Cựu Cục trưởng Công an Trùng Khánh bị bắt
Tân Hoa Xã ngày 22/1 đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc mới đây ra quyết định bắt cựu Cục trưởng Công an thành phố Trùng Khánh Đặng Khôi Lâm.
Cựu Cục trưởng Công an Trùng Khánh bị cáo buộc nghiêm trọng
Đặng Khôi Lâm – từng là thành viên tổ đảng chính quyền thành phố Trùng Khánh, Phó thị trưởng, Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Cục Công an Trùng Khánh – bị bắt giữ sau khi Ủy ban Giám sát nhà nước Trung Quốc (NSC) kết thúc điều tra vụ án ông này nhận hối lộ và chuyển giao cho Viện Kiểm sát để khởi tố.
Đặng “ngã ngựa” vào giữa tháng 6/2020 khi Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) ra thông báo điều tra ông này do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” – cụm từ thường sử dụng để mô tả hành vi tham nhũng.
Ngày 4/1 vừa qua, CCDI cho biết NSC được trung ương Trung Quốc phê chuẩn lập án điều tra đối với vụ việc của Đặng, đồng thời thông báo cách các chức vụ trong chính quyền và khai trừ khỏi đảng.
Cơ quan chống tham nhũng hàng đầu Trung Quốc tuyên bố quá trình điều tra cho thấy Đặng Khôi Lâm “mất hết lý tưởng, hoàn toàn không có ‘Bốn ý thức’, xa rời ‘Hai điều bảo vệ’, tham gia kết bè cánh trong nội bộ đảng, vơ vét vốn liếng chính trị, sa đà vào đầu cơ chính trị, tùy tiện nghị luận phương châm lớn của trung ương đảng, hoạt động mê tín”.
“Hai điều bảo vệ” mà CCDI đề cập – bao gồm “kiên quyết bảo vệ địa vị hạt nhân của Tổng bí thư [ĐCSTQ] Tập Cận Bình trong trung ương đảng, trong toàn đảng” và “kiên quyết bảo vệ thẩm quyền và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của trung ương đảng” – được ban lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh là nhiệm vụ hàng đầu trong nỗ lực xây dựng đảng tại các cơ quan nhà nước và trung ương.
“Bốn ý thức” là khái niệm được ông Tập nêu ra lần đầu trong phiên họp của Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 29/1/2016, yêu cầu các quan chức nâng cao “ý thức chính trị, ý thức toàn cục, ý thức hạt nhân, và ý thức nhất quán”.
CCDI còn cáo buộc Đặng Khôi Lâm vi phạm “tinh thần 8 quy định” của trung ương, nhận quà và tiền hối lộ, tham gia các cuộc chiêu đãi có thể ảnh hưởng đến công vụ, sai phạm trong các vấn đề cá nhân, đề bạt quan chức, “đạo đức bại hoại, giao dịch quyền sắc”. Đặng bị cho là đã mạnh tay thực hiện các vụ giao dịch bằng quyền lực và tiền bạc để thu về lợi ích lớn.
“Chiến trường” Trùng Khánh
Đặng Khôi Lâm, 56 tuổi, là Cục trưởng Công an thứ ba liên tiếp của Trùng Khánh bị “ngã ngựa”, sau hai người tiền nhiệm là Hà Đĩnh và Vương Lập Quân.
Trước khi được điều động tới Trùng Khánh vào tháng 7/2017 để thay thế Hà Đĩnh với nhiều kỳ vọng của ban lãnh đạo Trung Quốc, Đặng Khôi Lâm đang làm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Chính pháp trung ương đảng – một trong những cơ quan quyền lực hàng đầu của ĐCSTQ.
Tháng 10/2017, ông Hà Đĩnh bị trừng phạt bằng hình thức khai trừ khỏi đảng, giáng chức xuống cấp phó Sở, buộc nghỉ hưu sớm. Thông báo của CCDI cáo buộc Hà Đĩnh “lôi kéo quan hệ để thăng tiến, hoạt động mê tín, can dự trái quy định vào hoạt động tư pháp”.
Trong khi đó, vụ “ngã ngựa” của Vương Lập Quân là một trong những sự kiện gây rúng động nhất Trung Quốc khi nó diễn ra vào thời điểm chỉ vài tháng trước khi nước này tổ chức Đại hội toàn quốc khóa 18 của ĐCSTQ, với việc ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo cao nhất đất nước.
Thời điểm tháng 2/2012, ông Bạc Hy Lai – con trai cố Phó thủ tướng Trung Quốc Bạc Nhất Ba – đang giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị trung ương ĐCSTQ khóa 17, Bí thư thành ủy Trùng Khánh – một trong 4 đô thị lớn trực thuộc trung ương Trung Quốc.
Ngày 6/2/2012, Vương Lập Quân – cấp dưới thân tín của Bạc – chạy tới tới Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, xin tị nạn. Tuy nhiên, phía Mỹ không tiếp nhận Vương và trao trả ông này cho Trung Quốc.
Vụ Vương Lập Quân “sa lưới” đã dẫn tới hàng loạt sai phạm, âm mưu của Bạc Hy Lai cùng vợ là Cốc Khai Lai bị khui ra khiến cả Bạc và Cốc “ngã ngựa”.
Vương bị đưa ra xét xử tại tỉnh Tứ Xuyên vào tháng 9/2012 và nhận án tù 15 năm với hàng loạt tội danh, bao gồm đào tẩu, lạm dụng chức quyền, nhận hối lộ,…
Trùng Khánh được xem là một trong những “chiến trường” tại Trung Quốc sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn từ năm 2012. Bí thư Trùng Khánh sau khi Bạc Hy Lai “ngã ngựa” là Tôn Chính Tài cũng chung số phận với người tiền nhiệm khi bị xử chung thân vì các tội danh tham nhũng.
Trung