Cựu lính đặc công vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương
2 lần thoát cửa tử trong chiến tranh, trở về sau những năm tháng ác liệt, cựu chiến binh Lê Văn Nuôi đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang nuôi cá và vươn lên làm giàu giữa thời bình.
Người lính đặc công can trường
Chiến tranh khốc liệt đã vĩnh viễn lùi xa vào quá khứ hơn 40 năm, nhưng những tàn dư của một thời máu lửa vẫn còn đó, dai dẳng và khôn nguôi.
Sâu thẳm trong hồi ức của cựu lính đặc công Lê Văn Nuôi (SN 1954, thôn La Huân, xã Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam) – cựu binh từng đi qua bao trận đánh khốc liệt, “thủ đoạn” tra tấn tàn nhẫn của địch và không ít lần cận kề với cái chết.
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, mới 13 tuổi, ông Nuôi đã là đội trưởng đội du kích mật của xã.
Đến năm 1969, ông tham gia bộ đội đặc công biệt động Đà Nẵng. 2 năm sau, ông đảm nhiệm chức vụ Đội trưởng đội đặc công K20.
Người đội trưởng với tuổi đời còn non trẻ này chính là thủ lĩnh chỉ huy trận đánh gây tiếng vang lớn ở Đà Nẵng diễn ra vào cuối năm 1970 khi diệt gọn 15 tên địch cùng 2 xe quân sự.
Những năm tháng đó, có ngày ông cùng đồng đội đánh 4 trận với 4 mục tiêu khác nhau. Tháng 3/1971, ông bị địch phục kích và bắt giam.
“Tại nhà lao Điện Bàn, tôi hứng chịu những màn tra tấn vô cùng tàn độc. Hết bị đánh bằng roi điện với bao phen ngất đi tỉnh lại, tôi bị đổ xà phòng vào miệng và tưởng chừng không thể sống nổi. Lúc đó, trong tôi chỉ có một quyết tâm phải vượt ngục bằng được, trở về kề vai chiến đấu cùng đồng đội. Thà chết trong vinh quang, còn hơn ở đây mà chịu tra tấn”, ông Nuôi trầm ngâm chia sẻ.
Sau 1 tháng “nằm gai nếm mật”, chờ đợi thời cơ, ông quyết tâm vượt ngục. Lợi dụng sơ hở của lính gác, người lính đặc công đã “xé toạc” 11 lớp lưới rào bằng sắt, phá dỡ 1 bãi mìn ở nhà lao Điện Bàn và vượt ngục trở lại căn cứ cách mạng.
“Phải mất 2 đêm tôi mới rời được nơi đó. Đêm đầu tiên, tôi mò mẫm bẫy mìn của địch đặt ở dưới hàng rào, và vượt qua được 6 lớp lưới. Khi trời sáng, không dám vượt tiếp vì sợ địch phát hiện, tôi nằm trong đám cỏ giữa các hàng rào chờ trời tối. Đến đêm thứ 2, tôi tiếp tục vượt 5 lớp lưới còn lại và tìm về căn cứ cách mạng”, người cựu binh bồi hồi nhớ lại.
Đó là lần thứ nhất ông nghĩ mình may mắn trở về từ cõi chết. Và lần thứ hai ông Nuôi lại đối mặt với tử thần, trong chiến dịch K850, ông đạp trúng mìn và mất một phần chân phải.
Vết thương sau đó khoảng 1 tháng bị nhiễm trùng uốn ván làm chân tay ông lạnh ngắt, cứng đơ. Lần bị thương ấy, tưởng ông không qua khỏi nhưng không thể ngờ là ông đã dần hồi tỉnh, thoát chết thần kỳ.
“Trong lúc nằm điều trị, có 4 đồng chí cũng bị uốn ván như tôi, nhưng không qua khỏi. Lúc đó, chân tay tôi lạnh ngắt, cứng đơ. Đồng đội đã đào sẵn huyệt cho tôi bên cạnh 4 đồng chí trước đó.
May mắn, khi mọi người chuẩn bị lấp đất thì phát hiện tôi vẫn còn thở, và chỉ đậy lá chuối lên người để theo dõi. Các y tá thường xuyên kiểm tra, tiêm thêm thuốc cho tôi. Thần kỳ thay, 7 ngày sau tôi dần hồi tỉnh và một lần nữa trở về từ cõi chết”, ông Nuôi hồi tưởng.
Tàn nhưng không phế
Sau ngày giải phóng đất nước, ông Nuôi xuất ngũ quay về địa phương cùng vết thương xếp hạng thương binh 2/4, ông được phân về công tác tại phòng thương binh Điện Bàn.
Đến năm 1977 ông lập gia đình. Sau đó, ông đảm nhận chức vụ công an thôn kiêm thủ quỹ của Hợp tác xã Điện Thọ.
Ông Lê Văn Nuôi chia sẻ về hai lần thoát cửa tử của mình Với quyết tâm “Thương binh, tàn nhưng không phế”, năm 1989, ông bắt tay vào làm kinh tế. Hơn 10 năm lận đận với ruộng lúa, nuôi tằm, song thu nhập lại không ổn định, ông Nuôi quyết định tìm hướng phát triển mới.
Năm 2004, người cựu binh rẽ hướng chuyển đổi từ ruộng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt, bước ngoặt giúp ông vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nhắc đến quyết định rẽ hướng kinh doanh, ông Nuôi chia sẻ: “Lúc đó, vợ chồng tôi quyết tâm “chơi lớn”, bỏ ra 50 triệu (10 cây vàng thời bấy giờ), mua lại đất lúa kém hiệu quả để đào ao nuôi cá nước ngọt. Ban đầu cũng lắm vất vả, từ việc cá chết do thả dày đặt khiến thiếu oxy, đến gặp lũ lớn tràn ao cá trôi hết. Nhưng với quyết tâm vươn lên, cuối cùng cũng gặt hái quả ngọt”.
Mẻ cá giống với đủ loại cá trê, rô phi, chép, mè… xuất ao sau 8 tháng thả nuôi đã mang về khoản thu 70 triệu đồng (sau khi trừ chi phí) cho người cựu chiến binh.
Sau 16 năm chịu thương chịu khó, với diện tích đất rộng 1ha trung bình mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, năm 2018 ông cùng với một đồng đội của mình đầu tư nuôi yến, số lượng đến nay đã trên 1.000 con, dự kiến sẽ sớm cho thu hoạch.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, trong những năm qua, ông Nuôi hướng dẫn cho không ít đồng đội, bà con trong thôn chuyển hướng và khấm khá hơn nhờ nuôi cá. Trong đó, có 2 người là thương bệnh binh và 1 cựu chiến binh đã được ông truyền kinh nghiệm, vươn lên trong cuộc sống.
Nhận xét về người cựu chiến binh mẫu mực, gương điển hình phát triển kinh tế ở địa phương, ông Nguyễn Văn Thừa – Chủ tịch Hội nông dân thị xã Điện Bàn cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, cựu chiến binh Lê Văn Nuôi nhiều lần đón nhận danh hiệu kinh doanh sản xuất giỏi cấp tỉnh. Ông chính là người tiên phong trong việc chuyển đổi từ ruộng kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt. Đồng thời hỗ trợ và giúp đỡ nhiều bà con học hỏi theo mô hình của mình, vươn lên làm giàu”.
Thành tích trong kháng chiến chống Mỹ của cựu chiến binh Lê Văn Nuôi là 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3; 10 lần được tặng danh hiệu Dũng sỹ quyết thắng cấp 1,2,3; Huân chương chiến công giải phóng hạng 3; Huân chương kháng chiến hạng 3; Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng 3 cùng nhiều kỉ niệm chương do Nhà nước phong tặng.
Công Bính – Ngô Linh/ DT