Cựu giám đốc CDC Hà Nội bị phạt 10 năm tù
Cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị phạt 10 năm tù với cáo buộc chủ mưu nâng giá máy xét nghiệm Covid-19, ngày 12/12.
TAND Hà Nội nhận định, hành vi của ông Cảm và 9 đồng phạm gây nguy hiểm cho xã hội, mất niềm tin trong nhân dân. Khi cả nước đang tập trung chống Covid-19, các bị cáo lại cùng nhau thực hiện hành vi trái pháp luật. Nhiều bị cáo vì lợi ích vật chất mà vi phạm quy định đấu thầu nghiêm trọng.
Ông Cảm là người đứng đầu, có vai trò cao nhất. Bị cáo Đào Thế Vinh sử dụng thủ đoạn “mua đi bán lại” thiết bị xét nghiệm Covid-19 để nâng giá nên giữ vai trò thứ hai trong vụ án.
Các bị cáo đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Riêng ông Cảm có học hàm phó giáo sư, tiến sĩ, có nhiều thành tích trong công tác nên được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ.
TAND Hà Nội tuyên phạt 6 cựu cán bộ CDC Hà Nội phạm tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 222 Bộ luật hình sự 2015. Trong đó, ông Cảm 10 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán, 6 năm 6 tháng; Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, 5 năm. Bị cáo Hoàng Kim Thư, Kế toán trưởng và Lê Xuân Tuấn, cán bộ Phòng Tài chính kế toán cùng nhận 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Bốn bị cáo còn lại: Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành và Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech, mỗi người 6 năm tù; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông, 5 năm.
Về dân sự, toà tuyên CDC Hà Nội được nhận lại hơn 5,4 tỷ đồng trong vụ án, tịch thu công quỹ hơn 25 triệu đồng do bị cáo Tuấn hưởng lợi trái phép.
Các bị cáo không hưởng lợi nên không có hình phạt bổ sung.
Theo bản án sơ thẩm ra chiều 12/12, lợi dụng tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp, từ tháng 2, các bị cáo dưới sự chủ mưu của ông Cảm đã vì động cơ vụ lợi mà thỏa thuận gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm.
Ông Cảm trực tiếp bàn với Tuyền, Nhất, Vinh để ấn định giá các thiết bị trong gói thầu số 15 là hơn 9,5 tỷ đồng, trong đó hệ thống máy Realtime PCR tự động của hãng Qiagen – Đức giá 7 tỷ đồng, bảo hành 36 tháng.
Để hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu với giá được ấn định từ trước, CDC Hà Nội thuê Công ty Cổ phần định giá và đấu giá tài sản Nhân Thành lập khống chứng thư thẩm định giá và hoàn thiện các thủ tục chỉ định thầu. Ông Cảm chỉ đạo cán bộ dưới quyền là Thanh, Dung và Quỳnh hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu, ấn định Công ty MST là đơn vị trúng thầu trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Cảm còn thông đồng giả mạo hồ sơ, chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục trái quy định để thực hiện sai phạm.
Sau khi chốt các phương án, nhóm của Vinh thực hiện mua bán lòng vòng với động cơ vụ lợi. Theo đó, giá hai máy do Phương Đông nhập khẩu, cung ứng là 4,1 tỷ đồng; bán cho Công ty Hưng Long (do vợ Vinh làm giám đốc) với giá giữ nguyên là 4,1 tỷ đồng. Vinh nhờ giám đốc công ty khác ký hợp đồng mua lại của Hưng Long giá 5,2 tỷ đồng rồi bán cho MST của Vinh giá 7,8 tỷ đồng. Cuối cùng, MST bán hai máy xét nghiệm và tách chiết cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỷ đồng.
Phạm Dự/VE