CVN-78 Gerald Ford: Một tấm bia khổng lồ trên biển?
Với sự phát triển các loại tên lửa có độ chính xác cao, những TSB khổng lồ như CVN-78 Gerald Ford sẽ trở thành một tấm bia khổng lồ trên biển.
Lãnh đạo Hoa Kỳ ưu tiên hàng đầu cho việc hoàn thành dự án tàu sân bay hạt nhân khổng lồ CVN-78 “Gerald R. Ford” đắt nhất trong lịch sử.
Hy vọng lớn lao đặt vào phương tiện mang tới gần một trăm máy bay trên boong tàu, thiết bị hiện đại, hệ thống tự động hóa hoàn toàn đã mâu thuẫn với một trang bị dắt tiền, phát sinh cả đống “bệnh trẻ em”.
Theo bài viết của Sputnik, sự lo lắng của các quan chức Hoa Kỳ là khá dễ hiểu: Tiền dành để hoàn thiện tàu sân bay bay tiêu nhanh như “không khí thổi trong đường ống” và các hàng không mẫu hạm hiện có thuộc lớp Nimitz cũng không còn trẻ trung nữa.
Các vấn đề lớn xuất hiện cùng với thứ đồ chơi đắt giá của Lầu Năm Góc, đã tiêu tốn hàng tỷ dollars ngân quỹ.
Mỹ mơ ước một con tàu lí tưởng
Công việc phát triển tàu sân bay mạnh nhất của Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu từ giữa những năm 1990, bởi cần phải thay thế tàu sân bay hạt nhân “Enterprise” đầu tiên của Mỹ, hoạt động từ đầu những năm 1960. Lễ đặt ky cho con tàu mới diễn ra vào năm 2005 và “Gerald R. Ford” được chế tạo trong gần mười năm và hạ thủy vào mùa thu năm 2013.
“Biểu tượng dân chủ mới” ban đầu được hoạch định với các yêu cầu đặc biệt. Với lượng giãn nước hơn 100 nghìn tấn, nó sẽ trở thành tàu chiến đấu mặt nước lớn nhất thế giới.
Tàu sân bay phải được trang bị lò phản ứng hạt nhân mạnh hơn so với những người tiền nhiệm, mang theo nhiều máy bay hơn và tăng cường khả năng tự bảo vệ. Các nhà thiết kế đã từ bỏ kế hoạch biến nó thành một con tàu vô hình do công nghệ tàng hình quá đắt đỏ và khó khăn. Tuy nhiên họ vẫn thành công bởi chiếc Ford mới ra đời khó nhận biết hơn so với những chiếc tàu lớp Nimitz.
Nhìn chung toàn bộ tàu sân bay có thiết kế tương tự như dự án Nimitz trước đây. Một sự khác biệt đáng chú ý là cấu trúc thượng tầng tương đối nhỏ gọn được dịch chuyển gần hơn về phía đuôi tàu. Diện tích sàn máy bay được tăng lên, và cách bố trí cho phép nhanh chóng di chuyển đạn dược và máy bay.
Hai lò phản ứng hạt nhân cho phép con tàu khổng lồ với chiều dài 337m và chiều rộng 78m di chuyển với tốc độ đến 30 hải lý/giờ. Vũ khí tự bảo vệ tàu có tên lửa phòng không RIM-116 (Rolling Airframe Missile – RAM)) và RIM-162 (Evolved SeaSparrow – ESSM) với tầm bắn tương ứng lên tới 10 và 50 km.
Trên boong của chiếc CVN-78 có hơn 90 máy bay, trực thăng và UAV. Bao gồm tiêm kích hạm thế hệ 4 là F/A-18E/F Super Hornet, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35C, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm tầm xa E-2D Hawkeye, vận tải cơ C-2 Greyhound. Ngoài ra còn có các trực thăng MH-60R/S và UAV trinh sát.
Ngoài ra, với việc sử dụng các thuật toán và thiết bị hiện đại, nhà thiết kế đã lên kế hoạch giảm chi phí duy trì người khổng lồ. Họ hy vọng việc động hóa nhiều quy trình sẽ giảm đáng kể số lượng thủy thủ đoàn; tuy nhiên điều này chỉ có thể hoàn thành một phần, vì trên chiếc Ford vẫn có tới hơn 4500 người chịu trách nhiệm bảo trì và quản lý tàu sân bay.
Phải nói rằng “Ford” vượt trội đáng kể về trang bị so với các đối tác. Ví dụ hệ thống điện từ được sử dụng để cất hạ cánh máy bay, cho phép gia tăng cường độ và tần suất các chuyến bay. Không giống như máy phóng hơi nước, thiết bị mới hoạt động trơn tru hơn, và các phi công sẽ chịu đựng sự quá tải ít hơn.
Mơ ước và thực tế không giống nhau
Tàu sân bay của người Mỹ thực sự rất tiên tiến và công nghệ cao, tuy nhiên đã có sự chậm trễ trong việc vận hành. Theo kế hoạch, CVN-78 “Gerald R. Ford” sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2014. Nhưng sau đó thời hạn đã liên tục bị hoãn do xảy ra sự cố thiết bị thường xuyên.
Các vấn đề xuất hiện ngay sau khi tàu mới ra mắt. Chuyên gia đã tìm thấy một số vấn đề nghiêm trọng trong hoạt động của hệ thống phục vụ việc cất cánh và hạ cánh của tiêm kích hạm.
Trước hết, theo kết quả thử nghiệm, hệ thống điện từ cho thấy hiệu suất rất kém. Các nhà phát triển nói hệ thống này có thể làm việc hỗ trợ 1600 máy bay hạ cánh mà không gặp sự cố, nhưng trên thực tế tỷ lệ này không vượt quá 25 chiếc là đã có trục trặc, còn tuổi thọ mỗi chiếc máy phóng điện từ chỉ phục vụ được 400 lần cất cánh thay vì 4000 lần.
Khi các thử nghiệm trên biển bắt đầu, vòng bi trục chân vịt bị hỏng khá nhanh. Con tàu phải quay trở lại cảng, mất vài tháng để sửa chữa sự cố này; tuy nhiên lỗ này vẫn không thể khắc phục được triệt để nên cho đến nay, các vấn đề hệ động lực vẫn ám ảnh với “Gerald R. Ford”.
Theo các tin gần đây, do những lý do đó, tàu sân bay sẽ bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu không sớm hơn năm 2022. Hơn nữa, một sự cố nghiêm trọng của lò hạt nhân lại được phát hiện trong các thử nghiệm trên biển. Một báo cáo của Hải quân Hoa Kỳ cho biết “con tàu đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi năng lượng được tạo ra từ các lò phản ứng hạt nhân”.
Đại diện Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng lo lắng về các thiết bị nâng vận chuyển đạn dược. Trong số 11 chiếc được lắp đặt ở nhiều nơi trên tàu sân bay CVN-78 “Gerald R. Ford”, chỉ có 2 chiếc đang hoạt động trong chế độ thử nghiệm, số còn lại vẫn đang bị đắp chiếu.
Không muốn cũng phải đóng!
Tất cả những rắc rối này đều phải hứng chịu những chỉ trích gay gắt của Bộ Quốc phòng và Bộ Công nghiệp Hoa Kỳ, liên quan đến chi phí phát triển và chế tạo tàu sân bay đạt mức cao kỷ lục là 13 tỷ USD, vượt 22% và vẫn đang tiếp tục tăng, trong khi nhiều chuyên gia quân sự phương Tây đồng ý rằng, Hải quân Mỹ đơn giản là không cần đến các tàu sân bay đắt tiền và phức tạp như vậy.
Họ cho rằng, với sự phát triển các hệ thống tên lửa và ngư lôi có độ chính xác cao, những con tàu lớn như vậy sẽ nhanh chóng biến thành mục tiêu thuận tiện cho không quân và hạm đội của đối phương, nó sẽ biến thành một tấm bia khổng lồ trên biển, là một chiếc quan tài khổng lồ không lối thoát.
Và cái chết của ngay cả một con tàu như vậy với thủy thủ đoàn hàng ngàn người sẽ gây thiệt hại cho quân đội Mỹ, tương đương với tất cả tổn thất trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Tuy nhiên, một khi các ông trùm vũ khí đã quyết định thì khó ai cưỡng lại được, cơ chế hoạt động của giới vận động hành lang về vũ khí của Mỹ hiếm khi bị thất bại, vì vậy, rất có thể là Lầu Năm Góc sẽ không từ bỏ hoạt động của các hàng không mẫu hạm trong suốt thế kỷ 21.
Hoa Kỳ có kế hoạch xây dựng 10 tàu sân bay lớp “Gerald R. Ford” trong suốt nhiều thập kỷ, chúng sẽ thay thế cho các tàu sân bay lớp Nimitz đã lỗi thời. Hiện giờ hạm đội tàu sân bay Mỹ đang có 11 tàu, bao gồm cả “Gerald R. Ford”.
Tàu sân bay mới nhất tiếp theo, “John F. Kennedy”, đã được đặt ky tại xưởng đóng tàu và việc xây dựng chiếc thứ ba mang tên “Dwight Eisenhower” cũng đang được ráo riết chuẩn bị.
Huy Bình/DV