+
Aa
-
like
comment

Cựu lãnh đạo Bộ Công Thương “cõng rắn cắn… đất công” như thế nào?

22/04/2021 13:20

Các cựu lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo thuộc cấp “mở cửa cho sói gửi chân”, để doanh nghiệp tư nhân thâu tóm đất công, biến thành đất tư. Từ vị thế người “cầm cái”, Bộ này lại “thả gà ra đuổi”.

“Mở cửa cho sói gửi chân”

Theo cáo trạng vụ “đất vàng” Sabeco được công bố trước tòa, Sabeco được giao khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM). Sabeco sau đó liên doanh thành lập Công ty CP Bất động sản Sabeco (Sabeco Land) để thực hiện dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê (không có chức năng căn hộ ở và cho thuê). Tuy nhiên, liên doanh này không có đủ tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Cựu lãnh đạo Bộ Công Thương cõng rắn cắn… đất công như thế nào? - 1
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm mở lần thứ 3.

Ngày 27/9/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 94, trong đó yêu cầu “các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước tập trung vốn đầu tư vào các ngành kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán. Đối với các Tập đoàn, tổng công ty trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh…”.

Tiếp đó, ngày 9/7/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết 26, tiếp tục chỉ đạo: “Từ nay đến năm 2015, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn tài sản của Nhà nước”.

Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương), bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng, đang bỏ trốn) và Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ) đã không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ mà tiếp tục chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản, không phải là ngành nghề kinh doanh chính; tiến hành liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư dự án và chuyển giao quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho liên doanh không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá, trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Cụ thể, sau khi giải thể Sabeco Land, Sabeco tiếp tục đề xuất Bộ Công Thương cho thành lập pháp nhân mới. Trong phương án gửi Bộ Công Thương có nội dung: “Sabeco sẽ chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho Công ty cổ phần để triển khai dự án tại 2-4-6 Hai Bà Trưng”.

Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công Thương về việc lựa chọn nhà đầu tư và phương án hợp tác với các nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án, Sabeco đã liên doanh thành lập Sabeco Pearl. Trong đó, Sabeco góp 26% vốn điều lệ, gồm 18% tiền mặt và 8% giá trị lợi thế.

Sabeco Pearl sau đó tăng vốn điều lệ nhưng tỷ lệ vốn góp của các cổ đông sáng lập vẫn giữ nguyên. Sabeco đã góp vốn thành lập Sabeco Pearl tổng số tiền là hơn 92 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, giá trị quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được đưa vào liên doanh để đầu tư thực hiện dự án nhưng không được định giá theo quy định của pháp luật để tính vào phần vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước.

“Thả gà ra đuổi”

Sabeco Pearl sau đó được UBND TPHCM chấp thuận làm chủ đầu tư dự án tại 2-4-6 Hai Bà Trưng và đã nộp gần 1.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất để được thuê khu đất trên trong thời hạn 50 năm.

Ngày 6/7/2015, Sabeco Pearl được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với khu “đất vàng” này.

Cựu lãnh đạo Bộ Công Thương cõng rắn cắn… đất công như thế nào? - 2
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xin được ngồi trả lời HĐXX vì lý do sức khỏe.

Kết luận giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc UBND TPHCM cho Sabeco Pearl thuê đất tại số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng thay cho Sabeco là không đúng quy định. Để thực hiện đúng quy định, sau khi Sabeco thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính (nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất, nộp tiền lệ phí trước bạ), được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sabeco mới được góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào vốn điều lệ công ty Sabeco Pearl.

Hơn 2 tháng sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sabeco Pearl lại tiếp tục đề nghị và được UBND TPHCM chấp thuận điều chỉnh, bổ sung chức năng căn hộ ở và officetel đối với công trình tại khu “đất vàng” trên.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng chưa tính toán và quyết định nộp tiền bổ sung mục đích, chức năng sử dụng đất, tháng 1/2016, nhóm các nhà đầu tư của Sabeco Pearl cùng ký công văn kiến nghị ông Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl, đồng thời đề nghị được mua lại toàn bộ 26% phần vốn góp của Sabeco.

Ngày 16/2/2016, ông Vũ Huy Hoàng ký công văn gửi Sabeco, trong đó chỉ đạo: “Thực hiện các thủ tục để thoái vốn và xây dựng phương án thoái vốn của Tổng công ty Sabeco tại Công ty Sabeco Pearl”.

Sau khi Sabeco thành lập Tổ thoái vốn, thuê 3 công ty thẩm định giá, tại cuộc họp ngày 29/3/2016, ông Vũ Huy Hoàng cho rằng giá trị cổ phần là 14.433 đồng/cổ phần là giá giả định trong tương lai khi khu đất có chức năng căn hộ ở và quyết định giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn là 13.247 đồng/cổ phần. Thực tế, thời điểm này, dự án đã được UBND TPHCM chấp thuận bổ sung chức năng căn hộ ở.

Qua đấu giá, Công ty Attland đã trúng đấu giá 14.733.342 cổ phần với giá 13.347 đồng/cổ phần, thành tiền là hơn 196 tỷ đồng. Sau đó, Sabeco nhận số tiền chuyển nhượng cổ phần hơn 196 tỷ đồng và rút khỏi liên doanh Sabeco Pearl.

Theo Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự ở Trung ương, giá trị quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng tại thời điểm Sabeco Pearl được cho thuê đất xây dựng dự án (không có chức năng căn hộ ở, cho thuê) là hơn 1.000 tỷ đồng. Giá trị khu đất trên tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự (có chức năng căn hộ ở và cho thuê) là hơn 3.800 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 2.700 tỷ đồng.

Ngày 19/10/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần (thay đổi lần thứ 5) đổi tên Sabeco Pearl thành Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh.

Như vậy, đến thời điểm này, dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được chuyển toàn bộ sang các nhà đầu tư là các doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh Sabeco Pearl và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng hiện thuộc về Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh.

Cáo trạng cho rằng, việc định giá, thoái vốn là thủ đoạn cuối cùng làm mất tài sản Nhà nước và là cơ sở để tư nhân chiếm hữu tài sản Nhà nước.

Khánh Linh

Bài mới
Đọc nhiều