Cựu giảng viên ĐH Luật TP.HCM cầu cứu công an vì ‘bị đe dọa tính mạng’
Bà L.T.A.N. – cựu giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM – vừa gửi đơn kêu cứu đến Công an TP.HCM cho rằng mình ‘đang bị uy hiếp tinh thần, xâm phạm quyền riêng tư và bị đe dọa tính mạng’.
Trước đó, cựu giảng viên này cũng đã có đơn gửi Thủ tướng khiếu nại quyết định ngày 18-5-2020 của hiệu trưởng nhà trường kỷ luật buộc thôi việc đối với bà.
“Có dấu hiệu khủng bố, đe dọa tính mạng”
Ngày 29-6, bà L.T.A.N. đã gửi đơn đến lãnh đạo Trường ĐH Luật TP.HCM phản ánh trưa 11-6, có nhiều kẻ lạ mặt tự xưng là người của trường đến nhà bố mẹ bà ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) để chuyển công văn. Chiều 25-6, lại có nhiều kẻ lạ mặt đến địa chỉ trên, vẫn tự xưng là người của trường để tiếp tục chuyển công văn.
“Hai lần đến nhà ba mẹ tôi, nhóm người này đều quay phim, chụp ảnh nhà và người thân tôi mà không xin phép, không có sự đồng ý của người thân của tôi. Họ yêu cầu người thân của tôi ký tên vào các văn bản không rõ nội dung… Việc nhà trường cử thanh tra trường trực tiếp gửi công văn cho mọi người theo kiểu bất bình thường, có dấu hiệu khủng bố ba mẹ và người thân tôi”, bà N. bức xúc.
Trong đơn kêu cứu gửi Công an TP.HCM ghi ngày 25-6, về vụ việc này, bà L.T.A.N. kiến nghị công an xác minh, làm rõ việc này và có biện pháp bảo vệ công dân. Cựu giảng viên này cũng cho biết thời gian qua bà đã nhiều lần phản ánh, tố cáo, khiếu nại các sai phạm của một số lãnh đạo khoa luật quốc tế và Trường ĐH Luật TP.HCM lên Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng. Sự việc hiện vẫn chưa được cơ quan nào giải quyết.
Nữ tiến sĩ luật này thắc mắc: “Luật nào cho phép trường làm như vậy? Việc kéo cả nhóm người đến nhà ba mẹ tôi với kiểu đe dọa đó nhằm mục đích gì? Đây là sự xâm phạm quyền riêng tư, đe dọa tính mạng, tài sản, sức khỏe của gia đình tôi”.
“Người của trường không quay phim, chụp ảnh”
Ông Đoàn Xuân Quang – phó trưởng phòng hành chính – tổng hợp Trường ĐH Luật TP.HCM – xác nhận vừa qua trường có chuyển trực tiếp một số công văn cho bà L.T.A.N. – nguyên giảng viên của trường – đến địa chỉ nhà ở Q.Thủ Đức.
“Mỗi khi nhà trường liên lạc với cô N. rất khó. Chúng tôi dựa vào địa chỉ nhà ghi trong đơn gửi Văn phòng Chính phủ để gửi các văn bản liên quan và cần có chữ ký xác nhận của người nhận. Việc này do cán bộ phòng thanh tra của trường cùng thừa phát lại quận 5 đến địa chỉ trên và lập vi bằng xác nhận gia đình của bà L.T.A.N. đã nhận được văn bản do trường tống đạt.
Người của trường không quay phim, chụp ảnh gì trong nhà cô này, mà chỉ hợp đồng với thừa phát lại để thực hiện tống đạt văn bản. Các thừa phát lại làm nghiệp vụ của họ theo quy định của pháp luật. Nếu thừa phát lại làm gì sai thì họ phải chịu trách nhiệm về những việc làm đó” – ông Quang thông tin.
Ngày 29-6, trao đổi với PV, đại diện Văn phòng thừa phát lại quận 5 xác nhận vừa qua Trường ĐH Luật TP.HCM có yêu cầu đơn vị này chứng kiến, lập vi bằng ghi nhận việc đại diện nhà trường gửi văn bản hợp lệ đến cho bà L.T.A.N. tại một địa chỉ nhà ở Q.Thủ Đức (TP.HCM).
Việc tống đạt công văn trên diễn ra hai lần, đều do một người đại diện nhà trường thực hiện dưới sự chứng kiến của một thừa phát lại và một thư ký của Văn phòng thừa phát lại quận 5. “Trong vụ việc này, chúng tôi thực hiện đúng nghiệp vụ thừa phát lại được pháp luật cho phép”, đại diện thừa phát lại khẳng định.
Cần phải có sự đồng ý của người bị ghi hình
Theo luật sư Tạ Minh Trình – tổng giám đốc Công ty luật TNHH Ocean Stars Lawyers – Đoàn luật sư TP.HCM, việc nhà trường thực hiện gửi văn bản cho giảng viên và yêu cầu tổ chức thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự việc trên là phù hợp với quy định của nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại.
Khi thừa phát lại đến địa chỉ cần tống đạt văn bản theo yêu cầu của khách hàng, thường xảy ra tình huống có người đó ở nhà ra và họ nhận văn bản hoặc từ chối nhận. Thừa phát lại sẽ chụp ảnh hoặc quay phim để minh chứng lại toàn bộ sự việc phục vụ việc lập vi bằng.
Nghị định 08 chưa có quy định rõ ràng về việc thừa phát lại có được quyền ghi hình, chụp ảnh và sử dụng hình ảnh của người khác trong quá trình lập vi bằng hay không và việc sử dụng được thực hiện như thế nào, có cần sự đồng ý của người bị quay phim chụp, hình không. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2015 quy định “việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó”.
“Trong trường hợp này, theo tôi, cần phải có sự đồng ý của người bị ghi hình. Nếu thừa phát lại không hỏi ý kiến người bị ghi hình, chụp ảnh mà tự ý thực hiện là vi phạm quy định về sử dụng hình ảnh cá nhân và vi phạm đời tư người khác.
Đặc biệt, trong trường hợp người bị ghi hình, chụp ảnh phản ứng đã thể hiện ý chí của họ không đồng ý với việc bị ghi hình, chụp ảnh thì thừa phát lại phải ngưng ngay việc ghi hình và cũng không được phép sử dụng các hình ảnh đó để lập vi bằng.
Như vậy, nếu người thân của giảng viên không đồng ý để thừa phát lại ghi hình thì thừa phát lại bắt buộc phải bỏ những hình ảnh của những người này ra”, luật sư Trình nhấn mạnh.
TRẦN HUỲNH/ TTO