+
Aa
-
like
comment

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn “lũng đoạn” thầu từ Đồng Nai tới Quảng Ninh

Bích Vân - 31/08/2023 19:30

Trong 2 vụ án xảy ra tại Đồng Nai và Quảng Ninh, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị cáo buộc sử dụng các chiêu trò tương tự nhau để “lũng đoạn” hoạt động đấu thầu.

Viện KSND tối cao mới đây ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC), cùng 15 người khác, trong vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Quảng Ninh.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn T.N

Chiêu thức gian lận quen thuộc

Tháng 1.2023, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên phạt 30 năm tù về 2 tội đưa hối lộ và vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến những sai phạm tại dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Theo cáo buộc, bà Nhàn lợi dụng quen biết với lãnh đạo địa phương để được ưu ái tham gia dự án. Cựu chủ tịch AIC còn sử dụng hàng loạt chiêu trò gian dối để trúng liên tiếp các gói thầu, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 148 tỉ đồng.

Với thủ đoạn tương tự, tại dự án Bệnh viện Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh, bị can Nhàn chỉ đạo nhân viên liên hệ với cán bộ Ban Quản lý dự án thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, để thông đồng về thông số kỹ thuật, cấu hình, đơn giá trang thiết bị y tế mua sắm.

Cựu Chủ tịch AIC còn chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh số liệu Báo cáo tài chính các năm 2010 – 2013, để đảm bảo Công ty AIC có đủ năng lực tham gia dự thầu.

Chưa dừng lại, Nguyễn Thị Thanh Nhàn giao thuộc cấp mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu để Công ty AIC và Công ty Mopha (cũng thuộc quản lý của Nhàn) với vai trò “quân đỏ”. Cùng đó là hàng loạt công ty khác đóng vai trò “quân xanh”, hòng giúp “quân đỏ” dễ dàng trúng thầu.

Với hàng loạt thủ đoạn trên, Công ty AIC và Công ty Mopha đã trúng thầu 6/6 gói thầu của dự án mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ninh, với tổng giá trị hơn 232 tỉ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, số tiền quyết toán các gói thầu cho nhóm công ty của bị can Nhàn có giá trị cao hơn so với thực tế. Đến nay, các tài liệu và chứng cứ thu thập được đủ căn cứ chứng minh thiệt hại gây ra là hơn 50 tỉ đồng.

Cơ quan tố tụng thực hiện khám xét trụ sở Công ty AIC tháng 4.2022 TRẦN CƯỜNG

Vai trò của 2 người bỏ trốn vừa ra đầu thú

Trong số 16 bị can bị truy tố, ngoài Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn có Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC; và Đỗ Văn Sơn, Kế toán trưởng Công ty AIC. Hai bị can này bỏ trốn, bị phát lệnh truy nã và lần lượt ra đầu vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua.

Cáo trạng xác định, Đỗ Văn Sơn biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực tài chính để dự thầu theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bị can Sơn cung cấp số liệu và chỉ đạo nhân viên kế toán thực hiện điều chỉnh Báo cáo tài chính các năm 2010 – 2013, để làm tăng hệ số thanh toán nợ ngắn hạn và tăng vốn chủ sở hữu.

Đỗ Văn Sơn còn ký 4 báo cáo tài chính đã chỉnh sửa, trình Nguyễn Thị Thanh Nhàn ký xác nhận. Các báo cáo tài chính này được cung cấp cho công ty kiểm toán rồi đưa vào hồ sơ dự thầu.

Người còn lại là Nguyễn Thị Thu Phương. Bị can này được cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn giao quyền quản lý, điều hành một số công ty trong hệ sinh thái AIC.

Theo yêu cầu của bị can Nhàn, bị can Phương chỉ đạo thực hiện việc lập hồ sơ dự thầu cho các công ty đóng vai trò “quân xanh”, nhằm giúp Công ty AIC và Công ty Mopha thâu tóm các gói thầu.

Quá trình điều tra, bị can Đỗ Văn Sơn thừa nhận sai phạm, trong khi đó bị can Nguyễn Thị Thu Phương không thừa nhận hành vi phạm tội.

Bích Vân 

Bài mới
Đọc nhiều