Cựu ngoại trưởng Philippines muốn đưa phán quyết Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc
Ông Albert del Rosario kêu gọi nước nhà tận dụng cơ hội báo cáo trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần tới để tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài về phán quyết Biển Đông.
Theo báo Phil Star ngày 18-9, phiên họp thường trực lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày 17-9 và kéo dài đến 30-9 tại trụ sở chính ở New York.
Tại đây, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phát biểu trước đại hội đồng để trình bày lập trường của nước họ trước các vấn đề liên quan đến cộng đồng quốc tế.
“Lượt phát biểu của chúng ta vào ngày 28-9. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để Philippines nêu vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài (tháng 7-2016) vì tất cả các quốc gia khác đều ở đó. Philippines có thể là trường hợp để Liên Hiệp Quốc xác nhận lại về các quyền và luật phải tuân thủ”, ông Del Rosario kêu gọi.
Ông ví dụ một trường hợp từng sử dụng cách này là Nicaragua. Nicaragua từng thắng trong vụ kiện đòi Mỹ bồi thường trước Tòa án Công lý quốc tế và đã nhờ đến sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc. Mỹ cuối cùng đã cung cấp một gói viện trợ đáng kể cho Nicaragua dù ban đầu phớt lờ phán quyết của tòa.
Ông Del Rosario chia sẻ: “Trong trường hợp của chúng ta, phán quyết của Tòa trọng tài là một chiến thắng to lớn không chỉ cho người dân Philippines mà còn cho cả thế giới. Trừ khi chúng ta cho phép, Trung Quốc không thể tuyên bố Biển Đông thuộc chủ quyền của họ. Bộ Ngoại giao cần xây dựng chiến lược để có thể thuyết phục các quốc gia ủng hộ các quy định của luật biển và Philippines”.
Ông Del Rosario nhấn mạnh rất nhiều nước đã thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết của Tòa trọng tài. Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU), khối ASEAN, Mỹ, Nhật, Úc và nhiều nước khác đã bày tỏ sự đoàn kết với người Philippines khi kêu gọi hòa bình, giải quyết các tranh chấp và tôn trọng pháp luật quốc tế.
Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 bác bỏ yêu sách về “quyền lịch sử đối với tài nguyên trong đường 9 đoạn” vô căn cứ của Trung Quốc, khẳng định các cấu trúc (thực thể địa lý) thuộc Trường Sa không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; các hoạt động của Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biên xung quanh bãi cạn Scaborough là vi phạm UNCLOS 1982; các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây hại cho môi trường biển.
(Theo Tuổi Trẻ)