+
Aa
-
like
comment

Cựu Phó thủ tướng Đức gốc Việt: “Việt Nam là nơi tôi được sinh ra, là cội nguồn để tôi trở về”

25/12/2020 10:35

“Giấc mơ của tôi là có một thương hiệu Việt quốc tế, đó có thể là Lộc Trời hay VinFast” – Ông Philipp Roesler chia sẻ.

Đó là chia sẻ của cựu Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler tại TPHCM nhân chuyến công tác Việt Nam mới đây. Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác lần này, ông Roesler đã có cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Mới đây, ông Roesler thành lập Công ty tư vấn đầu tư Consessor AG có trụ sở tại Thụy Sĩ. Tại Việt Nam, ông là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Quỹ Đầu tư Mạo hiểm VinaCapital Ventures. Phái đoàn lần này đi cùng cựu Phó thủ tướng Roesler có khoảng 10 người là đại diện các doanh nghiệp lớn từ Đức, Thụy Sĩ…

Cựu Phó Thủ tướng Đức cho biết, phái đoàn đã đầu tư 350 triệu USD (hơn 8.000 tỉ đồng) vào Việt Nam. Khoản tiền này được đầu tư vào 3 lĩnh vực chính. Thứ nhất là Du lịch – vốn được xem là một trong các mũi nhọn phát triển của Việt Nam. Thứ hai là các dự án khởi nghiệp, công ty nhỏ và các công ty về công nghệ. Thứ ba là mảng sức khỏe, bao gồm sản xuất các thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay y tế, trang thiết bị bảo hộ cá nhân trong y khoa…

Chào ông, những người trẻ Việt Nam đang rất vui vì thông tin ông trở về nước, cảm xúc của ông như thế nào?

Tôi rất vui khi trở lại nơi tôi đã được sinh ra. Đây là cội nguồn để tôi trở về. Tôi đã nhận được tình yêu thương từ đất nước nơi tôi sinh sống – nước Đức, và cả nơi tôi được sinh ra – Việt Nam. Tôi rất vui được gặp thế hệ trẻ tại Việt Nam.

Tôi đã có cơ hội tuyệt vời tại Đức và tôi rất mong muốn được giúp đỡ những người trẻ tại Việt Nam để họ cũng có nhiều cơ hội như tôi.

Tôi là người Việt đầu tiên làm phó Thủ tướng ở Đức. Và có thể không xa nữa, sẽ có người Việt nữ làm Thủ tướng hay Tổng thống ở nước nào đó trên thế giới.

Đó là lý do tôi trở về Việt Nam. Tôi thấy rất nhiều người trẻ ở Việt Nam sống truyền cảm hứng và tôi sẵn lòng hỗ trợ nơi tôi đã được sinh ra và cầu nguyện cho cuộc sống tốt đẹp hơn tại Việt Nam.

Rất nhiều nhà đầu tư châu Á đã tiếp cận thị trường Việt Nam nhưng nhà đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ vẫn còn ít ỏi. Theo ông, bằng cách nào Việt Nam có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ hơn?

Đó là lý do vì sao tôi ở đây. Như bạn thấy đấy, chúng ta có rất nhiều nhà đầu tư và họ đã chứng kiến một môi trường đầu tư tuyệt vời tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam, từ trước tới nay, chưa có thương hiệu quốc tế nào. Người Việt Nam sản xuất ra các sản phẩm tuyệt vời, chất lượng tốt. Tôi được biết rằng một phần sản phẩm tai nghe Airpods Studio của Apple sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Apple sẽ cùng với Foxconn và một số công ty sản xuất khác cũng di dời một phần sản xuất sang Việt Nam.

Cũng có rất nhiều người Việt đang tham gia sản xuất cho các công ty ở Silicon Valley (Mỹ). Giấc mơ của tôi là có một thương hiệu Việt quốc tế, đó có thể là Lộc Trời, VinFast…

Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt cần mở rộng mối quan hệ khách hàng. Nếu chỉ kinh doanh theo mô hình B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), sẽ khó có thể tạo ra thương hiệu toàn cầu. Nhưng nếu ứng dụng mô hình kinh doanh B2C (từ doanh nghiệp đến trực tiếp khách hàng) thì sẽ có thể tiếp cận đến số đông. Khách hàng sẽ nhận ra công ty, sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Đó là cách doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận thị trường thế giới.

Vì vậy, nếu Việt Nam có một thương hiệu quốc tế, mọi người không chỉ nhận ra thương hiệu đó mà còn quan tâm đến việc thương hiệu đó đến từ đâu.

Mọi người đều biết rằng Tencent đến từ Trung Quốc và Apple đến từ Mỹ mặc dù sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, thật tuyệt vời nếu một sản phẩm của Việt Nam được quốc tế biết đến vì chất lượng, sự bền vững, tay nghề sản xuất cao. Và khách hàng sẽ có thông tin rằng đó là thương hiệu Việt.

Điều đáng mừng là nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đã đến Việt Nam và nhiều nhà đầu tư châu Âu đang hoạt động tài chính tại Singapore, họ đầu tư tiền vào Việt Nam qua công ty trung gian tại Singapore.

Vì vậy, theo số liệu thì các công ty này từ Singapore nhưng thực tế, tiền từ các nhà đầu tư Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha hoặc Pháp….

Từ tháng 9/2020, chúng ta đã có hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Đây là cơ hội củng cố hơn nữa mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Ông rất quan tâm đến khởi nghiệp tại Việt Nam. Nếu có thông điệp muốn gửi tới những người Việt Nam đang tìm cơ hội để khởi nghiệp, ông sẽ nhắn nhủ họ điều gì?

Tôi khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp. Các bạn đang có những thứ cần thiết để khởi nghiệp: một thị trường lớn với 97 triệu dân và bạn có đến 97 triệu khách hàng tiềm năng.

Thêm vào đó, ngôn ngữ thống nhất là một lợi thế dù miền Bắc và miền Nam có chút khác biệt. Điều đó có nghĩa là ngay từ ban đầu, bạn đã có một thị trường rất lớn và bạn cần tiếp cận được thị trường rộng lớn này.

Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cam kết và có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Đương nhiên, mọi thứ không dễ dàng nhưng các bạn khởi nghiệp phải vượt qua những khó khăn ấy vì ở đây bạn được hỗ trợ rất nhiều.

Hãy cho tôi biết, ở quốc gia nào, một vị Thủ tướng lại có thể ngồi đối thoại với các bạn khởi nghiệp, và dành rất nhiều thời gian cho cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp? Đó là sự hỗ trợ rất mạnh mẽ.

Khởi nghiệp cần nguồn lực tài chính trong giai đoạn ban đầu nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng, Việt Nam có thị trường rất lớn.

Nếu bạn khởi nghiệp một công ty xây dựng tại Việt Nam và chú trọng vào vấn đề phát triển bền vững, bạn sẽ có thể trở thành một trong những đơn vị tiên phong. Trong khi đó ở Đông Âu, bạn sẽ không thể là những người đi đầu vì đã có rất nhiều các công ty tập trung vào vấn đề này.

Thậm chí, ở khu vực này đã có công ty hàng trăm tuổi và vài trăm năm nay, họ đã nói về phát triển bền vững. Do đó, mô hình này không còn mới ở Tây Âu nữa. Thế nhưng ở Việt Nam, đây là cơ hội để người trẻ tiến tới một kỷ nguyên mới.

(Theo TTT)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều