Cựu binh Mỹ: “Việt Nam là nơi đẹp nhất, hòa bình nhất trên thế giới”
Khi lần đầu tiên tới Việt Nam, tôi đã sẵn sàng chết cho nước Mỹ. Và tôi mừng vì điều đó đã không xảy ra… Nhưng tôi sẽ chết tại Việt Nam, vì tôi lựa chọn như vậy.
Nhiều cựu chiến binh Mỹ nhớ rất rõ khoảnh khắc đầu tiên khi họ đặt chân xuống Việt Nam. Nhưng với David Clark, người tới Việt Nam với năm 19 tuổi với tư cách là một kỹ sư chiến đấu, ký ức của ông về cuộc chiến rất lờ mờ. Ông hầu như nhớ thời tiết rất nóng và chỉ mong còn sống để trở về.
“Tôi vẫn nghĩ có hàng nghìn binh sĩ đã đến trước tôi, và họ đã trở về nhà. Đó là tất cả những gì tôi muốn làm. Tôi chỉ muốn về nhà”, Clark nói.
Gần 50 năm sau đó, “nhà” có nghĩa là Việt Nam – một đất nước mà Clark, nay 70 tuổi, tin là “nơi đẹp nhất, hòa bình nhất trên thế giới”.
Kể từ năm 2010, Clark đã sống tại Đà Nẵng, một thành phố phố ven biển chỉ cách núi Ngũ Hành Sơn chỉ vài km. Nhà của ông cách không xa nơi ông từng làm nhiệm vụ trong Thủy quân lục chiến Mỹ. Thời điểm đó, việc ra khỏi đơn vị mà không mang vũ khí bị xem là hành vi phạm tội.
“Khi đó, tôi không ngại giơ khẩu M-16 trước bất kỳ ai. Tôi chỉ muốn họ sợ tôi, vì tôi cảm thấy nếu họ sợ tôi thì cơ hội để tôi trở về nhà sẽ tốt hơn nhiều”, ông kể lại.
Gác lại những ký đau buồn thời chiến, sự trở lại của Clark tại Đà Nẵng vẫn nhận được sự chào đón nồng ấm của người dân địa phương.
Ngày 30/4 năm nay là kỷ niệm 45 năm giải phóng Sài Gòn. Kể khi quan hệ giữa hai nước được bình thường hóa vào những năm 1990, hàng nghìn cựu binh sĩ Mỹ đã trở lại Việt Nam. Clark là một thành viên của một nhóm các cựu chiến binh chọn sinh sống lâu dài tại nước này. Nhiều người trong số họ đến để tìm kiếm sự bình yên sau nhiều năm vật vã với chứng hậu chấn tâm lý (PTSD), và thường họ được chữa lành “vết thương lòng” khi tham gia vào các nỗ lực hòa giải và giảm bớt các hậu quả của chiến tranh.
Vài năm sau khi trở lại Việt Nam, Clark gặp người vợ của ông, một phụ nữ Việt tên là Ushi, người điều hành nhà hàng mà các cựu binh Mỹ thường đến ăn. Thông qua bà, Clark dã được giới thiệu với Cựu chiến binh vì Hòa bình, một tổ chức thúc đẩy hòa bình. Clark tham gia các hoạt động gây quỹ cho các nạn nhân da cam và hỗ trợ các nỗ lực nhằm rà phá bom mìn chưa nổ dưới lòng đất sau nhiều thập niên.
“Khi tôi tới đây vào năm 1968, tôi chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc chiến. Vì thế rất có ý nghĩa khi tôi ở đây hôm nay và trở thành một phần rất nhỏ của nỗ lực hòa bình”, ông nói.
Tìm thấy hòa bình ở ngôi nhà thứ hai
Một cựu chiến Mỹ được người Việt biết đến nhiều nhất là Chuck Searcy, người từng tham chiến tại Việt Nam vào năm 1965. Giống Clark, ông là thành viên của tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình và hiện đang sinh sống tại Việt Nam. Hà Nội là nơi Searcy gọi là nhà trong 25 năm qua.
Trong chiến tranh, Searcy từng là một nhà phân tích quân sự tại Sài Gòn. Công việc của ông đòi hỏi ông phải hiểu về văn hóa địa phương và lịch sử kéo dài hàng nghìn năm của người Việt nhằm chống lại sự xâm lược của các lược lượng đế quốc và thực dân. Càng đọc, ông càng tự hỏi về điều mà ông được yêu cầu nói với người Mỹ. Thông thường, các báo cáo từ đơn vị của ông thường được gửi tới các chỉ huy quân đội để xem xét. “Những gì mà chúng tôi viết không giống với những gì họ nói tại Washington. Và các báo cáo của chúng tôi thường mang một thông điệp rõ ràng: “Hãy nói thẳng”.
Chỉ sau vài tháng, hầu hết các thành viên trong đơn vị của ông đều quay sang phản đối cuộc chiến. “Chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng những gì chúng tôi đang làm ở đây không có ý nghĩa gì. Chúng tôi đã bị lừa dối, và chúng tôi cũng là một phần của những lời dối trá đó. Chúng tôi là một phần của bộ máy hiến pháp mà đang tạo ra những điều dối trá này”, ông nói.
Searcy đã trở về nhà ngay sau Chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Khi trở về, ông rất buồn và mất phương hướng, với rất nhiều câu hỏi.
“Tôi đã chứng kiến quá nhiều sự tàn phá, mà nhiều trong số đó do chính chúng tôi gây ra”, Searcy nói. “Tôi không biết tôi là ai khi là một người Mỹ. Mọi điều tôi được dạy khi lớn lên là về các giá trị Mỹ, và rằng chính phủ của tôi không làm gì sai – tất cả những gì điều đó làm tôi đau khổ”.
Vài tháng sau khi trở về, Searcy đã được mời phát biểu tại một cuộc tuần hành phản chiến tại Đại học Georgia, nơi ông lên tiếng về sự phản đối chiến tranh trước hàng nghìn người. Quan điểm của ông về chiến tranh khác biệt với chính gia đình ông.
Bất chấp sự phản đối của gia đình, Searcy đã quyết tâm chấm dứt sự đổ máu bằng bất kỳ cách thức nào mà ông có thể làm. Sau cuộc tuần hành, ông đã tham gia tích cực vào phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, mở đầu một hành trình dài với tư cách là một nhà hoạt động phản chiến.
Vào năm 1995, Searcy trở lại Việt Nam để tham gia vào các nỗ lực hòa giải. Ông đã sống tại đây kể từ đó và tham gia khắc phục các hậu quả của chiến tranh. Vào năm 2001, ông đã giúp khởi động một sáng kiến có tên gọi Dự án RENEW nhằm rà phá các bom, mìn chưa nổ trong lòng đất, tập trung vào tỉnh Quảng Trị. Ngoài việc tìm kiếm và dọn dẹp bom mìn chưa nổ, dự án cũng hỗ trợ các gia đình có các thành viên sống sót sau các vụ nổ.
Trong thời gian từ 1957-1975, ước tính Mỹ đã ném hơn 7 triệu tấn bom xuống Việt Nam, Lào và Campuchia – hơn gấp đôi số bom mà Mỹ thả xuống châu Âu và châu Á trong Thế chiến II. Đối với nhiều người tại Việt Nam, cuộc chiến có thể kết thúc, nhưng tiếng bom chưa bao giờ chấm dứt. Khoảng 10% bom mà Mỹ thả xuống được cho là vẫn chưa nổ, điều đó có nghĩa là nhiều quả bom này vẫn ở trong lòng đất cho tới ngày nay.
“Những quả bom này không nhằm phá hủy các tòa nhà mà chúng chỉ nhằm gây thương vong về người”, Clark, người đang hỗ trợ các nỗ lực giáo dự của Dự án RENEW, nói.
Khó thống kê chính xác có bao nhiều người đã bị thương hoặc thiệt mạng do bom mìn chưa nổ tại Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc, nhưng một số người ước tính có hơn 40.000 người chết. Một số người vấp phải bom nổ đã sống sót nhưng bị các thương tích khác nhau như mất chân tay hay bị mù, điều đặc biệt thảm khốc đối với những người dân sống tại các khu vực nghèo. Không hiếm chuyện các em nhỏ gặp phải bom trong khi đang chơi ngoài trời.
Nhờ có Dự án RENEW, trẻ em tại Quảng Trị hiểu về bom mìn chưa nổ ngay ở trong trường tiểu học. Khi gặp phải bom mìn chưa nổ, họ được hướng dẫn tránh xa chúng và báo ngay cho nhóm hỗ trợ, những người sẽ nhanh chóng đến cùng xe cứu thương và sơ tán mọi người ra xa. Khi kiểm tra khu vực, nhóm thường tìm thấy 3-4 quả bom khác gần đó và sau khi phong tỏa khu vực, những quả bom mìn được kích nổ có kiểm soát.
Theo ông Searcy, các nhân viên dự án thực hiện các vụ nổ an toàn, được kiểm soát đối với các bom, mìn được tìm thấy tại Quảng Trị diễn ra 4-5 lần mỗi ngày. “Không thể nói ‘Tốt rồi, chúng tôi đã làm xong, công việc đã hoàn thành. Việt Nam đã an toàn’. Việt Nam sẽ còn lâu mới an toàn. Điều này sẽ còn tiếp diễn hàng thế kỷ, nhưng người dân có thể an toàn. Giờ đây họ có thể sống với ý thức rằng họ biết phải làm gì và làm thế nào để xử lý tình huống”, ông nói.
“Tôi sẽ chết ở đây”
Dù cuộc sống có nhiều điều bất ngờ nhưng cả Clark và Searcy đều tin rằng họ đang sống ở nơi có nên sống. “Khi tôi ở Mỹ, Chiến tranh Việt Nam đã đeo đẳng tôi hàng ngày và hàng đêm”, Clark nói. “Khi tôi ở Việt Nam, cuộc chiến đã lùi xa 45 năm trước”.
Khi Searcy lần đầu tiên trở lại Việt Nam gần 30 năm trước, ông không chắc sẽ ở lại bao lâu, nhưng vai trò của ông với tư cách là một cầu nối giữa người Mỹ và người Việt đã khiến ông ở lại. “Mỗi năm kể từ khi chuyển tới đây, tôi đã nghĩ ‘năm nay có thể là năm tôi nên trở về Georgia. Nhưng cũng mỗi năm, lại có một bước tiến khác trong mục tiêu mà chúng tôi đang hướng tới”, Searcy nói.
Nhờ các nỗ lực của Dự án RENEW, thương vong từ bom mìn chưa nổ tại tỉnh Quảng Trị đã giảm mạnh. Vào năm 2001, khi dự án bắt đầu, 89 người trong khu vực đã thiệt mạng hoặc bị thương do bom mìn. Đến năm 2017, con số đã giảm xuống chỉ còn 2 trường hợp và trong 2 năm qua không có trường hợp nào.
Ngoài công việc tại Dự án RENEW và tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình, Clark và Searcy còn cũng tới thăm tới Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA). Chỉ riêng tại Đà Nẵng, có khoảng 1.000 trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chất độc mà quân đội Mỹ từng rải xuống. Trẻ em tại Trung tâm VAVA luôn vui mừng mỗi khi có người tới thăm. Khi Clark và vợ ông tới trung tâm, họ thường nhận được những cái ôm thân mật.
Sau nhiều năm vật lộn với những cơn ác mộng và chứng hậu chấn tâm lý, Clark đã tìm thấy hòa bình ở nơi cuối cùng mà ông mong đợi.
“Khi tôi lần đầu tiên tới Việt Nam, tôi đã sẵn sàng chết cho nước Mỹ. Và tôi mừng vì điều đó đã không xảy ra. Nhưng một trong những điều lớn nhất từng xảy ra với tôi là, sau nhiều năm, là tôi sẽ chết tại Việt Nam, nhưng tôi chết ở đây vì chính bản thân tôi lựa chọn như vậy”, Clark nói.
An Bình/DT