+
Aa
-
like
comment

Cứu sống phi công người Anh không đơn thuần là câu chuyện về số liệu, thành tích.

Diệu Hương - 17/06/2020 18:35

3 tháng qua là một hành trình đáng nhớ, không chỉ riêng với đội ngũ y, bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, mà còn đối với mỗi người dân Việt Nam. Hành trình giành lại sự sống cho bệnh nhân số 91 cũng luôn được hàng triệu người Việt Nam theo dõi mỗi ngày, họ “hồi hộp, vui mừng” theo từng diễn tiến của bệnh nhân như chính người thân của mình. Và khoảnh khắc bệnh nhân 91 mỉm cười, cả triệu trái tim Việt Nam reo vui!

Anh là Phi công người Anh, 43 tuổi, khởi phát sốt sau 4 ngày vào bar Buddha ở Q.2, Thành phố Hồ Chí Minh (bar Buddha được xác định là “ổ dịch” Covid-19 với 18 người mắc liên quan đến nơi này) vào ngày 17/3. Ngày 18/3, ông đến BV Bệnh nhiệt đới khám trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, đau ngực, mệt và khó thở. Và từ đây hành trình chiến đấu chống Covid-19, cũng như với tử thần bắt đầu. Theo lời kể của bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, sau khi nhập viện, diễn biến tình trạng của bệnh nhân 91 rất nặng với nhiều biến chứng phát triển nhanh như: Vi huyết khối, xuất huyết – rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng (tổn thương thận, tổn thương gan), nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu… Lúc này, sự sống của bệnh nhân 91 liên tục ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” khiến nhiều người lo lắng, nếu “buông” thì bệnh nhân này có thể ra đi mãi mãi. Và ở thời điểm được cho là thập tử nhất sinh, giả sử nếu phi công người Anh (bệnh nhân 91) tử vong, âu cũng là chuyện hết sức bình thường bởi đã có nhiều nhận định cho rằng bệnh nhân 91 khó qua khỏi.

Thế nhưng gần 3 tháng trôi qua, cũng là khoảng thời gian Phi công người Anh đã kiên cường chiến đấu để sinh tồn, bước qua “cửa tử”, với sự nỗ lực của các y bác sĩ Việt Nam. Một “biệt đội” giải cứu bao gồm các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị – Bộ Y tế được thành lập, liên tục theo dõi, hội chẩn không kể ngày đêm nhằm ứng phó với tình trạng của bệnh nhân cũng như đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp. Tất cả các kỹ thuật hiện đại nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu ở Việt Nam đều được áp dụng cho bệnh nhân số 91, có những loại thuốc chưa từng sử dụng ở Việt Nam nhưng cũng được mua về nhằm đảm bảo giữ mạng sống cho bệnh nhân.

Và điều ít ai ngờ nhất đã đến, chỉ sau 1 tuần chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, nam bệnh nhân bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục kỳ diệu. Trong đó, đáng chú ý là phổi hồi phục dần, từ 10%, lên 20-30% rồi đến hơn 60%. Đặc biệt, sau gần 2 tháng phải sử dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo), bệnh nhân không cần đến kỹ thuật này nữa, bệnh nhân tỉnh, chỉ còn phải thở máy, các chức năng khác trên cơ thể hoạt động tốt. Ngày 2/6, lần đầu tiên sau hơn 2 tháng nhập viện, bệnh nhân đã có thể mỉm cười, lắc đầu, gật đầu với y, bác sỹ. Đến nay, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đung đưa hai chân theo y lệnh của bác sỹ, tay có thể thực hiện được các động tác tinh tế như bấm bàn phím điện thoại, có thể nhớ tất cả mật khẩu điện thoại, máy tính bảng của mình, phổi phục hồi tiến triển tốt, dần cai máy thở.

Những hình ảnh mới nhất cho thấy bệnh nhân 91 đã có thể ngồi dậy, đung đưa chân, bắt đầu tập ăn qua đường tiêu hóa

Có thể nói, trong y học Việt Nam chưa từng chứng kiến một ca bệnh nào hiểm nghèo đến vậy. Như nhận định của giới chuyên môn thì “nhiều thứ đã vượt ra khỏi y văn thế giới”.

Mặc dù đâu đó còn có những tranh cãi xung quanh ca bệnh đặc biệt này. Rằng chúng ta đã tốn kém nhiều kinh phí, mồ hôi, trí tuệ để cứu chữa bệnh nhân này. Hay, nếu bệnh nhân người Việt khác gặp vấn đề tương tự, liệu có được các y bác sĩ dồn toàn bộ tâm lực để cứu sống như bệnh nhân phi công người Anh không?

Tất nhiên, những tranh cãi đó là hết sức bình thường. Xong chúng ta hãy nhìn tới những điều xa hơn để thấy tinh thần Người dân Việt Nam sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, hy sinh lợi ích của mình để giúp đỡ người yếu thế hơn, thậm chí ngay cả một phần máu, thịt của mình. Khi thông tin có khả năng ghép phổi cho nam bệnh nhân được đưa ra, ngay lập tức có gần 60 người Việt Nam khắp nơi trong cả nước tình nguyện đăng ký hiến phổi, trong đó ít tuổi nhất là một nam thanh niên 21 tuổi và người cao tuổi nhất đã 78 tuổi. Họ dù không biết bệnh nhân số 91 là ai nhưng sẵn sàng tình nguyện hiến tặng một phần phổi của mình cho người bệnh. Tinh thần Việt Nam, lòng nhân hậu của con người Việt Nam chưa bao giờ được nhắc đến nhiều như trong những ngày xảy ra dịch COVID-19. Cùng với đó là những tiến bộ vượt bậc của y học nước nhà.

Và hãy mừng hơn bởi một sinh mệnh đang từng bước thoát khỏi “cửa tử”. Hãy mừng hơn bởi đất nước ta mặc dù còn nhiều khó khăn, nền kinh tế chưa phát triển mạnh như nhiều nước trên thế giới, nhưng đã nỗ lực, cố gắng, nhân văn hết mình để cứu sống rất nhiều bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có cả những bệnh nhân được tiên lượng rất xấu như phi công người Anh kể trên.

Câu chuyện cứu sống phi công người Anh không đơn thuần là câu chuyện về số liệu, thành tích. Xin hãy nghĩ rộng hơn, rằng việc không mất nhân mạng nào trong cơn đại dịch lớn nhất thế kỷ đã tiếp thêm rất nhiều niềm tin cho người dân Việt Nam vững tin phòng chống dịch bệnh Covid-19. Và hơn hết, đó là niềm tin vào hệ thống y tế, về kỷ lục và kỳ công mà y học có thể can thiệp với cơ thể con người, về lòng kiên trì, sự kiên tâm cứu người. Đặc biệt hơn, đó là niềm tin trước sự sống mãnh liệt của con người. Khi bản thân gặp bệnh tình không mong muốn, khi đứng giữa lằn ranh sống chết mong manh, hãy nghĩ về nền y tế của đất nước để vững tin chiến đấu, giành lại sự sống như chính phi công người Anh đã chiến đấu và chiến thắng vậy.

Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, trong hiểm nguy của đại dịch, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là không để ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị bỏ ngoài xã hội, kể cả đó là công dân nước ngoài,… Giữa cơn đại dịch Covid-19, ở Việt Nam, tất cả mọi người đều được bình đẳng chữa trị, trong nước cũng như nước ngoài về. Tính đến đầu tháng 6 này, trên thế giới đã có hơn 7 triệu người nhiễm Covid-19 và hơn 400.000 người tử vong nhưng Việt Nam không có ai tử vong. Nhiều người nước ngoài bị nhiễm Covid-19 đến Việt Nam được chữa trị khỏi, khi trở về nước đã không cầm lòng được, chỉ biết thốt ra lời: “Cảm ơn Việt Nam!”.

Một đất nước trong cơn hoạn nạn đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ để chống dịch. Một đất nước trong cơn hoạn nạn không một ai bị bỏ lại phía sau, kể cả người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài về. Một đất nước mà quyền cao nhất của con người là được sống, được bảo vệ mạng sống… đó không phải là giá trị cao nhất của nhân quyền ư?

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều