Cựu Chủ tịch Hà Nội đã vứt bỏ thứ gì sau khi lái xe và thành viên tổ thư ký bị bắt?
Sau khi Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn anh Ngọc bị bắt, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã vứt bỏ một thứ đã dùng trước đó.
Hôm nay (11/12), Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hà Nội sẽ mở phiên sơ thẩm, xét xử ông Nguyễn Đức Chung cùng các đồng phạm trong vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Các bị cáo được đưa ra xét xử gồm có:
Ông Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Phạm Quang Dũng – cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an; Nguyễn Hoàng Trung – nguyên cán bộ Công an TP.Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND TP.Hà Nội (lái xe của ông Chung); Nguyễn Anh Ngọc – nguyên Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND TP.Hà Nội.
Các bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao truy tố tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”; Nguyễn Đức Chung, Phạm Quang Dũng bị truy tố theo điểm c, khoản 3, Điều 337 Bộ luật Hình sự; Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị truy tố theo khoản 1, Điều 337 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ án này, cơ quan chức năng xác định, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội là người chủ mưu, Phạm Quang Dũng là người thực hành, Nguyễn Hoàng Trung là Nguyễn Anh Ngọc là người giúp sức.
Ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án “Công ty Nhật Cường”. Vụ án này thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của vụ án “Công ty Nhật Cường”, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã liên hệ, đề nghị Phạm Quang Dũng cung cấp thông tin, tài liệu về vụ án.
Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, thực hiện đề nghị của ông Nguyễn Đức Chung, Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”.
Đối với Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc tham gia 1 lần in, chỉnh sửa 3 tài liệu “Mật” cho Nguyễn Đức Chung.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định, cựu Chủ tịch Hà Nội đã sử dụng sim điện thoại của Nga để liên lạc với người cung cấp tài liệu mật, điều này đã góp phần gây khó khăn trong công tác điều tra.
Ở lần Phạm Quang Dũng đột nhập vào phòng làm việc của Trưởng phòng 14, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an vào giữa đêm để chiếm đoạt tài liệu, sau khi chụp được 3 tài liệu gồm 26 trang tương ứng với 26 file ảnh chụp tại bàn làm việc của vị Trưởng phòng 14 vào ngày 4/6/2020, sáng ngày 10/6, Dũng sử dụng ứng dụng Viber chuyển cho Nguyễn Đức Chung (số +79653192, đây là số thuê bao mạng di động nước Nga) 3 tài liệu trên.
Khoảng hơn 1 tháng sau, Phạm Quang Dũng đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an 2 file ghi âm cuộc gọi trao đổi thông qua Viber vào buổi sáng ngày 13/7/2020 giữa Phạm Quang Dũng và ông Nguyễn Đức Chung.
Cuộc gọi trao đổi này giữa ông Chung và Dũng, ông Chung sử dụng số điện thoại của nước Nga nêu trên.
Ghi âm cuộc gọi trao đổi giữa Phạm Quang Dũng và cựu Chủ tịch Hà Nội có nội dung ông Chung yêu cầu Dũng nắm thông tin về hướng điều tra vụ án “Công ty Nhật Cường” của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an liên quan đến vợ chồng ông Nguyễn Đức Chung.
Đáng chú ý, sau khi Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị bắt, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã vứt bỏ chiếc điện thoại và sim thuê bao di động nước Nga vào tối ngày 14/7/2020.
Cơ chế hoạt động của SIM điện thoại Nga của ông Nguyễn Đức Chung tại Việt Nam
Tại Việt Nam, người dùng có thể sử dụng sim nước ngoài để đảm bảo không bị gián đoạn liên lạc. Tuy nhiên, để có thể làm được điều này, cần một số thao tác để có thể hòa mạng quốc tế.
Để có thể sử dụng sim nước ngoài ở Việt Nam, cần đăng ký và sử dụng tính năng data Roaming. Và khi quyết định đăng ký dịch vụ Roaming (chuyển vùng quốc tế), cần phải lưu ý thực hiện khi vẫn đang ở nước ngoài.
Chủ sở hữu phải mang theo các loại giấy tờ tùy thân để yêu cầu đăng ký dịch vụ. Tính năng này chỉ có thể đăng ký với các thuê bao trả sau, và cước dịch vụ cũng khá đắt đỏ.
Theo một chuyên gia viễn thông, việc sử dụng sim nước ngoài ở Việt Nam hiểu nôm na là hình thức “mượn sóng”, phải có hợp đồng trên phương diện đối tác của nhà mạng bên nước ngoài.
Khi người dùng làm thủ tục Roaming, họ sẽ sử dụng số điện thoại đó ở Việt Nam bình thường và giá cước là giá cước quốc tế.
“Chi phí sử dụng dịch vụ Roaming ở Việt Nam thường có công thức: Cước Roaming quốc tế Việt Nam cộng thêm chi phí và phụ thu của nhà mạng. Tất cả có thể lên tới con số rất lớn” – chuyên gia viễn thông thông tin.
Về chiếc sim điện thoại Nga mà ông Chung sử dụng, trước đó, ông được một người quen tặng và người này có lẽ đã làm thủ tục đăng ký dịch vụ Roaming tại nước Nga.
Nguyễn Thịnh
Nguyễn Hòa/DV