Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không nhận trách nhiệm
Cựu bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khai không quản lý trực tiếp Sabeco mà trách nhiệm thuộc về các thứ trưởng phụ trách.
Sáng 22/4, là một trong 9 bị cáo tại vụ án sai phạm ở Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Hoàng mang theo cặp tài liệu dày đi vào TAND Hà Nội và được HĐXX cho phép ngồi khi trình bày.
Trước nhiều câu hỏi của chủ tọa, cựu bộ trưởng nói: “Tôi rất xin lỗi vì sự việc đã xảy ra quá lâu và không phụ trách trực tiếp Sabeco. Hơn nữa, tôi không được tiếp cận thông tin một cách chính thống. Khi vụ án khởi tố, tôi đã nghỉ hưu nên quá trình trả lời có sai sót mong HĐXX thông cảm“.
Ông Hoàng cho hay có 9 năm làm Bộ trưởng Công Thương (tháng 7/2007 đến 2016) và chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Bộ trước pháp luật, Đảng, Nhà nước và Chính phủ; làm công tác chiến lược, quy hoạch, nội chính. Các thứ trưởng được giao “từng mảng phụ trách” và chịu trách nhiệm trước bộ trưởng.
“Bị cáo phân công nhiệm vụ gì cho thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (đang bị truy nã)?“, chủ toạ hỏi. Ông Hoàng đáp Bộ Công Thương là bộ đa ngành, đa lĩnh vực nên nhiều phần việc. Bà Thoa được giao phụ trách nhiều mảng trong đó có công nghiệp nhẹ, quản lý Sabeco.
Khi ông nhận nhiệm vụ thì Sabeco đã thành lập Sabeco Land. Theo phân công nhiệm vụ, ông không trực tiếp quản lý Sabeco nên chỉ nắm được thông tin khi thuộc cấp báo cáo xin ý kiến.
Lần đầu tiên, ông tiếp nhận thông tin liên quan Sabeco vào năm 2013 khi bộ phận quản lý vốn ở đơn vị này gửi văn bản xin thay thế nhà đầu tư. “Tôi cũng chỉ có duy nhất ý kiến vào văn bản này là Sabeco phải báo cáo Bộ trước khi lựa chọn nhà đầu tư. Tôi làm thế bởi muốn doanh nghiệp thay thế phải đảm bảo năng lực triển khai dự án chứ không như lần đầu để rồi bị dang dở“, ông Hoàng trình bày.
“Bị cáo đã ký văn bản nào để chỉ đạo Sabeco?“, HĐXX truy vấn. Ông Hoàng đáp khoảng năm 2016, căn cứ đề xuất của Sabeco, ông đã chủ trì cuộc họp để bàn các vấn đề. Tuy nhiên, ông chỉ điều hành thay do thứ trưởng phụ trách đi vắng. Cuộc họp này bàn về nhiều vấn đề trong đó có chủ trương xây dựng trụ sở mới chứ không phải chỉ bàn về thoái vốn như cáo buộc.
Nói “rất đau xót” khi hàng năm Sabeco phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để thuê văn phòng nên ông thấy đề xuất xây trụ sở làm việc nêu tại cuộc họp này là đúng đắn.
Tại phiên tòa, bị cáo Phan Chí Dũng, cựu vụ trưởng Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương, cho hay chỉ nhận thức được Sabeco xây dựng văn phòng “để phục vụ” chính doanh nghiệp chứ không phải là đầu tư ngoài ngành. Các cơ quan trong Bộ Công Thương khi có ý kiến tham mưu cũng chung nhận định như vậy. Tuy nhiên, Sabeco không xây văn phòng mà chuyển sang hướng khác, dẫn đến sai phạm của vụ án.
Theo cáo buộc, ông Hoàng chỉ đạo bà Thoa và ông Dũng ra các văn bản yêu cầu Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất tại số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl. Sabeco sau đó dùng pháp nhân Sabeco Pearl để thực hiện dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê tại khu đất này.
Sabeco Pearl không thuộc đối tượng được thuê đất chỉ định. Tuy nhiên dựa vào đề nghị của Sabeco, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP HCM, cùng thuộc cấp đã giao cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuê đất không qua đấu giá. Giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm ban hành quyết định cho thuê là 1.000 tỷ đồng, trong khi thực tế 3.800 tỷ đồng.
Ông Hoàng và hai thuộc cấp ở Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản trong khi đây không phải ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp. Ông Hoàng sau đó chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) trong dự án này để doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh.
Từ đây, Sabeco hoàn tất chuyển quyền quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại khu đất này sang tư nhân. Việc này được xác định là trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.
Ông Hoàng bị cáo buộc có vai trò chính, trực tiếp gây ra thiệt hại trong vụ án. Bà Thoa và ông Dũng là đồng phạm giúp sức. Hai người này cũng tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ cổ phần góp vốn tại Sabeco Pearl và duyệt giá cổ phần làm giá khởi điểm để đấu giá thấp hơn giá trị thực tế.
Phiên tòa dự kiến kéo dài một tuần, từ ngày 22/4. Ông Hoàng và Dũng bị TAND Hà Nội xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự.
8 bị cáo còn lại nguyên là cán bộ, lãnh đạo TP HCM bị xét xử về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo khoản 3 điều 229.
Phạm Dự