+
Aa
-
like
comment

Đã đến lúc áp dụng quy định cách ly 3 ngày đối với hành khách đi máy bay

Thu An - 25/10/2021 16:00

Sau khi nới lỏng các quy định về chống dịch, cứ tưởng mọi chuyện sẽ dễ thở hơn, đặc biệt là việc di chuyển. Thế nhưng, người dân và cả doanh nghiệp vẫn đang phải rất đau đầu với quy định cách ly 7 ngày tập trung và 7 ngày tại nhà nếu muốn được sử dụng phương tiện máy bay để di chuyển.

Cho đến thời điểm hiện tại, rất đáng mừng là tỉ lệ các ca nhiễm bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã dừng lại ở mức 3 con số. Tâm dịch TP.HCM đã hạ nhiệt, tỷ lệ các vùng xanh chiếm tới 41%, vùng vàng 55%, duy chỉ còn duy nhất một quận vùng cam là Bình Tân. Các địa phương xuất hiện những ca nhiễm mới cũng đã kiểm soát được dịch bệnh.

Điều đó chứng tỏ rằng dịch bệnh đã được khống chế và cũng là thời điểm để nới lỏng hơn những quy định khắt khe về chống dịch. Ai cũng hiểu rằng, sau khi dịch bệnh tạm ổn cũng là lúc chúng ta phải thực hiện một cuộc chạy đua kinh tế, nhất là vào thời điểm 3 tháng cuối năm. Và cũng chính vì vậy mà nhu cầu đi lại của người dân đặc biệt cao, nhất là đối với phương tiện máy bay. Thế nhưng đã gần 1 tháng kể từ khi nới lỏng các biện pháp chống dịch, người dân và các hãng hàng không vẫn phải đau đầu vì những quy định khắt khe ở các địa phương. Đặc biệt là quy định, cách ly 7 ngày tập trung và 7 ngày tại nhà.

Tất nhiên khi cho phép di chuyển đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện nguy cơ lây nhiễm giữa các tỉnh thành cao hơn. Tuy nhiên, để ngăn chặn điều đó hàng loạt các quy định đã được Bộ Giao thông vận tải đưa ra. Tối thiểu phải đáp ứng 3 điều kiện, có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; Có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Trong khi đã áp dụng hàng loạt các quy định khắt khe như trên, thì hàng loạt các địa phương khác còn áp dụng quy định cách ly tập trung 7 ngày. Thậm chí, một số địa phương còn yêu cầu tới 14 ngày. Chưa kể đến chi phí mỗi lần cách ly lên đến hàng chục triệu đồng mà chỉ nói đến nhu cầu cấp bách giải quyết công việc đã thấy rất đáng báo động. Ai cũng phải thừa nhận rằng, vì bị hạn chế về mặt thời gian và để bảo toàn sức khỏe, người dân mới có nhu cầu sử dụng phương tiện máy bay. Thế mà, phải đợi đến 7 ngày sau mới được giải quyết thì máy bay sinh ra làm gì? Máy bay thì phải nằm không đắp chiếu, nhu cầu của người dân thì cao. Nan giải tới mức Cục hàng không đã đề nghị bỏ luôn quy định cách ly tập trung.

Để giải quyết bài toán trên thiết nghĩ nên áp dụng biện pháp cách ly 3 ngày. Bởi quá trình làm ổ của chủng delta là 2 ngày, chúng ta cách ly 3 ngày sau đó xét nghiệm là đủ thời gian để rà soát dịch bệnh. Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này cũng yêu cầu người dân siết chặt hơn các 5K, cập nhật lịch trình di chuyển và tự động khai báo y tế sau 7 ngày. Chuyến bay tiếp theo sẽ căn cứ vào khai báo này để có thể cho phép được tiếp tục sử dụng phương tiện này hay không.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các hãng hàng không, tổng công ty đường sắt dừng yêu cầu hành khách kê khai bản cam kết phòng, chống dịch Covid-19. Bởi vì điều này gây trở ngại rất lớn cho người dân cũng như không đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Đây là một tín hiệu tốt để dỡ bỏ những quy định khó khăn để người dân nhanh chóng quay về cuộc sống bình thường mới.

Quy định chống dịch là để bảo vệ an toàn cho người dân chứ không phải gây thêm khó khăn, cản trở họ.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều