+
Aa
-
like
comment

Đã đến lúc cho F0 đi làm và xem Covid-19 là bệnh đặc hữu?

15/03/2022 15:58

Trước tình trang thiếu hụt nguồn lao động do số ca mắc Covid-19 tăng cao, các trường hợp F0, F1 phải cách ly ở nhà, điều này đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Phải chăng đã đến lúc thích ứng linh hoạt, cho F0 đi làm và xem Covid-19 là bệnh đặc hữu? 

Cho phép F0, F1 đi làm là chủ trương phù hợp

Trước tình trạng một bộ phận lao động phải nghỉ việc để cách ly y tế, gây ra thiếu hụt lao động tạm thời mà Chính phủ đã nêu trong phiên họp thường kỳ tháng 2.

Mới đây, Bộ Y tế đề xuất xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, còn F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp…

Hiện nay tại một số địa phương, F1 vẫn phải nghỉ làm 5 ngày và chỉ đi làm khi có xét nghiệm âm tính. Đồng tình với phương án người F1 đi làm bình thường, nhiều doanh nghiệp cho biết đề xuất từ Bộ Y tế sẽ tạo sự đồng nhất ở các địa phương bởi các áp lực về thiếu hụt nhân sự.

Những điều chỉnh linh hoạt sẽ tạo điều kiện duy trì ổn định hoạt động sản xuất, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Trong đó Long An là tỉnh đầu tiên mạnh dạn cho F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tiếp tục làm việc trên tinh thần tự nguyện.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, nếu không bổ sung kịp thời sẽ không thể hoàn thành các hợp đồng giao hàng cho đối tác đúng thời gian quy định…

Những điều chỉnh linh hoạt của Long An sẽ tạo điều kiện duy trì ổn định hoạt động sản xuất, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch./.

Còn tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM với các địa phương ngày 9/3, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, với F0 không có triệu chứng, không có vấn đề về sức khỏe và tự nguyện thì duy trì làm việc phù hợp. Nhiều cơ quan hiện có có 30 – 50 F0 mà cách ly 7 – 14 ngày thì rất bị động trong công việc. Vì thế cần tính toán để đảm bảo hoạt động các cơ quan, doanh nghiệp.

Về đề xuất này , Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học – Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, cho phép các F0, F1 đi làm trong những điều kiện đặc biệt là chủ trương phù hợp. Các công ty, cơ sở sản xuất phải lên kế hoạch vì dịch bệnh sẽ không hoàn toàn biến mất trong một thời gian dài.

Là DN sản xuất trong ngành giày da có lượng công nhân lên đến hơn 4.000 người, hiện Công ty TNHH Long Rich Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức) đã sản xuất ổn định thời gian qua. Với số lượng công nhân từng nhiễm COVID-19 tương đối lớn từ năm ngoái đến nay và số lượng người tiêm vắc xin mũi 3 cũng đạt gần 100%, phía DN này nhận định hiện đã đạt được “miễn dịch cộng đồng” bên trong các nhà xưởng khi nhiều công nhân đã mắc, hồi phục và quay trở lại làm việc bình thường.

Việt Nam đã tiêm hơn 200 triệu liều vaccien Covid- 19 cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Thùy Vân – chủ tịch công đoàn công ty – cho biết thời gian qua không còn tình trạng các công nhân mắc COVID-19 có triệu chứng nặng phải nghỉ làm. Thực tế cho thấy dù công nhân không khai báo chính thức, hiện có một số trường hợp công nhân mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng vẫn “âm thầm” đến nhà máy làm việc và năng suất công việc vẫn đảm bảo.

Theo bà Vân, hiện việc theo dõi những người mắc COVID-19 chủ yếu nằm ở sự chủ động khai báo của người lao động, còn ở góc độ DN rất khó để kiểm soát mỗi ngày khi nhiều người ít có triệu chứng rõ ràng và công nhân cũng cảm thấy đủ sức khỏe để sản xuất.

Do đó, bà Vân cho rằng với những người mắc COVID-19 hoặc những người tiếp xúc gần nếu sức khỏe đảm bảo, mong muốn đi làm thì cần tạo điều kiện để họ tham gia sản xuất.

Tương tự, ông Lê Mai Hữu Lâm – tổng giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi – cho biết xuất phát từ thực tiễn của DN, phía công ty này đang “thí điểm” để nhân viên khối hành chính nếu mắc COVID-19 có nguyện vọng sẽ được đến công ty làm việc, bố trí khu vực riêng và giữ khoảng cách với đồng nghiệp. Nếu có triệu chứng nặng, người lao động có thể làm việc online song trên thực tế hiện không có người có triệu chứng nặng.

Theo ông Lâm, với biến chủng mới và tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 3 cao, việc người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, hiện các DN cũng xem COVID-19 như bệnh cảm cúm thông thường nên các đề xuất cho F0 nếu tự nguyện vẫn được đi làm là hợp lý.

Thiếu hụt lao động do F0 tăng đột biến trong nhà máy, xí nghiệp.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt – tổng giám đốc Việt Thắng Jean – cho hay thực trạng các DN sản xuất hiện nay chỉ ra nếu DN không xét nghiệm, khó xác định một công nhân hiện đang mắc COVID-19 hay không bởi nhiều người không có hoặc triệu chứng nhẹ, bản thân công nhân cũng không biết mình mắc. Vừa qua, có một số công nhân mắc COVID-19, khi xét nghiệm thêm những người khác mới biết các công nhân này “hai vạch” dù họ vẫn sản xuất bình thường. Trong đó, những công nhân mắc bệnh cũng rất sớm bình phục, nhiều người âm tính trở lại sau vài ngày.

Do đó, ông Việt cho rằng việc đề xuất cho F0, F1 đi làm phù hợp với thực tế, thể hiện sự thích ứng linh hoạt và cũng giúp các DN đảm bảo nhân công sản xuất.

Còn ông Nguyễn Đặng Hiến – tổng giám đốc Bidrico – cho hay trước đây DN này vẫn cho các F1 được nghỉ ngơi ở nhà, song hiện DN đã để các F1 trở lại làm việc bình thường và áp dụng quy trình xét nghiệm sau 3 ngày tiếp xúc với người mắc COVID-19 và xét nghiệm lại vào ngày thứ 7. Theo ông Hiến, việc cho các F1 đi làm sẽ giúp DN bớt đi nỗi lo thiếu lao động khi tỉ lệ lây nhiễm cao.

Đề xuất cho F0, F1 đi làm của Bộ Y tế đã nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh ca mắc Covid-19 đang tăng cao khiến nguồn lao động bị thiếu hụt.

Hướng tới “bệnh đặc hữu”

Ngày 3/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Quang cảnh tại Phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ.

Khi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu tức là sẽ không xem COVID-19 là đại dịch nữa mà coi như một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh chuyên khoa thông thường. Tại các cơ sở y tế, bác sỹ sẽ tập trung chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, giảm biến chứng, giảm tử vong.

Theo Phó Giáo sư Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Đại học Y Hà Nội), khi tiến tới việc thay đổi từ đại dịch sang bệnh đặc hữu thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

Các chuyên gia ở nhiều quốc gia hiện tại đang thảo luận và đề xuất về việc coi bệnh COVID-19 là đặc hữu hay còn gọi là bệnh lưu hành (endemic). Bộ Y tế của Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác để theo dõi tình hình dịch COVID-19, cập nhật sự biến đổi của SARS-CoV-2 nhằm coi COVID-19 là bệnh đặc hữu – bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nêu ý kiến cho rằng Việt Nam nên tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu bình thường, từ đó giảm gánh nặng cho Nhà nước./.

Như vậy, việc dịch COVID-19 sẽ được nhìn nhận như bệnh đặc hữu chỉ còn là vấn đề thời gian, tuy nhiên càng sớm thích ứng thì Việt Nam càng nhanh chóng phục hồi và phát triển.

Hồng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều