Cựu Đại sứ Pháp: “Việt Nam là Hàn Quốc của ngày mai”
‘Việt Nam là Hàn Quốc của ngày mai’ chính là nhận định của ông Jean-Noel Poirier, cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam, sau chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Theo ông Jean-Noel Poirier, từ rất nhiều năm trở lại đây, Pháp rất chú trọng đến khu vực châu Á – châu Đại Dương và đã thực hiện chiến lược tăng cường hiện diện ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam là nhân tố quan trọng trong khu vực và là một đối tác đặc biệt thân thiết của Pháp.
Việc Thủ tướng Việt Nam đến thăm Pháp vào thời điểm này, khi cuộc khủng hoảng Covid-19 chưa hoàn toàn kết thúc, là một sự kiện được đánh giá cao ở Pháp. Ông nói hầu hết người ở Paris đều biết thông tin về chuyến thăm này.
Các công ty của Pháp cũng rất quan tâm đến chuyến thăm này. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Pháp thường xuyên trao đổi với tôi về tình hình của Việt Nam và họ rất ấn tượng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam trong ba mươi năm qua. Họ thường ví “Việt Nam là Hàn Quốc của ngày mai” với những lý lẽ hết sức thuyết phục.
Việc thực hiện hiệp định thương mại tự do ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mở ra nhiều triển vọng mới. Trong một tương lai không xa, không chỉ có các công ty Pháp muốn đầu tư vào Việt Nam mà các công ty lớn của Việt Nam cũng có thể sẽ đến đầu tư tại Pháp.
Chắc hẳn trong chuyến thăm chính thức đến Pháp lần đầu tiên sau khi nhận chức, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có thể nhận thấy đất nước Tây Âu này đang trên đà hồi phục sau cơn bão Covid-19 hồi năm ngoái.
Điều này không chỉ biểu hiện bằng hình ảnh các quán cà phê tại Paris luôn đông kín người, mà thực tế, nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh hơn dự kiến.
Tại Pháp, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý vừa qua tăng trưởng đáng kinh ngạc, vượt mức 3%, và dự kiến đạt 6,25% trong năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp giảm nhanh chóng, trong khi vẫn còn hàng chục ngàn vị trí tuyển dụng chưa có người ứng tuyển.
Ở thời điểm này, mặc dù Pháp đã có dấu hiệu khởi sắc và năng động trở lại, nhưng so với Việt Nam, Pháp đã phải trả giá đắt hơn nhiều trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Theo ông Jean-Noel Poirier, Pháp sẽ còn mất một thời gian để phục hồi lại mức tăng GDP năm 2019 là 1,2%, trong khi mức GDP của Việt Nam vẫn đang trên đà tăng (+2,9% năm 2020 và +3,8% năm 2021 theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á).
Vào nửa cuối năm nay, Pháp đã ghi nhận tỷ lệ việc làm cao hơn thời điểm trước dịch Covid-19. Mức tăng trưởng hiện tại cũng cao hơn dự báo của Chính phủ. Hai xu hướng tích cực này bắt nguồn từ việc kiểm soát tốt khủng hoảng y tế năm 2021 và các cải cách kinh tế mà chính phủ Pháp đã triển khai từ trước cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp (8,1%) vẫn cao hơn nhiều so với các nước láng giềng như Đức (5,5%) hoặc Anh (4,6%). Thâm hụt công và thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt giá trị 5,4 tỉ euro, trong khi kim ngạch của Pháp theo chiều ngược lại chỉ đạt dưới 1 tỉ euro.
Tại Việt Nam, thất nghiệp hiện không phải là mối quan ngại hàng đầu. Trên thực tế, các nhà máy hiện đang gặp vấn đề khá lớn về việc thiếu nhân lực. Cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư từ nhiều năm trở lại đây và vẫn tiếp tục tăng hàng năm. Tỷ trọng của ngành công nghiệp trong GDP cũng tăng đều. Trong vòng 10 năm, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao đã vượt qua các mặt hàng đòi hỏi nguồn nhân công lớn như dệt may, da giày.
Tháng 9 năm ngoái có một sự kiện đáng chú ý đã xảy ra. Các phương tiện truyền thông chính thống tại Pháp và một số nước phương Tây đã đưa tin về việc chuỗi sản xuất và phân phối ở châu Âu và Mỹ bị gián đoạn do các nhà máy ở Việt Nam phải đóng cửa tạm thời do dịch. Không phải là Trung Quốc, Hàn Quốc hay Đài Loan, mà là Việt Nam.
“Theo tôi biết, đây là lần đầu tiên truyền thông chính thống nhắc đến Việt Nam như một nước công nghiệp có tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Trong ngắn hạn, có thể coi đó là một sự công nhận quốc tế”, ông Jean-Noel Poirier cho biết.
Mặc dù thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 muộn hơn so với Pháp, nhưng Việt Nam đang đi đúng hướng và có triển vọng tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng Việt Nam. Mối quan tâm của các công ty Pháp đối với chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là bằng chứng cho thấy Việt Nam vẫn tiếp tục được các tập đoàn lớn phương Tây coi là quốc gia của tương lai về mặt kinh tế.
Pháp hiện vẫn là một cường quốc kinh tế quan trọng và quốc gia này đang lấy lại phong độ vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, những đám mây bao trùm nền kinh tế Pháp vẫn hiện hữu và Pháp sẽ phải nỗ lực rất nhiều để kết nối lại với nền công nghiệp và công nghệ trong quá khứ. Điều đó không phải là không thể, mà còn xa.
Bảo Vân