cấp mức giảm thuế đặc biệt một lần trị giá 15.000 ringit (khoảng 82 triệu đồng) hoặc giảm thuế 1.500 ringit (8,2 triệu đồng) cho người nộp thuế thu nhập cá nhân trong khung thu nhập thấp và trung bình.
Như vậy, Việt Nam cũng nên có động thái nhanh chóng về việc giảm thuế thu nhập cá nhân hoặc tăng mức giảm trừ gia cảnh để người lao động có thu nhập bị suy giảm do dịch Covid-19 có thể được hỗ trợ kịp thời.
(Theo TBKTSG Online)