Cứu sống liên tiếp 4 ca đột quỵ nhập viện gần như cùng lúc
Liên tiếp 4 bệnh nhân đột quỵ đã được các bác sĩ Cần Thơ cứu sống nhờ triển khai cùng lúc 2 ê kíp can thiệp tái thông mạch máu não kịp thời cho bệnh nhân.
Chiều 8.3, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết bệnh viện vừa triển khai cùng lúc 2 ê kíp can thiệp cứu sống liên tiếp 4 bệnh nhân đột quỵ nguy kịch.
Trước đó, nữ bệnh nhân L.N.V (51 tuổi ngụ quận Ninh kiều, TP.Cần Thơ) nhập viện cấp cứu sau khi người nhà phát hiện bệnh nhân đột ngột nói khó, liệt nửa người bên phải. Bệnh nhân đến bệnh viện khoảng 3 giờ 20 phút kể từ lúc khởi phát triệu chứng.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não và mạch máu não của bệnh nhân cho thấy, bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa bên trái. Đây là nhánh động mạch chính cung cấp máu cho phần lớn một nửa bán cầu đại não. Bệnh nhân có chỉ định can thiệp nội mạch lấy huyết khối.
Trong lúc ê kíp bắt đầu can thiệp bệnh nhân L.N.V, thì Khoa Cấp cứu lại tiếp tục nhận thêm một trường hợp nam bệnh nhân N.V.H (68 tuổi, ngụ ở H.Châu Thành A, Hậu Giang) bị đột ngột liệt tứ chi, méo miệng, không nhận ra người thân.
Bệnh nhân nhập viện cách khởi phát triệu chứng 5 giờ 30 phút trong khi giờ vàng để can thiệp với bệnh nhân đột quỵ chỉ là 6 giờ kể từ khi khởi phát bệnh. Vì vậy việc can thiệp không thể trì hoãn thêm. Ngay sau đó, hai phòng can thiệp đã được khởi động để triển khai độc lập. Ê kíp 1 do BS Trịnh Thành Tính đã tiến hành can thiệp cấp cứu thành công bệnh nhân L.N.V, tái thông hoàn toàn mạch máu não bệnh nhân sau khoảng 1 giờ.
Trong khi đó, trường hợp bệnh nhân N.V.H kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não và mạch máu não cho thấy bệnh nhân bị hẹp nặng động mạch thân nền, chỉ định can thiệp cấp cứu. Ê kíp can thiệp thứ hai do BS.CK1 Trần Công Khánh, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, đã tiến hành can thiệp cho bệnh nhân. Cũng sau 1 giờ, động mạch thân nền của bệnh nhân đã được tái thông hoàn toàn.
Tới ngày 7.3, trong khi cả hai bệnh nhân trên đều đang hồi phục khả quan, tri giác cải thiện tốt, thì bệnh viện lại tiếp tục gặp tình huống phải cấp cứu đồng thời 2 bệnh nhân đột quỵ tương tự.
Hiện sau can thiệp, cả hai bệnh nhân đều cải thiện và đang tiếp tục được điều trị tích cực tại Khoa Đột quỵ.
Theo TS.BS Hà Tấn Đức, Trưởng Khoa Đột qụy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, đột qụy làm cho phần não bị thiếu ô xy, tế bào não bắt đầu tổn thương chỉ sau vài phút. Sau khi đột qụy xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị hư hại. Chính vì vậy, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt và biện pháp điều trị hiệu quả nhất là “tái thông, tưới máu cho não”. Khoảng thời gian giúp bệnh nhân đột quỵ có khả năng phục hồi tốt được gọi là “thời gian vàng”, nó được tính từ lúc người bệnh bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh đến sau từ 3-6 giờ.
“Hiện nay, bệnh đột quỵ xảy ra ngày càng nhiều và có xu hướng trẻ hóa. Sẽ có tình huống bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện cùng một lúc. Vấn đề điều trị có thể không phức tạp nhưng khó khăn là phải can thiệp cứu nhiều bệnh nhân đột quỵ cùng lúc. Khi bệnh nhân đột quỵ việc tái thông mạch máu não phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Do vậy việc bệnh viện có thể triển khai cùng lúc nhiều ê kíp can thiệp độc lập là rất ý nghĩa, giúp việc cấp cứu bệnh nhân kịp thời nhất, góp phần tăng khả năng phục hồi cho bệnh nhân”, BS Đức nói.
Đình Tuyển/ TNO