+
Aa
-
like
comment

Cựu quan chức chây ì trả nhà công vụ: Cần công khai danh tính, xử lý kỷ luật

23/04/2020 08:04

Các chuyên gia cho rằng, cần công bố danh tính của 12 cựu quan chức chây ì không trả nhà công vụ, phải xử lý kỷ luật, thậm chí truy tố hình sự. Cần công khai danh tính

Bộ Xây dựng vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Sau thông báo “đòi nhà”, một số cựu quan chức đã liên hệ Bộ Xây dựng để xin thực thi trả nhà.

Cựu quan chức chây ì trả nhà công vụ: Cần công khai danh tính, xử lý kỷ luật - 1
Các nhà công vụ thuộc chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Trả lời PV VTC News, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, sự việc để lại bài học lớn với cán bộ cũng như cơ quan, tổ chức.

Theo ông Hùng, tài sản của công phải ra của công, của tư ra của tư, phải rõ ràng, nhất là với cán bộ, đảng viên càng không thể nhập nhèm.

Nếu đã 2-3 lần nhắc nhưng họ không trả nhà công vụ thì các tổ chức Đảng phải kiểm điểm, phải nhắc nhở và công khai danh tính những người này.

“Nêu rõ những người này là ai, họ tên đầy đủ chứ không phải viết tắt. Công khai ở đây không nhằm mục đích bêu xấu họ mà để rút ra bài học, khi đã về hưu thì phải trả lại phòng cho cơ quan, trả lại nhà công vụ”, ông Hùng nói.

Cựu quan chức chây ì trả nhà công vụ: Cần công khai danh tính, xử lý kỷ luật - 2
Ông Vũ Quốc Hùng

Tuy nhiên, theo ông Hùng, cũng cần phải thận trọng ở chỗ, cơ quan, tổ chức phải kiểm tra lại xem đã thông tin đầy đủ về việc yêu cầu trả nhà đến tận tay tất cả những cán bộ này chưa, hoặc trong những cán bộ đó có ai thực sự gặp gặp khó khăn không.

“Nhưng tôi nghĩ cán bộ cao cấp thì không đến nỗi phải túi cơm manh áo ở ngoài đường, trừ trường hợp hoàn cảnh bất thình lình gia đình gặp nạn”, ông Hùng cho rằng phải lưu ý việc này.

Nêu rõ những người không chịu trả nhà công vụ là ai, họ tên đầy đủ chứ không phải viết tắt.

Ông Vũ Quốc Hùng

Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng đặt vấn đề phải xem xét có sự nể nang, né tránh khi thu hồi nhà công vụ hay không.

“Tôi được biết có những người đã nghỉ từ những khoá trước, như vậy là đã rất nhiều năm những vẫn chưa trả nhà, như vậy cơ quan thu hồi cũng đã làm hết trách nhiệm chưa?

Việc yêu cầu trả nhà công vụ phải có thông báo thời hạn rõ ràng, chẳng hạn sau 3 tháng hoặc 6 tháng thì phải trả lại chứ không thể để nhiều năm như vậy.

Ngay cả chuyện trả lại phòng làm việc ở cơ quan cũng vậy, đôi khi các đồng chí lão thành, các đồng chí tiền bối khi đã về hưu nhưng phòng làm việc vẫn cứ để đấy làm cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan bất bình nhưng họ không dám nói ra”, ông Hùng chia sẻ.

Gợi ý của Biên tập viên »Nhiều cựu cán bộ xin trả nhà công vụ sau khi bị ‘tố’ chây ì »Cựu quan chức ‘chây ì’ trả nhà công vụ: Không chấp hành thì thực hiện cưỡng chế »Cựu quan chức chây ì trả nhà công vụ: Buông liêm sỉ để bám chặt túi tham »Cách nào ngăn nạn quan chức về hưu không trả nhà công vụ? Từ đó, ông Hùng cho rằng từ cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu hồi đến các cán bộ, quan chức thuộc diện trả nhà đều phải rút ra bài học.

Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh việc trả lại nhà công vụ là việc không thể không làm. Còn nếu tiếp tục chây ì, không trả thì phải dùng biện pháp tổ chức, phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật và dùng những biện pháp cưỡng chế mạnh tay hơn, thậm chí là truy tố hình sự.

“Quan điểm của tôi là phải làm rõ, trước tiên phải công bố tên từng người. Sau đó, từng người phải giải trình hoàn cảnh của mình xem lý do là gì và trả nhà.

Không chỉ nhà công vụ mà tất cả những gì nhà nước cung cấp cho mình thuộc về tài sản công thì phải trả lại”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cũng lưu ý, hiện tượng này xảy ra từ lâu và không ít cán bộ mắc phải, vì vậy phải xem xét lại từ quy định, cách làm của nhà nước cho đến trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Cùng quan điểm với ông Vũ Quốc Hùng, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ bức xúc cho rằng hiện tượng cán bộ chây ì, không trả lại tài sản công là vấn đề đã được cảnh báo từ lâu.

“Cuối nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, tôi cũng từng đăng đàn Quốc hội về việc ‘tham nhũng biệt thự công và nhà công vụ’, cảnh báo việc có rất nhiều cán bộ cấp cao, từ cấp Thứ trưởng về nghỉ hưu nhưng không trả nhà công vụ.

Với vụ viện 12 cựu quan chức cấp cao không trả nhà công vụ vừa rồi, tôi đề nghị khi thông tin không nêu tên viết tắt, mà phải công khai danh tính, tên tuổi và nói rõ chức danh là gì, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng”, ông Tiến nói.

Theo ông Lê Như Tiến, nhà công vụ là tài sản của nhân dân, của đất nước, tham nhũng nhà công vụ chính là tham nhũng tài sản của nhân dân cho nên có thể đưa vào Bộ luật Hình sự.

“Nhà công là nhà để cho cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ công của mình chứ đây không phải phân phối cho cá nhân.

Nhà công vụ giao cho quan chức trong thời gian tạm thời, nếu có quyết định về hưu rồi mà vẫn không trả nhà công vụ thì có thể coi là hành động chiếm đoạt tài sản của nhà nước”, ông Tiến nói.

Cựu quan chức chây ì trả nhà công vụ: Cần công khai danh tính, xử lý kỷ luật - 3
Ông Lê Như Tiến

Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến một lần nữa khẳng định cần công khai rõ tên tuổi, đơn vị công tác của những cán bộ này và gửi về các cơ quan trước khi cán bộ này nghỉ hưu cũng như gửi về nơi cư trú, để đốc thúc các cán bộ này phải trả nhà cho nhà nước.

Có thể xem xét nếu phạm vào luật hình sự chiếm dụng tài sản công thì phải truy tố trách nhiệm hình sự

Ông Lê Như Tiến

“Nếu chây ì, có thể xem xét nếu phạm vào luật hình sự chiếm dụng tài sản công thì phải truy tố trách nhiệm hình sự chứ không phải chỉ vận động hay đề nghị”, ông Tiến nhấn mạnh.

Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến cũng cho rằng vụ việc đã để lại hình ảnh rất xấu của cán bộ, công chức, những người từng giữ chức vụ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Bỏ bớt ưu đãi về nhà công vụ

Cùng bình luận về vụ việc, ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, Nhà nước cần giảm bớt các đặc quyền đặc lợi đối với một số cán bộ, trong đó có chế độ hỗ trợ về nhà công vụ.

Ông Vân cho biết, theo nguyên tắc, khi thời gian kết thúc hết hợp đồng cho thuê thì người thuê phải trả lại ngay nhà công vụ. Quy định kỷ luật hành chính cũng nêu rõ nếu không trả lại thì bị phạt.

Bàn về vấn đề xây dựng chế tài, ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết, việc xây dựng chế tài phải có các đánh giá liên quan đến vi phạm cán bộ đảng viên không chấp hành quy định.

“Còn xây dựng chế tài dân sự thì sẽ áp dụng phạt tiền. Vi phạm hợp đồng dân sự cũng sẽ quy định các mức phạt hành chính”, ông Lê Thanh Vân nói.

Tuy nhiên, theo vị ĐBQH tỉnh Cà Mau, việc xây dựng chế tài hiện nay chưa thực sự cần thiết mà cần xử lý vụ việc linh hoạt, hợp lý, hợp tình.

Cũng theo ĐBQH tỉnh Cà Mau, trong vấn đề này, Bộ Xây dựng đóng vai trò là cơ quan thực thi các quy định của pháp luật về quản lý nhà công vụ. Còn 12 cựu quan chức là những người thuê.

“Người thuê cần chấp hành các quy định về việc thuê nhà, kể cả đó là việc thuê nhà công vụ. Một bên là cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Xây dựng cũng cần có trách nhiệm thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác quản lý”, ông Vân cho rằng trong sự việc này Bộ Xây dựng xử lý chưa thực sự hợp tình hợp lý.

“Không thể có chuyện mới phát văn bản vài lần mà người ta chưa trả thì phàn nàn kêu ca. Bộ Xây dựng đang nắm trong tay các chế tài và họ hoàn toàn có thể xử lý được nếu bên thuê vi phạm pháp luật.

Nếu việc xử lý vượt thẩm quyền thì phải có văn bản nhờ các cơ quan khác có thẩm quyền cao hơn vào cuộc”, ĐBQH Lê Thanh Vân bày tỏ quan điểm.

Ông cho rằng trong vấn đề này cần xem xét cả lý và tình. Về lý là cả hai bên đều phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. “Còn về tình thì cần xem xét tình huống cụ thể, có thể người ta chưa bố trí được thời gian cụ thể hợp lý. Ví dụ như khi họ nhận được thông báo trả nhà nhưng lại đang ở chưa thể về được để giải quyết. Trong tình huống này, nếu bên thuê nhà đã có thông báo đến cơ quan quản lý thì cần phải cho người ta thêm thời gian”.

Theo ông Vân, người thuê nhà cũng không nên viện thêm lý do để giữ nhà công vụ lâu hơn được. Mấu chốt của vấn đề đó là đặc quyền đặc lợi lúc này đã không còn cần thiết để tồn tại.

Nhà nước cũng cần giảm bớt các đặc quyền đặc lợi đối với một số cán bộ Nhà nước. Trừ các trường hợp lãnh đạo cấp cao như nguyên thủ còn đối với những vị trí khác thì cần hạn chế bớt các ưu đãi về việc có xe đưa đón, máy bay hạng C, nhà công vụ…

Đối với nhà công vụ, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng chỉ nên áp dụng ở những nơi không có dịch vụ nhà ở. Ông lấy ví dụ việc luân chuyển cán bộ đến vùng miền không có dịch vụ nhà ở thì mới nên có nhà công vụ. Còn đối với những trường hợp khác, nhà nước nên có khoản hỗ trợ cho cán bộ để họ tự thuê nhà thay vì sử dụng chế độ nhà công vụ như hiện nay.

Ngoài ra theo ĐBQH tỉnh Cà Mau, cán bộ Nhà nước cũng có thể sử dụng tiền thu nhập của mình để thuê nhà.

Trong trường hợp chậm trả nhà công vụ, nếu xem xét có dấu hiệu không tuân thủ, chiếm hữu tài sản nhà công vụ thì cần bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

“Đều là cán bộ đảng viên cao cấp, được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, họ cần tự giác ý thức về vai trò trách nhiệm nghĩa vụ và hình ảnh của mình trước nhân dân. Nếu chiếm hữu tài sản nhà công vụ thì không chỉ vi phạm về pháp luật mà còn vi phạm về quy định của cán bộ đảng viên”, ĐBQH Lê Thanh Vân nói.

PV/VTC

Bài mới
Đọc nhiều