+
Aa
-
like
comment

Đã đến lúc cần có mạng xã hội riêng cho người Việt

17/07/2019 23:22

Facebook không phải là một điều gì đó cao siêu, thần thánh, bản thân nó chỉ là một dịch vụ, một tiện ích của cuộc sống. Thì không có nghĩa lý gì chúng ta không tự tạo ra cho mình những dịch vụ, tiện ích theo nhu cầu chính đáng để xây dựng một môi trường xã hội, không gian mạng lành mạnh mới.

Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp CNTT phía Nam, ngày 15/7 Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Việt Nam cần có mạng xã hội và công cụ tìm kiếm riêng, khác biệt với Google, Facebook.

Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng gặp gỡ các doanh nghiệp công nghệ thông tin phía Nam.

Theo Bộ trưởng xu hướng chuyển đổi số đang là xu hướng giúp mở rộng không gian cho các doanh nghiệp Việt. Đồng thời, điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải khác biệt.

“Việt Nam muốn hùng cường, phát triển thì phải dựa vào công nghệ. Trọng trách này đặt lên vai các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Sự chuyển đổi này mang sứ mạng cho hàng nghìn năm. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên bản đồ thế giới thì phải đi nhanh, đi đầu để có lợi thế” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi gặp mặt.

Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh việc cần có mạng xã hội và công cụ tìm kiếm “made in Vietnam”.

“Mạng xã hội Facebook vận hành nhờ vào sự đóng góp từ người dùng. Vì vậy, họ phải được tham gia quyết định luật chơi trên nền tảng đó. Mạng xã hội phản ánh đời sống thực nên những giá trị đạo đức cơ bản của con người phải được tôn trọng. Đồng thời, nền tảng mạng xã hội cũng phải tuân thủ pháp luật nước sở tại” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng nhắc lại tấm ảnh Mark Zuckerberg bước lên sân khấu tại một sự kiện công nghệ. Theo ông, trong bức ảnh này ai cũng đeo kính thực tế ảo. “Chỉ duy nhất một người không đeo kính là chủ Facebook. Chỉ một người nhìn thấy cuộc sống thực còn những người khác nhìn cái do người đó tạo ra”.

Theo Bộ trưởng, những người tham gia mạng xã hội hiện nay đã giúp công ty truyền thông đạt giá trị hàng trăm tỷ USD, nhưng nguồn lợi lại thuộc về tay một người.Trong khi đó, hôm nay luật lệ trên mạng xã hội lại không được những người tham gia quyết định mà lại được định ra bởi một người.

“Đã đến lúc chúng ta viết một mạng xã hội mới, nhân văn hơn, thực sự coi trọng khách hàng hơn và đưa người dân làm chủ thể tri thức. Đồng thời người dùng cũng phải được chia sẻ giá trị khi tham gia cuộc chơi đó”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Không thể chối cãi hiện nay Facebook là một trong những mạng xã hội đang thống thị toàn cầu với 2,2 tỉ Active Users hàng tháng, tốc độ tăng trưởng mỗi năm 11%. Ngoài ra, một số mô hình mạng xã hội khác vẫn tìm được ngách thị trường bên cạnh Facebook như: Twitter, Instagram, Reddit…

Tuy nhiên, hiện nay có ít nhất 4 điểm đe dọa đến sự trường tồn của Facebook đó là có nguy cơ ra xung đột với nhiều thể chế chính trị, đảng phái, trên toàn thế giới; quyền riêng tư của người sử dụng bị xâm phạm khi những status, hành vi like, hội thoại trên messenger của người sử dụng… đều được Facebook ghi lại và phân tích; tin tức giả mạo, ngày càng làm cho người sử dụng mất niềm tin…

Những con số thống kê của The Research Service đã chỉ ra rằng, Facebook và YouTube hiện đang chiếm lĩnh thị trường mạng xã hội tại Việt Nam. Đây cũng là 2 mạng xã hội phổ biến và chiếm thị phần lớn nhất trên bình diện thế giới.

Việt Nam hiện xếp thứ 7 về số lượng người dùng Facebook với khoảng 60 triệu người sử dụng. Trong đó TP. HCM còn xếp thứ 6 về lượng người sử dụng Facebook tại các khu đô thị lớn.

Trong số các quốc gia mà Facebook được phép hoạt động thì Nga là quốc gia duy nhất mà mạng xã hội này không chiếm được thị phần đa số. Thay vào đó, phần lớn thị phần mạng xã hội tại Nga nằm trong tay VK (Vkontakte), một mạng xã hội do chính người Nga phát triển.

VK có khoảng 100 triệu người dùng thường xuyên tại Nga. Mạng xã hội này cũng phổ biến tại các nước thuộc khối Cộng đồng các Quốc gia độc lập với tổng cộng khoảng 170 triệu người dùng.

Tại Trung Quốc có sự cấm đoán và kiểm duyệt chặt chẽ với các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Google. Nhưng các sản phẩm dịch vụ số nội địa tại Trung Quốc lại hình thành nên được một hệ sinh thái riêng với khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng trong nước.

Ở Việt Nam, bên cạnh sự phổ biến của Facebook và YouTube, thì doanh nghiệp nội là Zalo hiện nay có khoảng 40 triệu người sử dụng hàng tháng. Đây là một con số đáng kể khi số người sử dụng Zalo chiếm tới một nửa dân số Việt Nam và bằng gần 70% số người sử dụng Facebook.

Nếu thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình của người Việt Nam là 3,55 giờ trên Facebook. Thì với Zalo, con số này không thua kém quá xa khi đạt xấp xỉ 2,12 giờ sử dụng.

Bên cạnh đó Mocha của Viettel sau hơn 3 năm kể từ ngày ra mắt, ứng dụng mạng xã hội này hiện cũng đã có khoảng 4,5 triệu người sử dụng. Điều này minh chứng cho việc phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp nội địa trong nước mang tên Made in Việt Nam trước những đối thủ lớn như Google hay Facebook.

Ngoài ra, trình duyệt Cốc Cốc, hệ điều hành dành cho quân đội cho Viettel phát triển, phần mềm chống mã độc Bkav… là một trong những ứng dụng về công nghệ thông tin rất tiềm năng nhưng chỉ có điều là quy mô còn nhỏ vì chúng ta chưa có chính sách, quy mô để hỗ trợ hay là dựng ngọn cờ để họ đi theo.

Hiện nay, Bộ Thông tin và truyền thông cũng cho hay Bộ đã cấp 436 giấy phép về mạng xã hội, nhưng số lượng tài khoản đăng ký sử dụng ở những mạng này rất là khiêm tốn. Điều này có thể thấy Chính phủ và các cơ quan chức năng vẫn chưa chú trọng đến việc phát triển mạng xã hội của Việt Nam.

Facebook không phải là một điều gì đó cao siêu, thần thánh, bản thân nó chỉ là một dịch vụ, một tiện ích của cuộc sống. Thì không có nghĩa lý gì chúng ta không tự tạo ra cho mình những dịch vụ, tiện ích theo nhu cầu chính đáng để xây dựng một môi trường xã hội, không gian mạng lành mạnh mới.

(Theo Bút Danh)

Bài mới
Đọc nhiều