Cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình nói gì khi được triệu tập tới tòa
Ông Bùi Trọng Đắc, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, người có liên quan được triệu tập tới tòa trong vụ gian lận điểm thi THPT, cho biết để xảy ra vụ việc ông xin nhận trách nhiệm và khuyên các bị cáo khai báo thành khẩn để nhận được khoan hồng.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, ông Bùi Trọng Đắc thời điểm đó đang là Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hòa Bình. Ông Đắc là Phó ban chỉ đạo của tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình.
Tuy nhiên, đến ngày 27/11/2019, ông Bùi Trọng Đắc đã bị cách chức Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình do thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, 2018 tại tỉnh Hòa Bình; để nhiều cán bộ, đảng viên của Sở GD-ĐT, ngành GD-ĐT tỉnh Hòa Bình vi phạm nghiêm trọng, bị khởi tố, điều tra hình sự và bị xử lý kỷ luật.
Được triệu tập tới tòa trong phiên xét xử sơ thẩm hình sự 15 bị cáo (trong đó chủ yếu là cán bộ, giáo viên ngành giáo dục), cựu Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, với trách nhiệm là người đứng đầu ngành giáo dục, được tỉnh giao nhiệm vụ trong kỳ thì thi để xảy ra sự việc thế này (gian lận điểm thi) ông xin nhận trách nhiệm.
Khi được HĐXX truy vấn về việc các bộ phận được ông giao nhiệm vụ như: Ban rọc phách, phòng khảo thí, các bộ phận tổ chức thi, chấm thi tự luận, chấm thi trách nghiệm, có báo cáo tiến độ, công việc hàng ngày không. Ông Đắc cho biết tiến độ tổ chức thi, chấm thi, phó chủ tịch hội đồng thi đều có báo cáo.
Về việc bị cáo Nguyễn Quang Vinh, HĐXX hỏi có báo cáo tiến độ về quá trình chuẩn bị cũng như khâu chấm thi trắc nghiệm không. Ông Đắc nói Vinh bị cách ly ở khu trắc nghiệm nên việc này ông chỉ làm việc với Phó giám đốc Sở GD-ĐT là ông Nguyễn Đức Lương.
Khi được HĐXX đặt câu hỏi về việc các bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, Nguyễn Thị Thu Loan, Bùi Thanh Trà và các giáo viên khai bác về các sai phạm trong công tác chấm thi, ông có suy nghĩ gì. Ông Đắc cho rằng các cán bộ, thầy cô giáo trước đây có học nghề nên xảy ra các vi phạm này cá nhân ông thấy rất đau xót và mong muốn các thầy cô nên phải khai báo đúng, thành khẩn trước tòa, để tòa xem xét giảm hình phạt tới mức thấp nhất cho các thầy cô sớm trở về với cuộc sống bình thường.
Cũng tại tòa, khi trả lời một số các câu hỏi của luật sư, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình cũng khẳng định chính bản thân ông là người đã vận động Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy), thành viên ban chấm thi ra đầu thú khi nhận được thông tin Tuấn có hành vi can thiệp nâng điểm bài thi.
Ngày 11/5, TAND tỉnh Hòa Bình đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 15 bị cáo là các cựu cán bộ ngành giáo dục và công an ở tỉnh Hòa Bình về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”; “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ”.
Các bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356, Bộ Luật Hình sự 2015, gồm: Nguyễn Quang Vinh; Đỗ Mạnh Tuấn; Diệp Thị Hồng Liên; Nguyễn Khắc Tuấn; Nguyễn Thị Thu Loan; Nguyễn Thị Hồng Chung; Bùi Thanh Trà; Hồ Chúc; Đào Ngọc Thuật; Nguyễn Đức Hoàng; Nguyễn Tân Hưng; Quách Thanh Phúc; Lê Thị Hồng; Phùng Văn Thụ; Khương Ngọc Chất. Ngoài ra, Đỗ Mạnh Tuấn bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ”; Hồ Chúc tội “Đưa hối lộ”.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các bị can đã cấu kết, can thiệp nâng điểm bài thi cho 65 thí sinh (TS) gồm 64 em dự thi năm 2018 và 1 em dự thi năm 2017. Các TS này đã sử dụng kết quả sai nói trên để xét tốt nghiệp THPT và dự tuyển vào các trường đại học. Trong đó, 45 TS trúng tuyển nhưng bị buộc thôi học; 10 TS đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 TS trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 TS xét tuyển nhưng không trúng tuyển; 3 TS không xét tuyển.
Thanh Tuấn/NLĐ